Từ ngày 1-7, Luật Căn cước có hiệu lực pháp luật với nhiều điểm mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội Công an TP HCM (PC06), xác nhận từ ngày 1-7 Công an TP HCM sẽ đồng loạt triển khai thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, tài khoản định danh điện tử.
Cụ thể, từ 8 giờ ngày 1-7, người dân có thể đến làm căn cước tại Trụ sở tiếp dân của PC06, công an cấp quận, huyện...
Ngoài ra, Phòng PC06 sẽ tổ chức thu nhận căn cước thí điểm có tích hợp thêm sinh trắc học ADN đối với một số trường hợp công dân có nhu cầu tại PC06, công an các quận 1, Tân Bình và TP Thủ Đức.
Công an cũng sẽ cấp giấy chứng nhận căn cước đối với một số trường hợp là người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch tại Công an quận 10, quận 11, quận Bình Tân.
Công an TP HCM cho biết thẻ căn cước mới sẽ có 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Thông tin lưu trữ trong chip điện tử được mã hóa bằng thuật toán do cơ quan quản lý căn cước tạo lập.
Hai mặt của thẻ căn cước in hoa văn màu xanh chuyển ở giữa màu vàng đến xanh. Nền mặt trước gồm bản đồ hành chính Việt Nam, trống đồng, các hoa văn, họa tiết truyền thống trang trí. Nền mặt sau gồm các hoa văn được kết hợp với hình ảnh hoa sen và các đường cong vắt chéo đan xen.
Mang hạnh phúc cho người yếu thế
Trao đổi riêng với Báo Người Lao Động, Thượng tá Hồ Thị Lãnh cho biết qua rà soát hiện nay trên địa bàn TP HCM có 2.934 trường hợp nhân khẩu đặc biệt diện không có giấy tờ tùy thân. Công an TP HCM đã phối hợp cấp thông báo số định danh cho 2.350 trường hợp, trong đó cấp căn cước cho 1.201 người.
Có 1.149 người chưa đủ điều kiện cấp căn cước. Dự kiến ngày 1-7 khi Luật Căn cước 2023 có hiệu lực thi hành sẽ tiến hành cấp căn cước cho số công dân này.
"Trong năm 2024, Công an Thành phố tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố tục duy trì thực hiện thường xuyên Kế hoạch 1878/KH-BCĐ với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau, không để trường hợp người dân nào không có thông tin trên hệ thống dữ liệu dân cư.
Phương châm thực hiện là dễ làm trước, khó làm sau và vướng đến đâu, gỡ đến đó. Từ đó, giải quyết số nhân khẩu đặc biệt tồn đọng để mang lại niềm hạnh phúc cho những người yếu thế" - Thượng tá Hồ Thị Lãnh thông tin.
Bình luận (0)