Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo VN 20-11, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM (UEF) đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Giáo dục VN – Nguồn nguyên khí quốc gia”. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm đóng góp của gần 50 nhà giáo, các nhà nghiên cứu giàu tâm huyết.
Thực trạng giáo dục VN?
Theo Nhà giáo Nhân dân – GS-TS Nguyễn Thanh Tuyền (Hiệu trưởng UEF), hiền tài là nguyên khí quốc gia, có nghĩa là những bậc thực tài có trí tuệ và đạo đức vẹn toàn. Tài ở đây phải là thực tài, được kiểm nghiệm qua hiệu quả công việc. Đức là sống có đạo lý mà cái gốc của nó là nhân bản. Nhìn chung ở mọi thời đại đều xác nhận một chân lý “Nhân cách vĩ đại làm nên sự nghiệp vĩ đại”. GS-TS Nguyễn Thanh Tuyền cũng nhấn mạnh: “Có thể nói nền giáo dục VN tụt hậu triền miên. So với các nước Đông Nam Á, nền giáo dục VN còn thua kém nhiều nước như Philippines, Malaysia, Thái Lan... Thực tế giáo dục VN quá nặng nề, đánh giá sức học chỉ qua điểm số...”.
Nhà giáo Nhân dân – GS-TS Nguyễn Thanh Tuyền phát biểu tại hội thảo
TS Nguyễn Hữu Thảo (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) cho biết: “Nói đến nguyên khí quốc gia là nói đến phát triển kinh tế tri thức, nói đến việc cần thiết đối với lĩnh vực GD-ĐT... Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy, các bậc thánh đế, minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên... Điều đáng buồn là tỉ lệ nguồn lao động qua đào tạo ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập.
VN cần có chính sách đúng đắn trong tuyển dụng nhân tài và phải dựa trên cả hai yếu tố: thực tài và bằng cấp nhưng thực tài vẫn cần đặt lên hàng đầu. Đó chính là giải pháp tốt nhất để tạo nguồn nguyên khí đích thực cho nước nhà.
GS-TS Nguyễn Thanh Tuyền |
Ngay đầu vào của các trường ĐH đã bất cập, chẳng hạn thí sinh thi khối A chiếm 2/3, còn các khối khác lại rất ít. Ngay ở khối A, sinh viên chủ yếu tập trung học ở các ngành kinh tế; lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật, môi trường sinh thái rất ít. Nhiều trường và một số ngành không có sinh viên đăng ký dự thi và không thể mở được, mặc dù nhu cầu xã hội đang rất cần. TS Nguyễn Hữu Thảo nhấn mạnh: Đóng vai trò trực tiếp cung cấp nguồn nguyên khí quốc gia là GD-ĐT. Trước hết, đổi mới GD-ĐT là đổi mới cả một hệ thống GD-ĐT. Vấn đề này không chỉ làm trong một, hai năm mà theo chúng tôi là 20 năm”.
Không nên “vơ đũa cả nắm”
Xung quanh đề tài “Giáo dục VN đang đứng ở đâu?”, hội thảo đã nhận được 5 tham luận. Trong bài tham luận của mình, Nhà giáo Nhân dân-GS-TS Phạm Phụ khá tâm đắc với xếp hạng của UNESCO năm 2004 khi xếp hạng VN thứ 64/127 nước về “Giáo dục cho mọi người”, so với Trung Quốc thứ 54 và Thái Lan thứ 60. Về tỉ lệ người biết chữ, tỉ lệ học sinh phổ thông trong độ tuổi các con số của VN cũng xấp xỉ như ở các nước tương đối phát triển trong vùng. Đây là những con số đáng mừng. Tuy nhiên, GS-TS Phạm Phụ cũng thất vọng với “chỉ số đánh giá tổng hợp về chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực” do UNESCO công bố năm 2005. Theo đó, VN chỉ đạt 32/100 điểm, thuộc nhóm yếu kém nhất, xếp thứ 11 trong số 12 quốc gia châu Á được so sánh, chỉ đứng trên Indonesia và kém xa so với Philippines, Thái Lan và Malaysia; trong đó Singapore dẫn đầu nhóm quốc gia được khảo sát, đạt 84/100 điểm. Riêng về chất lượng của hệ thống giáo dục, VN được 3,25/10 điểm, đứng thứ 10/12 nước, cao nhất là Hàn Quốc với 8,00 điểm.
