- Phóng viên: 20 năm sau Sao mai điểm hẹn 2004, khán giả thấy ở Tùng Dương sự thay đổi ngoạn mục. Còn anh, một cách chủ quan, anh nhìn thấy sự thay đổi của mình thế nào?
+ Ca sĩ Tùng Dương: À, tôi nhìn thấy ở mình sự chín chắn. Hiện tại là một Tùng Dương đã lớn, đã chín. Chín thôi, chứ chưa nẫu (cười). Sau bao nhiêu năm đi hát, Tùng Dương không còn ngu ngơ hay non nớt như thời tóc tai lòe xòe đứng cạnh Kasim khi thi "Sao Mai Điểm hẹn" 20 năm trước. Thời gian đã cho tôi nhiều sự trải nghiệm, kinh nghiệm cùng những bài học quý giá cho chính mình. Tôi phải thích ứng với thời cuộc để làm nghề, để "non-stop" trong âm nhạc, nếu không tôi sẽ bị tụt hậu với thời cuộc.
Sau nhiều thăng trầm lên, xuống không chỉ với riêng tôi mà với nhiều bạn bè, người thân, tôi nhận ra một điều, cuộc đời này luôn như đồ thị hình sin, thăng - giáng là chuyện bình thường. Tất cả chúng ta đều phải tuân theo những quy luật như vậy, sinh ra lớn lên, trưởng thành, "chín" rồi…"nẫu".
Bây giờ, Tùng Dương nhận ra những giá trị mà anh ấy tìm kiếm bấy lâu hóa ra chẳng ở đâu xa, nó ở ngay chính bên trong anh ấy. Trước đây, anh ấy hát về những thứ lớn lao, tinh thần nhân loại, còn giờ là quay vào chính mình với những thứ dung dị, những giá trị mình tìm kiếm bấy lâu.
- Bây giờ Tùng Dương còn đi tìm những người bạn đồng hành, điều trước đây không thấy ở anh ấy…
+ Nếu đi một mình thì sẽ cô độc. Cô độc một lúc nào đó sẽ dẫn đến ích kỷ, tự vỗ ngực coi mình là độc nhất, là số 1, không ai chạm được vào đền đài của mình. Chết chìm trong hào quang của chính mình là bi kịch của người nghệ sĩ. Muốn đi đường dài đương nhiên phải có những người bạn đồng hành.
Tôi nghĩ cuộc đời mình sẽ có những mối duyên đến và đi. Chính vì thế, ở liveshow "Người đàn ông hát" sắp tới, tôi mời những người trẻ rất thú vị đồng hành cùng mình.
Soobin Hoàng Sơn là một nghệ sĩ với hình ảnh đa di năng, vừa giải trí nhưng rất trí tuệ, cả gia đình truyền thống ba đời làm nghệ thuật, bản thân bạn ấy vẫn giữ được tinh thần dân tộc, dân gian trong âm nhạc là điều đáng quý. Trung Quân là một giọng hát giàu nội lực, nhìn bạn ấy lại thấy một Tùng Dương trước kia, máu lửa và vẫy vùng trong địa hạt âm nhạc của mình. Tăng Duy Tân là một người em của tôi. Tại sao mình cứ mời đi đâu xa mà không mời người em họ tài năng như vậy?!
- Nhiều gameshow gần đây đã đưa tên tuổi của nhiều nghệ sĩ lên một tầm cao mới. Anh có ý định một ngày nào đó sẽ điền tên mình vào danh sách này?
+ Bị cuốn vào gameshow thì phải chuẩn bị rất nhiều thời gian, tâm sức, mà tôi thấy ôm đồm quá thì không phù hợp. Chưa phải lúc này, vài năm nữa tôi sẽ tham gia nếu phù hợp. Tôi vẫn ý thức được rằng gameshow phát triển nhưng không phải tất cả, không phải yếu tố duy nhất để kết luận sự phát triển của âm nhạc.
- Bây giờ, khi đã ở trên đỉnh cao, anh sợ nhất là gì?
