Theo Đông y, trái tắc có công dụng thanh nhiệt, tiêu thực trừ đờm nên rất tốt cho hệ tiêu hóa và hệ hô hấp. Đơn giản nhất là pha tắc như pha nước chanh. Món giải khát này còn có công dụng giải rượu. Phức tạp hơn một chút là làm xi rô. Dùng kim đâm vào quả tắc năm - sáu lỗ rồi cho vào lọ cùng với đường kính. Cứ một lớp tắc rải một lớp đường, đậy kín, để chỗ mát trong bảy ngày sẽ có xi rô màu vàng rất thơm. Khi dùng, chỉ cần pha thêm nước và đá. Nếu số lượng tắc quá nhiều thì làm tắc muối để dùng từ từ. Cho vào hũ muối đã trộn đều với cam thảo, sắp vào đáy lọ một lớp muối, rồi một lớp tắc, cứ thế đến khi hết tắc. Nhớ phải sắp tắc cách miệng hũ 5cm, dùng vài thanh tre dằn lên trên mặt tắc sao cho khi trong hũ dậy nước, tắc sẽ không nổi lên mặt nước muối. Đậy kín hũ, phơi nắng mỗi ngày cho đến khi tươm nước. Tắc muối đẹp sẽ ửng sắc vàng nâu thơm mùi cam thảo và có vị đậm đà. Khi dùng, lấy tắc ra dằm nát, pha nước uống rất tốt, nhất là khi xuất nhiều mồ hôi. Để lâu, trái tắc chuyển màu nâu đen, “teo tóp” lại nhưng rất thơm. Trong trường hợp ho khan, chỉ cần lấy vỏ tắc ngậm cũng thấy dịu bệnh.
Ngoài ra, món mứt tắc cũng rất tốt cho sức khỏe. Làm mứt này khá công phu vì phải gọt một lớp mỏng vỏ, sau đó dùng cây lấy hột, ngâm vôi một đêm rồi sên với đường. Mứt tắc ngon là phải còn nguyên trái. Cách làm đơn giản hơn là xắt chỉ trái tắc ra rồi sên với đường. Khi đi làm về mệt mỏi, chỉ cần lấy tắc ra pha với nước nóng hoặc lạnh là có ngay nước vừa giải khát vừa phòng bệnh.
Tắc có công dụng sát trùng ngoài da và tinh dầu từ vỏ tắc có công dụng an thần kinh. Vì thế, sau những buổi đi chơi, nếu cảm thấy tay chân mỏi mệt, hãy ngâm chân trong chậu nước ấm có để thêm từ hai - bốn trái tắc cùng lá hoa hồng. Dùng chân day quả tắc để xoa bóp huyệt chân. Quả tắc mềm dần, dịch từ trái tiết ra sẽ làm sạch bàn chân, cánh hoa hồng giúp da chân mịn màng, người sẽ cảm thấy khỏe lại nhanh chóng.
Bình luận (0)