Nhật báo The Telegraph số chủ nhật 7-6 tiết lộ rằng đã có một âm mưu ngay trong nội bộ Công đảng, thông qua các lá đơn từ chức của các bộ trưởng, gây áp lực buộc ông Brown phải từ chức để đưa ông Alan Johnson, bộ trưởng bộ y tế, vào Phủ Thủ tướng thay ông Brown.
Một kịch bản tinh vi
Nhân vật nổi bật trong âm mưu vừa kể là James Purnell, 39 tuổi, Bộ trưởng Bộ Lao động. Purnell bất ngờ tuyên bố từ chức tối thứ năm tuần rồi. Điều đáng nói là cách tuyên bố từ chức của chính khách khôn ngoan này mà tuần báo Đức Der Spiegel mô tả là đầy kịch tính. Ông ta đợi đến 22 giờ, tức sau khi tất cả các phòng phiếu đóng cửa mới ra tay. Ông gửi đến The Times, một nhật báo lớn có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ, một lá thư tuyên bố từ chức và trình bày lý do khiến ông phải hành động như vậy. Lá thư được đăng ngay trên trang nhất sáng hôm sau, ngày 5-6. Sốc nhất là không những tuyên bố ra đi trong lúc Công đảng thất bại nặng trong cuộc bầu cử địa phương ngày 4-6 mà ông Purnell còn công khai yêu cầu ông Brown từ chức vì "lợi ích của Công đảng".
Bộ trưởng James Purnell (bên phải) và Thủ tướng Brown
Trong lá thư gửi cho Thủ tướng Anh sau đó, Bộ trưởng Purnell phân tích rằng ông Brown nên từ chức lãnh tụ Công đảng và thủ tướng chính phủ để Công đảng có cơ hội tốt hơn trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Ông Purnell còn nhấn mạnh rằng chừng nào ông Brown còn tại vị thì cơ hội thắng lợi của Đảng Bảo thủ càng lớn “và như thế sẽ là một thảm họa cho đất nước chúng ta”.
Thời điểm tuyên bố từ chức của ông Purnell, theo tờ The Telegraph, là một phần trong kịch bản của một nhóm nổi loạn thuộc phe phái cựu thủ tướng Tony Blair. Chức bộ trưởng lao động không có sức nặng trong chính phủ, nhưng Purnell là người châm ngòi nổ cho một cuộc đảo chính nội bộ.
Ngay sau ông Purnell từ chức, hai vị bộ trưởng khác nặng ký hơn cũng xin từ chức. Đó là Bộ trưởng Quốc phòng John Hutton nại "lý do gia đình" và Bộ trưởng Vận tải Geoff Hoon. Như vậy đã có một sự phối hợp nhịp nhàng của phái Blair mặc dù bề ngoài những vị xin từ chức đều nói họ đơn phương hành động. Thật ra, không phải ngẫu nhiên mà có một loạt đơn từ chức của 10 vị bộ trưởng và quốc vụ khanh trong nội các ông Brown chỉ trong 4 ngày kể từ ngày 2-6.
Cải tổ nửa vời
Ông Brown thừa biết âm mưu nổi loạn kể trên nên ông vội vã tuyên bố quyết định cải tổ nội các ngay trong ngày thứ sáu "đen tối" đó sau khi ông Purnell bất ngờ xin từ chức nhằm dập tắt cuộc nổi loạn này. Nhưng cuộc cải tổ này, theo nhật báo Pháp Le Monde, không được như ý ông Brown. Theo kế hoạch, ông dự tính thay đổi bộ trưởng kinh tế Alistair Darling và Bộ trưởng Ngoại giao David Miliband bằng hai người thân tín là Bộ trưởng Giáo dục Ed Balls và Bộ trưởng Thương mại Peter Mandelson. Tuy nhiên, sợ hai ông Darling và Miliband theo chân Purnell và các vị khác rời bỏ chính phủ, ông Brown buộc lòng phải từ bỏ ý định ban đầu.
Sau cuộc cải tổ, những tiếng nói chống đối ông Brown trong nội bộ Công đảng ít đi. Nhưng ông Brown vẫn còn chịu một sức ép rất lớn. Đợt tấn công mới nhắm vào ông Brown sẽ được kích hoạt sau khi có kết quả bầu cử nghị viện châu Âu mà người ta dự đoán "lành ít, dữ nhiều". Nếu thất bại, khoảng 70 đến 80 nghị sĩ Công đảng sẽ sẵn sàng ký đơn yêu cầu ông Brown ra đi. Mới đây, nghị sĩ Công đảng Barry Sheerman đã yêu cầu bỏ phiếu kín về tương lai của ông Brown trong ngày hôm nay, 8-6.
Báo chí Anh ra ngày thứ sáu đã có một cái nhìn bi quan đối với chính phủ ông Brown. Cuộc thất bại nghiêm trọng của Công đảng trong cuộc bầu cử địa phương ngày 4-6 là nguyên nhân chính. Theo đài BBC, tỉ lệ cử tri đi bầu cho Công đảng chỉ có 23% trong khi 38% dồn phiếu cho Đảng Bảo thủ đối lập và 28% cho Đảng Dân chủ.
Chính phủ bị tê liệt
Mô tả tuyên bố cải tổ nội các của ông Brown là vội vã, tờ The Times khuynh hữu nhận định rằng cuộc cải tổ là một "thỏa hiệp tự sát". Tờ báo phân tích rằng thất bại đáng xấu hổ trong cuộc bầu cử địa phương của Công đảng cho thấy đảng này đã bị”suy yếu” và chính phủ Công đảng đã "bị tê liệt". Kết quả bầu cử cho thấy Công đảng mất trắng 2/3 đại diện trong các khu vực bầu cử.
Tờ Sun, ví von ông Gordon Brown "giống như một con bò tót bị thương, vẫn tỏ ra dũng mãnh và kiêu hãnh nhưng hình như không biết thanh kiếm kết liễu đời mình đã cắm phập rất sâu. Ông Brown đang sống dở chết dở".
Nhật báo tài chính The Financial Times tự hỏi ông Brown có còn "đứng vững hay không" và còn khả năng điều hành chính phủ nữa hay không”. Theo tờ báo này, ông Brown "đã thất bại trong việc tái khẳng định quyền lực của ông sau khi cải tổ nội các". Tờ báo còn khuyên ông Brown hai chuyện. Hoặc là chứng minh rằng ông vẫn "đứng đầu một đa số rõ ràng trong đảng" hoặc là "từ chức để mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử lập pháp".
Nhật báo The Guardian trung thành với Công đảng tỏ ra thông cảm hơn. Tờ báo lưu ý độc giả rằng "năng lực phi thường của Gordon Brown có thể giúp ông giữ được chiếc ghế thủ tướng". Tuy nhiên tờ báo cũng cảnh báo rằng "chỉ có bấy nhiêu thôi thì có thể là chưa đủ".
Kỳ tới: Những vụ lạm dụng công quỹ kỳ lạ
Bình luận (0)