Khi hết thời gian thử việc, em tôi được công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Tuy nhiên trong hợp đồng có nội dung khi nghỉ việc mà không có lý do chính đáng, hoặc tự ý nghỉ việc thì em tôi bị mất tiền thế chân, không lấy lại được bằng trung cấp và phải bồi thường hợp đồng 5 triệu đồng.
Xin hỏi nội dung như vậy có đúng luật hay không? Giờ em tôi nghỉ việc rồi và muốn lấy lại bằng nhưng không dám lên công ty. (Một bạn đọc)
- Tư vấn của Việc làm Online:
Theo khoản 2 điều 29 Bộ luật lao động (BLLĐ), HĐLĐ là loại hợp đồng dựa trên sự thỏa thuận của hai bên, những nội dung nào trái với qui định của pháp luật lao động thì nội dung đó sẽ không có giá trị và phải được sửa đổi cho phù hợp với qui định của pháp luật lao động.
Khoản 3 điều 37 BLLĐ hiện hành qui định “Người lao động (NLĐ) làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày; NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị sáu tháng liền thì phải báo trước ít nhất ba ngày”.
Bên cạnh đó khoản 2 điều 41 BLLĐ qui định: "Trong trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có)”.
Như vậy nội dung: “Khi nghỉ việc mà không có lý do chính đáng, hoặc tự ý nghỉ việc thì sẽ bị mất tiền thế chân, không lấy lại được bằng trung cấp và phải bồi thường hợp đồng là 5 triệu đồng” của công ty đối với em bạn là hoàn toàn trái với qui định của pháp luật lao động, do đó nội dung này trong HĐLĐ của em bạn sẽ bị vô hiệu. Trong trường hợp em bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật thì chỉ bị bồi thường nửa tháng lương và phụ cấp lương (nếu có) theo qui định tại khoản 2 điều 41 BLLĐ nêu trên.
Để được giải quyết, em bạn có thể lên công ty yêu cầu trả lại bằng cấp và 2 triệu đồng thế chân, nếu công ty không đáp ứng em bạn có thể khởi kiện ra tòa án nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu buộc công ty trả lại bằng cấp và tiền thế chân.
Bình luận (0)