TS Nguyễn Phương trả lời câu hỏi của học sinh
TS Nguyễn Phương, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: Năm 2015, trường ĐHSPKT TP HCM có hơn 4000 chỉ tiêu bậc ĐH nhưng trong số đó chỉ có gần 400 chỉ tiêu Sư phạm với 13 chương trình (CT). Ngoài CT SP Anh thí sinh phải đăng ký ngay từ đầu, trường còn có 12 CT Sư phạm Kỹ thuật, thí sinh chỉ được đăng ký học SPKT sau khi trúng tuyển và nhập học một tháng. Các ngành có chương trình SPKT là: Cơ khí Chế tạo máy, Kỹ thuật công nghiệp, Cơ điện tử, Ô tô, Nhiệt điện lạnh, Điện tử - truyền thông, Điện - điện tử, Xây dựng, Công nghệ thông tin, May, Thực phẩm, Môi trường.
Các em đăng ký học chương trình SPKT sẽ có thời gian học dài hơn (4,5 năm) so với chương trình kỹ sư chỉ có 4 năm. Tuy nhiên, các em sẽ được miễn hoàn toàn học phí. Trong thời gian đầu, các em theo CT SPKT sẽ học gần giống chương trình kỹ sư nhưng 2 học kỳ cuối sẽ học thêm các môn liên quan đến sư phạm như Tâm lý, Phương pháp giảng dạy, đánh giá, Công nghệ dạy học, Tổ chức quá trình đào tạo, Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy…Ngoài ra, các em còn phải rèn luyện tay nghề để có chứng chỉ năng lực thực hành nghề quốc gia (từ khóa 2015), đi thực tập sư phạm và làm đề tài tốt nghiệp liên quan đến việc dạy học kỹ thuật như chế tạo mô hình học cụ liên quan đến ngành học của mình, thiết kế mô phỏng bài giảng... Khi tốt nghiệp, các em sẽ có bằng kỹ sư (hệt như các bạn học chương trình KS), chứng chỉ sư phạm kỹ thuật (hoặc sư phạm nghề) và chứng chỉ năng lực thực hành nghề (dự kiến cho khóa 2015).
Để được miễn học phí, các em đăng ký vào các CT SPKT sẽ phải ký cam kết phục vụ sư phạm. Tuy nhiên, cho đến nay nhà nước vẫn chưa có sự ràng buộc hoặc chế tài về vấn đề này nếu sau khi tốt nghiệp các em không đi dạy. Chính vì vậy, khác với các chương trình SP phổ thông (Toán, Lý, Hóa…), SV từ các CT SPKT có cơ hội việc làm rất cao vì có nhiều sự lựa chọn: các em có thể làm kỹ sư ở các công ty xí nghiệp, làm giảng viên ở các trường ĐH, CĐ, THCN trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp (trong thời gian qua, các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề mở ra khá nhiều nên nhu cầu giáo viên dạy nghề rất cao). Thêm vào đó, ngày nay, hầu hết các công ty lớn đều có bộ phận phụ trách đào tạo bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật để theo kịp sự phát triển của kỹ thuật công nghệ nên các em còn phát huy tốt thế mạnh của mình trong vai trò training manager (quản lý đào tạo). Ngoài ra, nhờ có kỹ năng tay nghề cao, một số em đã tự mở ra các doanh nghiệp.
Bình luận (0)