Gần đây, báo chí Nga khẳng định họ đã biết được kẻ đã tố giác 10 điệp viên Nga hoạt động bất hợp pháp ở Mỹ, khiến họ bị bắt ở Mỹ vào cuối tháng 6 năm nay vì bị buộc tội làm gián điệp.
Căn cứ vào điều tra riêng của mình, báo Kommersant tuyên bố kẻ phản bội là đại tá Sherbakov, một thời gian dài phục vụ trong Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga (SVR). Theo đó, ông này đứng đầu bộ phận S ở Mỹ, cùng hoạt động với các điệp viên trên.
Điệp viên Mikhail Vasenkov. Ảnh: KommerSANT
Có sự chuẩn bị
SVR không xác nhận nhưng cũng không bác bỏ thông tin này. Theo hãng tin Itar-Tass, người phát ngôn của SVR là Sergei Ivanov nhấn mạnh: “Chúng tôi không bình luận những nhận định trên báo chí”.
Về phần mình, khi được đề nghị bình luận, Cục phó Cục Thông tin và Báo chí Bộ Ngoại giao Nga Alexei Sazonov tuyên bố: “Đó không phải là việc của Bộ Ngoại giao”.
Trong khi đó, chính quyền Nga không che giấu rằng xì-căng-đan gián điệp Nga-Mỹ nêu trên là “hậu quả của sự phản bội”- như tuyên bố của Thủ tướng Vladimir Putin trong buổi gặp mặt các điệp viên từ Mỹ trở về.
Còn hiện nay, một giới chức cao cấp thuộc Điện Kremlin cũng quả quyết: “Chúng tôi biết y là ai và y ở đâu... Y phản bội hoặc vì tiền hoặc đơn giản vì y bị bắt. Nhưng có một điều không phải nghi ngờ - đó là điệp viên Ramon Merkader đã được cử theo dõi y. Cả đời y ngày nào cũng canh cánh nỗi lo sợ bị trả thù”.
Thế nhưng, SVR đã không nghi ngờ điều gì, ngay cả khi Sherbakov từ chối lời đề nghị thăng chức được đưa ra trước khi xảy ra xì-căng-đan gián điệp một năm.
Rõ ràng là Sherbakov đã quyết định tránh cuộc kiểm tra cần thiết bằng máy dò nói dối trong trường hợp được thăng chức. Điều đó có nghĩa là khi ấy, ông ta đã cộng tác một cách tích cực với tình báo Mỹ.
Ngoài ra, điều đáng chú ý là, con gái ông Sherbakov từ lâu đã sống ở Mỹ. Một nhân viên tình báo tham gia điều tra đặt vấn đề: “Vì sao chẳng ai thắc mắc về vấn đề một người có chức vụ như thế lại có con sống ở nước ngoài. Đây chỉ là một trong nhiều nghi vấn trong vụ này cần được điều tra”.
Con trai ông ta, làm việc ở cơ quan kiểm soát ma túy, cũng đã kịp bay đến Mỹ không bao lâu trước khi các điệp viên Nga bị lộ.
Còn chính bản thân Sherbakov cũng đã trốn khỏi Nga chỉ ba ngày trước khi Tổng thống (TT) Dmitry Medvedev đến thăm Mỹ vào tháng 6 năm nay. Theo Newsru, sau đó, người Mỹ đã bắt giam các điệp viên Nga hoạt động bất hợp pháp ở Mỹ vì lo ngại rằng phía Nga sẽ rút các điệp viên của mình ra khỏi Mỹ vì nghi ngờ có phản bội.
Điều này đã đặt Nhà Trắng vào một tình thế cực kỳ khó xử và buộc chính quyền Mỹ phải lo âu vì không ai muốn phức tạp hóa chuyến thăm Mỹ đầu tiên của TT Medvedev.
Việc bắt giữ các điệp viên Nga ở Mỹ được thông báo ngày 28-6, sau khi TT Medvedev đã đi Mỹ.
