xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Từ hai chiếc máy bay bị cướp

Lê Thành Chơn

Vì không được tin tưởng, Nguyễn Thành Trung phải nuốt vào lòng bao cay đắng khi phải ở lại hậu phương. Ông ao ước đến cháy bỏng là được đi chiến đấu, được đối xử công bằng, được tôn trọng

Năm 1980, Nguyễn Thành Trung rất phấn khởi vì được trở về với bầu trời. Ông được chuyển đến Trung đoàn Vận tải không quân, học bay loại máy bay AN-6 của Liên Xô mới trang bị. Nguyễn Thành Trung học rất giỏi, chỉ bay 5 vòng xung quanh sân bay, ông đã được một chuyên gia nước bạn khen ngợi, thán phục và phê chuẩn làm giáo viên bay. Dù vậy, thời gian này liên tiếp xảy ra hai vụ phi công cướp máy bay trốn ra nước ngoài, khiến ông bị vạ lây.

Hai cuộc đào thoát

Lúc ấy, bộ đội Trường Sa cần có lực lượng không quân yểm trợ. Không quân ta bấy giờ có rất nhiều trực thăng UH-1 có thể đáp ứng yêu cầu chi viện trực tiếp của hải quân. Các kỹ sư đã chế tạo thành công, lắp thêm thùng dầu để có thể đủ nhiên liệu bay ra đảo. Một phi công chế độ cũ tên Nguyễn Văn Hai được giữ lại làm giáo viên UH-1 cho các chiến sĩ lái mới. Hai cố tỏ ra trung thành... Song mặt khác, ông ta bố trí vợ con bí mật đến một địa điểm trên đường từ phi trường Trà Nóc đến Rạch Giá, chờ đợi.

Khi thời cơ tới, trên chiếc trực thăng nạp đầy dầu có thêm thùng dầu phụ, tổ lái 3 người, gồm phi công Nguyễn Văn Hai và 2 chiến sĩ học viên, ông ta nổ máy. Chiếc máy bay vừa nhấc lên khỏi mặt đất, Hai nói to vào micro: “Máy bay có tiếng kêu”. Lập tức chiếc UH-1 được hạ cánh và hai học viên xuống kiểm tra phía sau đuôi máy bay theo chỉ dẫn của ông ta. Chỉ chờ có vậy, Hai tăng tốc độ, máy bay bốc lên nhanh chóng, rời phi trường giữa sự bàng hoàng của hai học viên và đài chỉ huy. Ông ta bay đến địa điểm đã hẹn với vợ con, chở họ thẳng sang Thái Lan, sau đó qua Mỹ.

Sau đó một năm lại xảy ra vụ đào thoát của thiếu tá phi công Tiêu Khánh Nha. Hôm đó, theo kế hoạch, Tiêu Khánh Nha sẽ bay thử chiếc C130 đang sửa chữa tại nhà sửa chữa (hangar). Mọi việc đã chuẩn bị xong, lượng dầu đã nạp đầy đủ cho một chuyến bay đường dài, có cả dự trữ dùng để xử lý những trường hợp bất trắc ở trên không.

Đêm trước ngày bay thử, Tiêu Khánh Nha đã bí mật cắt hàng rào bảo vệ tiếp giáp khu dân cư với hangar. Mờ sáng hôm đó, ông ta bí mật dắt vợ con, dỡ hàng rào vào hangar và ngồi chờ ở một gian nhà bỏ hoang gần nơi chiếc C130 đậu. 7 giờ 30, như thường lệ, một sĩ quan cơ giới trực ban cùng một chiến sĩ lái xe điện vào nạp điện, nổ máy. Khi tiếng động cơ nổ, Tiêu Khánh Nha liền dắt vợ con lên máy bay. Người sĩ quan cơ giới không trông thấy, bởi ông ngồi trên ghế lái chính. Lúc này, một thiếu úy cơ giới chế độ cũ được giữ lại làm việc cho hangar (chồng một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng miền Nam) bước lên máy bay, tiến đến khống chế người sĩ quan cơ giới. Tiêu Khánh Nha cũng rút súng ngắn, dùng vũ lực buộc viên sĩ quan cơ giới rời ghế rồi nhanh chóng tăng tốc độ vòng quay và ra lệnh cho xe điện tháo dây. Mọi việc diễn ra rất nhanh, chiếc C130 rời mặt đất bay sang Singapore.

Nuốt vào lòng bao cay đắng

Sau hai vụ này, Nguyễn Thành Trung càng hết sức khó khăn khi vừa được trở về với công việc quen thuộc. Người ta thêm nghi ngờ và cảnh giác ông. Trong huấn luyện, dù là giáo viên, ông chỉ được phép bay vòng kín xung quanh sân bay. Vốn là một phi công bẩm sinh, loại máy bay nào Nguyễn Thành Trung cũng bay rất giỏi. Loại AN-26 của Liên Xô có hệ thống đồng hồ, cách tính thông số bay... hoàn toàn khác với các loại máy bay Mỹ, vậy mà chỉ hai ngày bay- vừa đủ năm vòng kín với thời gian trên không chưa đến 40 phút, ông đã hoàn thành toàn bộ chương trình, đủ điều kiện để đi đường dài làm nhiệm vụ vận tải hàng không.

Lúc này, quân tình nguyện VN còn đang chiến đấu rất ác liệt ở Campuchia. Lẽ ra, Nguyễn Thành Trung phải được đi chiến đấu, nhưng vì không được tin tưởng, ngày ngày ông phải nuốt vào lòng bao cay đắng để ở lại hậu phương. Chuyện một người lính đủ sức đương đầu với mọi thử thách như Nguyễn Thành Trung nhưng buộc phải ở lại tuyến sau, khiến ông đêm ngày bị giày vò. Nỗi khổ tâm càng tăng gấp nhiều lần bởi những lời nói, những ánh mắt, thái độ nghi kỵ của đồng đội, của những người chỉ huy đơn vị. Ngày ngày, dù đã được bay, được ngồi ở ghế giáo viên..., song ông cũng chỉ được vòng quanh bốn lần sân bay rồi hạ cánh xuống phi đạo. Nguyễn Thành Trung ao ước đến cháy bỏng là được đi chiến đấu, được đối xử công bằng, được tôn trọng.

Song Nguyễn Thành Trung biết, ông phải tự chứng minh mình, phải chịu đựng, phải vượt qua thử thách. Ông tập trung cho công việc giáo viên. Quá trình vượt qua thử thách nghiệt ngã của người đảng viên, người sĩ quan tình báo chân chính Nguyễn Thành Trung đã giúp hàng chục phi công được đào tạo bài bản, làm được nhiệm vụ vững vàng, phục vụ cho vận chuyển chiến trường Campuchia...

Một lần, trong khi bay kèm học viên, do ở mặt đất có trở ngại không hạ cánh được, thời tiết xấu rất nhanh, Nguyễn Thành Trung xin phép đài chỉ huy cho hạ cánh ở phi trường Trà Nóc, Cần Thơ. Lập tức đài chỉ huy báo động, báo cáo về sở chỉ huy. Mạng lưới ra đa của không quân được lệnh mở máy theo dõi và một biên đội tiêm kích được lệnh vào cấp 1 (phi công ngồi trong buồng lái). Tác giả bài viết này đang trực ở sở chỉ huy được lệnh dẫn trực tiếp Nguyễn Thành Trung bay ngược ra phía Bắc, đến Phan Thiết rồi bay trở lại hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi đã giải quyết xong trở ngại trên đường băng...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo