Vụ thử hệ thống chống tên lửa (gọi tắt là ASAT) của Trung Quốc (TQ) được tiến hành bí mật vào ngày 11-1-2007. Từ Trung tâm Không gian Vũ trụ Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, một tên lửa đạn đạo tầm trung kiểu KT1 đã được bắn lên đâm thẳng vào vệ tinh theo dõi thời tiết Phong Vân 1C đang bay cách mặt đất 800 km mà TQ phóng lên quỹ đạo trái đất cách nay 7 năm nay đã quá hạn sử dụng.
Aviation Week & Space Technology là tờ báo Mỹ đầu tiên loan báo vụ thử này. Lập tức, Chính phủ Mỹ và nhiều nước khác trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc... bày tỏ sự lo lắng hành động của TQ có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang mới trên không gian vũ trụ kiểu “chiến tranh các vì sao” (Star Wars - tên một bộ phim khoa học viễn tưởng ăn khách của Mỹ). Họ yêu cầu TQ có một lời giải thích.
Không xác nhận hay phủ nhận
Tuy nhiên, Lưu Kiến Siêu - người phát ngôn của Chính phủ TQ - đã từ chối xác nhận hay phủ nhận việc TQ thử ASAT. Ông nói không thể đưa ra lời bình luận nào vì không biết có một vụ thử như thế: “Tôi không thể nói gì về nguồn tin đó. Thật sự là tôi không biết gì, chỉ hay biết qua các nguồn tin nước ngoài. Những gì tôi có thể nói là, về nguyên tắc, TQ chủ trương sử dụng không gian vũ trụ vì hòa bình, chống lại vũ trang hóa không gian vũ trụ và cũng chống lại bất cứ hình thức chạy đua vũ trang nào”.
Bình luận về lời tuyên bố của ông Siêu, tờ The New York Time cho rằng sự im lặng của TQ đánh dấu sự lớn mạnh nhanh chóng của quân đội nước này, đặc biệt là lực lượng pháo binh thứ hai phụ trách chương trình tên lửa đạn đạo. Đây là một đơn vị bí mật đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của chủ tịch - đồng thời là tổng tư lệnh - Hồ Cẩm Đào. Có được vũ khí có thể vô hiệu hóa hoặc phá hủy vệ tinh là một thành phần trong chủ thuyết chiến tranh bất xứng (nước yếu chống nước mạnh). Các nhà chiến lược quân sự TQ từng viết rằng trong trường hợp xung đột vũ trang với Mỹ, quân đội TQ sẽ dùng kỹ thuật tương đối ít tiền nhưng có hiệu quả gây rối cao để chống lại các lực lượng Mỹ được trang bị và huấn luyện tốt hơn.
Việc TQ nghiên cứu và phát triển những loại vũ khí vừa nêu đã được Mỹ biết đến từ lâu nhưng quyết định cho thử ASAT là một bất ngờ đối với nhiều nhà phân tích Mỹ. Cách đây không quá một tháng, TQ công bố sách trắng nêu rõ quan điểm của TQ là “không có vũ khí trong không gian vũ trụ” vì nó là tài sản chung của nhân loại. Phải chăng với vụ thử này, TQ muốn gây sức ép buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán cấm vũ khí không gian vũ trụ? Một vài nhà phân tích tin như vậy. Bấy lâu nay, Nga và TQ vẫn kêu gọi Washington ký một hiệp ước như thế nhưng bị Tổng thống Bush bác bỏ vì ông này chủ trương “tự do hành động” trong không gian vũ trụ.
Hủy diệt một vệ tinh đang bay là một kỹ thuật đã được Nga thử nghiệm vào cuối thập niên 1960 và Mỹ thử nghiệm từ giữa thập niên 1980, mỗi nước mỗi cách khác nhau. Cách của Nga là phóng lên một “vệ tinh sát thủ” bay cùng một quỹ đạo với mục tiêu dùng ra đa điều khiển cho nó bay đến gần mục tiêu khoảng 8 km rồi cho nổ tung phá hủy luôn mục tiêu. Cách này chỉ hữu hiệu 50%.
Ngày 13-9-1985, Mỹ phóng một loại vũ khí tầm nhiệt từ máy bay tiêm kích F-15 dùng động năng của chính nó hủy diệt một vệ tinh nghiên cứu đã lỗi thời. Cách thử của TQ cũng gần giống như thế nhưng bắn từ mặt đất. Nga và Mỹ từ đó đến nay không thử nữa vì có một vấn đề chưa biết phải xử lý như thế nào. Đó là những mảnh vỡ của vệ tinh có thể tồn tại hàng chục năm trong không gian khi bị hủy diệt. Chúng rất nguy hiểm cho các vệ tinh và phi thuyền bất kể là của ta hay của địch.
40.000 mảnh vỡ nguy hiểm
Theo tính toán của David Wright, đồng giám đốc Chương trình An ninh toàn cầu của tổ chức Concerned Scientist ở Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ), vụ hủy diệt vệ tinh Phong Vân đã tạo ra 40.000 mảnh vỡ lớn hơn 1 cm và khoảng 2 triệu mảnh vụn lớn hơn 1 mm. Ở độ cao mà vệ tinh Phong Vân đang bay có rất nhiều vệ tinh khí hậu, chụp ảnh, viễn thám và viễn thông v.v... Những vệ tinh này có thể bị những mảnh vụn vừa kể bay với tốc độ 7,5 km/giây, tức nhanh hơn máy bay phản lực 30 lần, làm hư hỏng nặng.
Tệ nhất là trường hợp các mảnh vụn bay với tốc độ 76.000 km/giờ có thể làm nổ tung các vệ tinh khác và tạo ra một đợt mảnh vụn mới. Bart Gardon, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Hạ viện Mỹ, cho rằng ai đó đã tham mưu tầm bậy cho các nhà lãnh đạo quân sự TQ vì nó sẽ tạo ra một môi trường những nguy cơ lớn cho các vệ tinh thương mại và dân sự.
Đáng nói nhất là tin tức vụ TQ thử hệ ASAT đến đúng vào lúc NASA (Cơ quan Không gian Vũ trụ Mỹ) thông báo có 8 phi thuyền và các tầng tên lửa bất ngờ tan rã trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 12-2006, góp phần làm ô nhiễm thêm không gian vũ trụ.
Chỉ cần một tên lửa tầm trung là có thể hủy diệt được vệ tinh bay ở tầm 800 km |
Hệ quả của vụ thử hệ thống ASAT của TQ là gì? Chắc chắn là Mỹ sẽ phải xem xét lại toàn bộ chiến lược không gian vũ trụ của mình. Cơ quan lo lắng nhất là Lầu Năm Góc, tức Bộ Quốc phòng Mỹ. Những vệ tinh do thám của họ vốn bay thấp như vệ tinh thăm dò thời tiết của TQ được coi là tai mắt từ nay sẽ không còn bất khả xâm phạm mặc dù những vệ tinh này được thiết kế theo công nghệ tàng hình tân tiến nhất. Thay vì sử dụng những vệ tinh thật to, đắt tiền, Lầu Năm Góc từ nay sẽ thiết kế những vệ tinh nhỏ để tối ưu hóa cơ hội sống sót một khi có tên lửa thù địch nào đó bắn lên.
Một hệ quả khác cũng không kém quan trọng là có thể có một số nước khác tham gia trò chơi “chiến tranh các vì sao” vì kỹ thuật dùng động năng phá hủy vệ tinh mà TQ đã sử dụng thành công không quá phức tạp, nằm trong tầm tay.
Bình luận (0)