+ Là ca sĩ, tôi sợ nhất là mất đi giọng hát, thứ quý giá nhất của mình. Tôi đã từng có thời gian phải đối mặt với việc mất giọng hoàn toàn. Mất giọng không phải là nỗi ám ảnh của riêng Tùng Dương mà của tất cả các nghệ sĩ khác. May quá, khi ấy có một người bạn giới thiệu tôi một bác sĩ giỏi... Mình không hướng đến nhưng bệnh tật đâu trừ một ai. Tôi có một người hâm mộ, sô nào của tôi bạn ấy cũng đến, nhưng mới đây bạn ấy bất ngờ ra đi vì ung thư, một người trẻ khi ra đi có nhiều tiếc nuối, đau đớn lắm.
Tôi cũng sợ khi người ta sống không khoa học, buông thả, không có trách nhiệm với bản thân, rất dễ bị cám dỗ, dụ dỗ, rồi đánh mất mình không biết. Tôi biết nhiều người như thế, thời gian phê còn nhiều hơn thời gian tỉnh. Như thế rất nguy hiểm vì mình không còn lý trí để làm những điều đúng đắn, hoạch định con đường cho mình với những điều tử tế. Mất đi điều đấy là mất hết, đánh mất hình ảnh của mình trong lòng công chúng, bạn bè, gia đình, người thân…
Bất hạnh có thể xảy đến với bất kỳ ai. Nên hãy sống làm sao tích cực nhất, hạn chế những phần tối trong mỗi con người, chăm chỉ chung tay làm từ thiện, có cái nhìn nhân văn. Tôi thích âm nhạc mang tinh thần chia sẻ với mọi người, mang tư tưởng chứ không chỉ là giải trí đơn thuần.
- Có phải là Tùng Dương đang đi từ cái tôi đến cái ta?
+ Chính xác. Cái tôi trước đây của tôi vẫn có sự nhân văn trong đó, nhưng vẫn là tinh thần tự sướng, tôn vinh bản thể chủ nghĩa cá nhân của mình nhiều hơn, còn giờ tôi nhìn ra ngoài nhiều hơn.
Trước đây, âm nhạc của tôi có những điều cao siêu, lớn lao trong "Những ô màu lập phương", "Li ti", "Độc đạo", "Bộ tứ sông Hồng", "Trời và đất", "Human"…Tất cả đều mang tinh thần rất nhân loại. Nhưng bây giờ, tôi quay về soi chiếu chính mình với "Đàn ông không cần khóc" và "Người đàn ông hát", những điều rất gần gũi, giản dị.
Ngày xưa tôi ít nhiều từng phán xét nọ kia, nhưng bây giờ thì không, tôi thức tỉnh rất nhiều rồi. Tôi nghĩ mình đang đi trên con đường giác ngộ, tỉnh thức. Tôi đã thay đổi, ai tạo được giá trị thì mừng cho họ, ai tạo giá trị giả thì để công chúng phán xét chứ không phải mình. Mình làm tốt cho mình chứ không phải để lên mặt dạy đời người khác, không đi vào vết xe đổ của người có cái tôi quá lớn. Càng cao càng thấp, càng cao thì càng phải khiêm tốn, chứ đừng nghĩ mình là cái gì ghê gớm.
Tôi nhận ra mình càng bao dung thì càng nhận được nhiều năng lượng tích cực.
- Nói đến năng lượng tích cực, một điều cũng rất tích cực dễ nhận thấy là Tùng Dương ngày càng nhiều fan hơn, và fan cũng đa dạng hơn, thậm chí có cả các cháu nhỏ. Anh thấy sao về điều này?
+ Tôi mừng vì khán giả gen Y, gen Z không phải biết đến Tùng Dương vì những ca khúc tình yêu mà chính là những tác phẩm ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu lớn nhất của mỗi con người. Các cháu gen Z biết đến chú Tùng Dương qua "Một vòng Việt Nam", thêm yêu đất nước mình qua ca từ, qua giai điệu, thì đó là điều hạnh phúc vô cùng tận. Giá trị lớn nhất nằm ở đấy.
Tôi cố gắng lan tỏa năng lượng tích cực nhất, yêu nước và yêu đời, vì bản thân tôi là người yêu nước.
Bình luận (0)