Không thể hồi phục hoàn toàn
PGS-TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng để chẩn đoán bệnh tình của chị Nguyễn Thị Phượng bị lão hóa mặt do đâu thì cần phải có các chẩn đoán sinh thiết da, di truyền, gien học, tầm soát trên toàn bộ cơ thể, các bệnh tiềm ẩn…
“Tuy nhiên, do bệnh nhân có 5 năm điều trị dị ứng và uống thuốc nam nên chúng ta có thể nghĩ đến nguyên nhân do dị ứng thuốc corticoid và nhiều thuốc khác. Các loại thuốc này chứa những chất tiềm ẩn kích thích gây lão hóa, tổn thương da”- ông Đoàn đặt vấn đề.
Cũng theo ông Đoàn, đối với bệnh nhân Phượng còn có thể nghĩ tới một bệnh lý khác, tiềm ẩn mà bản thân chị không biết cho đến khi corticoid được đưa vào cơ thể. Lúc này, corticoid có thể coi như một chất kích thích cho căn bệnh đó phát triển, nhất là trên một số cơ địa dị ứng với corticoid thì trở nên nhạy cảm vô cùng. “Có người sau khi uống vài viên thuốc hoặc sau tiêm một ống thuốc, một thời gian ngắn sau tăng đến 2- 3 kg làm cho huyết áp, đường huyết tăng cao… Trên một số người rất nhạy cảm, thuốc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí phát sinh thành bệnh tế bào vón”- ông Đoàn nhấn mạnh.
Về cơ chế dẫn đến bệnh tế bào vón, ông Đoàn cho rằng tế bào vón dạng tại chỗ chỉ có ở trong da, đóng vai trò quan trọng trong dị ứng, gắn vào các vùng da, niêm mạc. Bình thường, trong tế bào này chứa nhiều chất trung gian hóa học, khi gặp dị nguyên mẫn cảm từ trước hoặc về sau thì cơ thể sẽ sinh ra kháng thể gây dị ứng. Khi chúng phát tác sẽ giải phóng các chất trung gian, gây ngứa, dị ứng khắp người, tác động các tổ chức dưới da hoặc toàn thân, xương, gan, lá lách… Do đó, có thể coi corticoid là tác nhân kích thích mầm bệnh.
Ông Đoàn cũng tiên lượng việc điều trị cho bệnh nhân Phượng sẽ phải trải qua quá trình rất lâu dài. Hơn nữa, ngay cả khi đã “bắt” được bệnh thì cũng không thể hồi phục khuôn mặt trở lại như trước. Việc phẫu thuật thẩm mỹ có thể giúp bệnh nhân kéo căng da mặt trong một thời gian nhưng về lâu dài có thể làm khuôn mặt biến dạng, méo mó.
Nói về khả năng làm mẹ của bệnh nhân mắc “bệnh lạ” này, ông Đoàn cho rằng nếu nội tiết của bệnh nhân vẫn bình thường thì vẫn có thể sinh con như bao phụ nữ khác.
Đã có bệnh nhân lão hóa toàn thân
Cũng theo ông Đoàn, với trường hợp lão hóa khuôn mặt như chị Phượng thì tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng chưa từng gặp nhưng đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân nữ có dấu hiệu lão hóa nhanh, bệnh nhân mọc ria mép và lông phát triển như nam giới… do dùng corticoid. Bệnh lý của những trường hợp này đều được trung tâm ghi lại bằng những hình ảnh.
Lưu ý hiện tượng khác thường “Thực tế đã có bệnh nhân gầy yếu sau khi uống thuốc có corticoid thì tăng cân, mỗi ngày tăng 2 – 3 kg nhưng sau đó toàn thân xuất hiện mọng nước, cơ thể xẹp như quả bóng xì hơi và lão hóa nhanh chóng”- PGS-TS Nguyễn Văn Đoàn cảnh báo và cho biết tình trạng dị ứng thuốc ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tai biến xảy ra không phụ thuộc vào liều điều trị, không liên quan đến đặc tính của thuốc mà liên quan đến đáp ứng miễn dịch của người dùng thuốc. Do đó, nếu có các hiện tượng khác thường sau khi dùng thuốc như khó chịu, mệt mỏi, ngứa, ban đỏ trên da... nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được xử lý. |
Bình luận (0)