Thị trường mua bán tinh trùng, trứng đang “nở nồi” mênh mông trên mạng Internet. Trứng của một sinh viên Trường Đại học Columbia giá thấp hơn trứng của sinh viên Trường Harvard. Đây là một trong những thực tế của thị trường sinh sản ở Mỹ cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới được bà Debora Spar, giáo sư kinh tế Trường Đại học Harvard, ghi nhận trong quyển sách có tựa đề The baby business (Kinh doanh hài nhi).
Dễ như mua giày
Thống kê của Mỹ cho thấy, riêng năm 2004, hơn 1 triệu người Mỹ tìm mua tinh trùng, trứng để sinh con theo phương pháp thụ tinh nhân tạo. Thị trường này trị giá 3 tỉ USD/năm. Vấn đề là cho tới nay ở Mỹ nó chỉ hoạt động trên mạng, không chịu bất cứ sự kiểm soát của cơ quan nào. Bởi vậy, trên nhật báo The New York Times, người ta thường nói đến chuyện mua tinh trùng ở ngân hàng dễ dàng như đi mua giày. Cũng không có quy định nào về việc mua bán trứng. Một phần là vì FDA (Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ) không nói rõ ràng khi nào thì trứng được xem là “mô sinh sản”, thứ có trong danh mục quy định. Một phần khác, luật lệ mỗi bang mỗi khác, nơi cho nơi không.
Theo bà Spar, thị trường sinh sản ở Mỹ không bị giới hạn. Điều này cho thấy chính quyền có thái độ nói chung là lững lờ. Khoảng trống này thật ra cũng có nguyên nhân của nó. Đưa vào quy chế chắc chắn sẽ bị phản ứng bởi vì nó đụng chạm đến một loạt vấn đề tế nhị mà chính phủ muốn né tránh: Sự sống bắt đầu từ khi nào? Trong hoàn cảnh nào thì có thể chấm dứt nó? Có nên cho phép một phụ nữ 63 tuổi sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm? Có nên cho phép cấy ghép nhiều phôi để tăng cơ hội thành công với hậu quả là có thể làm dị dạng thai hoặc sinh non? Có nên cho phép cha mẹ “từ chối “ phôi thai bị khuyết tật bẩm sinh?
Bởi không bị giới hạn cho nên việc kinh doanh hợp pháp hoặc trá hình dưới nhiều hình thức từ những chất liệu cơ bản của sự sống như tinh trùng, trứng, cho đến cho thuê tử cung phát triển thoải mái. Hài nhi không phải là một món hàng. Bà Spar phân tích: “Chúng ta tin tưởng rằng vẫn có một vài thứ cần phải nằm ngoài thị trường và khoa học, rằng tiền không thể mua được tất cả mọi thứ. Hài nhi là vô giá”.
Thế nhưng, người ta có nhiều cách để mua bán mà vẫn được tiếng là phụng sự nhân đạo và khoa học. Người ta kêu gọi “hiến tặng tinh trùng và trứng” cho những người hiếm muộn. Người ta nói có những bà mẹ tự nguyện “cho mượn” tử cung để giúp đỡ các gia đình bất hạnh không thể sinh con. Việc hiến tặng, cho mượn diễn ra tại các bệnh viện và ngân hàng sinh sản tư nhân và những nơi này sẽ “đền bù” những người hiến tặng đã bỏ công sức và thời gian đến bệnh viện để tiến hành lấy trứng, tinh trùng v.v...
Đằng sau những lời lẽ nhân từ ấy là cả một cái chợ sầm uất. Mỗi thứ đều có giá của nó mà những người nhận phải trả. Tinh trùng: 275 USD/liều. Trứng: từ 2.500 đến 50.000 USD. Thuê tử cung 9 tháng: 25.000 đến 45.000 USD. Thụ tinh: 6.000 và 20.000 USD/chu kỳ (trung bình cần 3 chu kỳ mới sinh được một hài nhi).
Có một chuyện không ai chịu thừa nhận là một số trứng và tinh trùng đắt tiền hơn bình thường. Do đó “người sản xuất” và “người trung gian” (bệnh viện) có thể hét giá cao ngất ngưởng. Nếu “người hiến tặng” có gien tốt như học hành giỏi giang, có chiều cao hình thể hơn bình thường, có năng khiếu về âm nhạc hoặc thể thao thì có thể bán trứng với giá 100.000 USD!
Giá cả nói trên đều do các bệnh viện và ngân hàng (tinh trùng, trứng) ấn định. Họ in những tập catalogue để khách hàng tùy nghi lựa chọn trứng và tinh trùng tùy theo chất lượng mà mình yêu cầu. Bệnh viện có thể cung cấp cho khách hàng những thông tin cá nhân của người hiến để khách hàng có nhiều lựa chọn hơn.
![]() |
Xếp hàng bán tinh trùng ở một ngân hàng tinh trùng châu Âu |
Một vài bệnh viện Mỹ chuyên cung cấp “hàng ngoại” (trứng và tinh trùng người Nam Á) nhưng đa số chỉ nhận “người hiến” là người da trắng, tóc vàng, mắt xanh vì bán được cao giá hơn. Một số ngân hàng tinh trùng chỉ nhận “người hiến “cao từ 1,80 m trở lên. Nguyên nhân là khách hàng ngày càng đòi hỏi cao. Họ muốn tạo ra những đứa con thông minh, lực sĩ và có năng khiếu đặc biệt.
Từ kỹ thuật PGD đến sinh sản vô tính
Ngoài yếu tố thương mại gây tranh cãi, việc chọn một đứa con theo ý muốn của những khách hàng lắm tiền nhiều của có thể đẩy vấn đề đi xa hơn với sự trợ giúp của tiến bộ khoa học. Kỹ thuật chẩn đoán bệnh tật và khuyết tật di truyền như hội chứng Down ở những em bé còn nằm trong bụng mẹ (PGD) là một ví dụ. Kỹ thuật này dấy lên những câu hỏi hóc búa không những cho người sử dụng mà cho cả những cơ quan có thẩm quyền về y tế. Liệu kỹ thuật này có thể phán quyết rằng phôi thai ấy “không đáng sống” vì có đến 90% khách hàng không muốn nhận một đứa con như thế sau khi đã đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn USD? Rồi đây kỹ thuật PGD sẽ được cải tiến để có thể phát hiện gien mang mầm bệnh và hội chứng khác như Parkinson hay Alzheimer. Lúc đó, khách hàng sẽ ứng xử ra sao?
Sinh sản vô tính, gọi tắt là nhân bản, cũng là một vấn đề gây tranh cãi rất dữ. Tuy chưa thành một thị trường đúng nghĩa như thị trường trứng và tinh trùng, trong tương lai nó sẽ là một vấn đề mà xã hội phải đối phó và giải quyết. Đặc biệt khi “thượng đế” khách hàng có những nhu cầu hết sức lạ lùng.
Bình luận (0)