Đại tá Sherbakov. Ảnh: NEWSRU
FBI nhúng tay
Kênh truyền hình NBC của Mỹ đưa tin đại tá Sherbakov đã được FBI bảo vệ vì người Mỹ lo ngại Nga sẽ thủ tiêu kẻ phản bội. Chuyên gia về các vấn đề tình báo David Wise nhấn mạnh: “Khi vừa chạy đến Mỹ, ông ta lo ngại cho sự an nguy của bản thân. Thế nhưng, tình báo Mỹ hành động rất tốt khi cần khoác cho ai đó một vỏ bọc mới”.
NBC cho biết các cơ quan tình báo Mỹ không chính thức phủ nhận cũng như khẳng định hành động tố giác mạng lưới gián điệp Nga ở Mỹ của đại tá Sherbakov.
Trong khi đó, cựu tướng Oleg Kalughin của KGB (Cơ quan Tình báo Liên Xô), chỉ huy các hoạt động tình báo ở nước ngoài của KBG trong thời chiến tranh lạnh, đã rời khỏi Nga đến Mỹ vào thập niên 1990, tuyên bố với nhật báo Washington Post (Mỹ) rằng ông biết đại tá Sherbakov của SVR.
Ông tuyên bố: “Tôi nhớ chàng trai trẻ này đã làm việc cho tôi trong bộ phận phản gián bên ngoài và sau đó làm việc với các điệp viên bất hợp pháp. Tôi nhớ tên anh ta nhưng nếu gặp ngoài đường, có lẽ tôi sẽ không nhận ra anh ta”.
Báo Washington Post viết rằng cả CIA, cả Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, cả Ủy ban Thượng viện Mỹ đều không bình luận thông tin về việc đại tá SVR Sherbakov đã tự ý cung cấp tư liệu của các điệp viên Nga ở Mỹ cho cơ quan tình báo Mỹ và bỏ chạy sang Mỹ.
Bên cạnh đó, một sĩ quan CIA đã nghỉ hưu, trước đây chuyên hoạt động trong lĩnh vực đấu tranh với tình báo Nga, khẳng định ông ta tin chắc 90% hoặc 100% rằng kẻ có tội trong xì-căng-đan điệp viên Nga-Mỹ mà báo Kommersant đã nêu tên chính là Alexander Vasiliyevich Sherbakov. Đây là một trong số những sĩ quan tình báo Nga mà ông ta đã từng gặp ở Moscow cách đây khoảng 9-10 năm.
Bị nguyền rủa
Sau xì-căng-đan gián điệp kể trên, ở SVR, Sherbakov đã bị nguyền rủa vì đã tố giác điệp viên Mikhail Vasenkov, được biết đến với tên Juan Lazaro, 65 tuổi, một trong những điệp viên Nga bất hợp pháp giàu kinh nghiệm và quý giá nhất. Lý lịch Vasenkov-Lazaro không thể chê trách được đến mức ngay cả khi đã bắt ông, cơ quan tình báo Mỹ vẫn bất lực trong việc chứng minh mối liên hệ của ông với tình báo Nga. Trong khi đó, công dân Mỹ Lazaro vẫn một mực bác bỏ mọi lời buộc tội và khăng khăng rằng mình vô tội.
Sau này, các đồng nghiệp của Vasenkov cho biết ông đã có thể được trả tự do, nhưng một hôm, đại tá Sherbakov đã đến gặp ông trong nhà giam và khuyên ông: “Ông cần tự thú và khai báo thôi”... Thế rồi, Sherbakov đã chuyển cho phía Mỹ hồ sơ cá nhân của Vasenkov-Lazaro mà ông ta mang từ Moscow sang.
Cuối cùng, Vasenkov phải khai tên thật nhưng ông không khai báo thêm gì nữa. Tuy nhiên, các điều tra viên của Mỹ vẫn cố bắt ông phải nói và họ đã làm gãy ba xương sườn và một chân của ông. Ông đã bay về Nga với những thương tích đó trong ngày được trao đổi... |
Kỳ tới: Cả gia đình làm gián điệp
Bình luận (0)