Tỉ phú Michael Bloomberg, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ), hôm 23-1 cho biết quỹ của ông sẽ tham gia tài trợ cho cơ quan biến đổi khí hậu của LHQ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu lần thứ hai.
Bước đi trên của ông Bloomberg nhằm bảo đảm Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vẫn có đủ ngân sách hoạt động. Đây là lần thứ hai tỉ phú này ra tay lấp vào khoảng trống tài chính mà chính quyền Mỹ để lại. Vào năm 2017, khi chính quyền ông Trump lần đầu rút khỏi Thỏa thuận Paris, ông Bloomberg đã cam kết tài trợ tới 15 triệu USD cho UNFCCC.
"Từ năm 2017 đến năm 2020, trong giai đoạn chính quyền liên bang không hành động, các thành phố, bang, doanh nghiệp và công chúng đã đứng lên để duy trì các cam kết của quốc gia chúng ta. Giờ đây, chúng tôi sẵn sàng làm điều đó một lần nữa" - ông Bloomberg nói. UNFCCC dự kiến cần khoảng 92 triệu USD để hoạt động trong giai đoạn 2024-2025. Các năm trước, Mỹ thường cung cấp khoảng 22% số tiền này.
Ông Bloomberg cũng khởi động một sáng kiến theo dõi và báo cáo các cam kết về khí hậu ngoài cấp liên bang của Mỹ, bảo đảm thế giới có thể theo dõi tiến độ của Mỹ như thể nước này vẫn là một bên cam kết đầy đủ đối với Thỏa thuận Paris. Người đứng đầu về khí hậu của LHQ Simon Stiell ca ngợi hành động của ông Bloomberg là góp phần "thúc đẩy một tương lai phát thải thấp và an toàn hơn cho mọi người".
Trong khi đó, báo cáo mới được Tổ chức Nghiên cứu khí hậu Ember công bố cùng ngày cho thấy lần đầu tiên tỉ trọng điện từ năng lượng mặt trời đã vượt qua điện than tại Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2024. Cụ thể, năng lượng mặt trời tạo ra 11% lượng điện của khu vực này trong khi tỉ lệ này của than là 10%.
Ember cho biết năng lượng mặt trời vẫn là nguồn năng lượng tăng trưởng nhanh nhất của EU. Ngoài ra, năng lượng gió vẫn là nguồn năng lượng lớn thứ hai tại EU, xếp sau hạt nhân và cao hơn khí đốt. Nhìn chung, sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng mặt trời và gió đã thúc đẩy tỉ trọng năng lượng tái tạo lên 47%, so với mức 34% năm 2019; còn nhiên liệu hóa thạch giảm từ 39% xuống 29%.
Năng lượng mặt trời đang phát triển ở tất cả quốc gia EU và hơn một nửa hiện đã loại bỏ than hoặc giảm tỉ lệ than xuống dưới 5% tỉ trọng năng lượng. "Thỏa thuận xanh đã mang lại sự chuyển đổi sâu sắc và nhanh chóng cho ngành năng lượng của EU" - Ember nhận định.
Bình luận (0)