Tại một hiệu thuốc trên phố Hai Bà Trưng - Hà Nội, anh Trần Văn Hùng cứ thắc mắc không hiểu sao đơn thuốc bác sĩ vừa kê chỉ vẻn vẹn có 2 loại mà anh phải trả tới gần 1,3 triệu đồng. Thấy vậy, nhân viên bán hàng giải thích “đây là vitamin tổng hợp có tác dụng tăng sức đề kháng”. Chìa đơn thuốc cho tôi xem, anh Hùng cho biết với hộp “thuốc” có tên Glu 500 mg, anh đã phải trả 1,2 triệu đồng, bởi hộp thuốc có 30 viên được tính giá 40.000 đồng/viên.
Thuốc ít, thực phẩm thì nhiều
Chị Hằng, nhân viên một hiệu thuốc ở TPHCM, cho biết không chỉ các phòng khám, bệnh viện tư mà thực phẩm chức năng (TPCN) cũng hiện diện trong toa thuốc của nhiều bác sĩ ở những bệnh viện lớn, từ những TPCN có giá vài chục ngàn đồng/hộp đến những loại có giá cả triệu đồng như các sản phẩm tuần hoàn não.
nên cân nhắc, không nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh. Ảnh: HỒNG THÚY
Chúng tôi thắc mắc đơn thuốc viết tay, người bệnh không mua trong bệnh viện mà mua ở ngoài thì làm sao trình dược viên biết được để chi hoa hồng? Nhân viên này cho biết là bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân đến mua ở những hiệu thuốc quen biết và nhà thuốc phải ghi tên bác sĩ vào một quyển sổ riêng để thanh toán. Nếu không làm thế thì những lọ TPCN đắt tiền, bệnh nhân nào dám mua.
Cấm vẫn kê
Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú của Bộ Y tế ban hành ngày 1-2-2008 có quy định cấm kê TPCN vào đơn thuốc. Cuối tháng 4 vừa qua, Cục Khám chữa bệnh tiếp tục có văn bản chấn chỉnh đồng thời yêu cầu các bệnh viện thường xuyên kiểm tra và có biện pháp xử lý. Để “né” quy định này, thay vì thẳng tay kê TPCN vào đơn thuốc, một số bác sĩ đã dùng thủ thuật kê ra một tờ giấy phụ và gạch chân dưới tên thuốc để nhắc nhở bệnh nhân rằng loại “thuốc” này quan trọng chẳng kém gì các thuốc kia!
Qua khảo sát thực tế, một thanh tra trong ngành y tế nhận định tình trạng kê TPCN vào đơn thuốc là khá phổ biến. Đó thường là các sản phẩm tăng cường chức năng miễn dịch, tăng tuần hoàn và lưu thông máu, chống ôxy hóa, bổ sung vitamin tổng hợp và các vi chất… được kê đơn cho đủ loại bệnh từ kém ăn uống, hắt hơi, sổ mũi đến các bệnh tiểu đường, tim mạch, tai biến mạch máu não… Theo quy định, người kê đơn thuốc sai quy chế có thể bị xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng. Liệu có mấy bệnh nhân phân biệt được đâu là thuốc, đâu là TPCN để khiếu nại? Sự nhập nhằng trong kê đơn thuốc lâu nay khiến người bệnh không chỉ gánh “hoa hồng” giá thuốc mà còn chịu thêm “hoa hồng” TPCN.
Đừng nhầm với thuốc! PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN, cho biết quảng cáo kiểu thổi phồng công dụng các sản phẩm TPCN hiện nay đã khiến người tiêu dùng lầm tưởng là có thể chữa bách bệnh. Có những TPCN được quảng cáo là chữa bệnh tiểu đường, gút, ung thư… nhưng thực chất chỉ là hỗ trợ, làm giảm nguy cơ bệnh tật, góp phần chống lão hóa, tăng sức đề kháng chứ không chữa bệnh tận gốc. Trong quá trình kiểm nghiệm, hiệp hội đã phát hiện nhiều loại TPCN có thành phần hoạt chất không như công bố. |
Bình luận (0)