Các đại biểu bên lề hội nghị
GS Trần Thanh Đạm cho rằng: “Giáo dục hiện nay như một đứa con học hành có phần bê bối không vừa lòng cha mẹ. Cha mẹ không nên nổi xung mắng mỏ tàn tệ “đứa con hư”, như vậy có thể làm cho tình hình xấu thêm. Tôi nhận thấy rằng nhiều người bất bình với xã hội nên trút giận lên giáo dục, chứ thực ra giáo dục tuy có bê bối, song đa phần được xem là lĩnh vực trong sạch nhất. Đừng nên vì vài sự kiện mà suy diễn rộng ra toàn thể, toàn ngành. Không nên “vơ đũa cả nắm” vì “con sâu làm rầu nồi canh”.
Giải pháp nào cho giáo dục VN?
GS Trần Thanh Đạm cho rằng để khắc phục khủng hoảng giáo dục của ta hiện nay, cần thấy rõ nguyên nhân chính yếu nhất của nó là sự mất cân đối giữa giáo dục phổ thông và đào tạo chuyên nghiệp. Ông ví hiện tượng đó như cỗ xe bánh cao bánh thấp, chạy chậm thì xiêu, chạy nhanh thì đổ. “Đó là vấn đề then chốt nhất trên tầm vĩ mô của nền GD-ĐT hiện nay. Đó cũng là mối rối đầu tiên phải gỡ để gỡ dần các mối rối khác” - GS Trần Thanh Đạm nhấn mạnh.
PGS Đào Công Tiến cho rằng số tiết chuẩn quy định cho một cán bộ giảng dạy là từ 220 tiết đến 260 tiết nhưng trong thực tế ở nhiều trường, con số đó đã vượt hơn đến 2, 3 lần. Với áp lực giờ giảng quá lớn như vậy, muốn hay không thì cán bộ giảng dạy cũng thành cái “máy giảng” những bài giảng cũ kỹ, lạc lõng so với cuộc sống vì không được cập nhật bổ sung từ những nghiên cứu sáng tạo. Cần có những tác động mạnh hơn để triển khai việc nghiên cứu khoa học từ những chính sách tài chính của trường.
Kết luận vấn đề giải pháp cho giáo dục ĐH, GS –TS Trần Ngọc Thơ khẳng định: “Nhiều trường ĐH ở VN đang tìm cách thoát khỏi chiếc áo chật chội đã trót bị mặc vào. Các trường đang tìm mọi cách tự tồn tại và chứng minh tính hữu ích cũng như trách nhiệm của mình đối với xã hội. Nhưng đó chỉ là những hoạt động đơn lẻ và ít được quan tâm của những người có trách nhiệm. Cho dù có bao nhiêu nghị quyết về giáo dục ĐH đi chăng nữa nhưng nếu không trả cho các trường ĐH quyền tự trị về mặt học thuật và tự chủ thì giáo dục ĐH VN phải còn hàng thập kỷ mất mát nữa mới có thể bắt đầu cuộc đua từ vạch xuất phát với các trường ĐH trong khu vực”.
Nhà Giáo Nhân Dân-GS-TS Phạm Phụ
Bảy kiến nghị về chính sách, giải pháp cho giáo dục ĐH
1. Tăng “suất đầu tư” hay còn gọi là mức “chi phí đơn vị” lên khoảng 1.200 USD/sinh viên (SV)/năm, nghĩa là khoảng hơn gấp 2 lần so với hiện nay.
2. Áp dụng mô hình J – model cho giáo dục ĐH của VN trong bài toán “chia sẻ chi phí” và nguyên tắc “Chủ yếu người sử dụng dịch vụ giáo dục ĐH phải chi trả”. Do vậy, tỉ lệ đóng góp của SV và gia đình SV sẽ vào khoảng 50% – 55%. Điều này có nghĩa học phí ở ĐH công lập bình quân sẽ phải tăng lên hơn 3 lần so với hiện nay.
3. Thiết lập thêm vài chương trình cho SV vay vốn khác (có thể không cần “trợ cấp ẩn”) nhằm vào loại mục tiêu tăng thu nhập cho các cơ sở ĐH để bảo đảm chi phí đầu vào và mở rộng quy mô nền giáo dục ĐH.
4. Khuyến khích phát triển các ĐH tư thục “nửa vì lợi nhuận”, làm rõ cơ chế “không vì lợi nhuận” và xóa bỏ cơ chế “xin-cho” trong việc lập trường ĐH.
5. Cấu trúc lại nền “giáo dục sau THPT” dưới góc nhìn hiệu quả và chất lượng của cả hệ thống.
6. Xem xét phương án cử nhân 3 năm cùng với việc giảm số năm học và giảm tải ở giáo dục phổ thông.
7. Thực hiện việc “xã hội hóa về quản lý giáo dục ĐH” song song với tăng quyền tự chủ cho các cơ sở ÐH. |
Bình luận (0)