“Việt Nam cần nhanh chóng triển khai chương trình Sữa học đường quốc gia”. Đó là khuyến cáo từ kinh nghiệm cũng như những kết quả thực tiễn đạt được của các diễn giả quốc tế tham gia hội thảo Sữa học đường quốc tế 2010 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam trong hai ngày 25 và 26-11 vừa qua tại TP Vũng Tàu. Đây là hội thảo do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tetra Pak Việt Nam phối hợp tổ chức, với chủ đề “Sữa học đường - Lợi ích dinh dưỡng và lợi ích kinh tế”.
Thế giới triển khai “sữa học đường” ra sao?
Chương trình Sữa học đường đã phát triển mạnh mẽ ở rất nhiều nước trên thế giới, với lịch sử hơn 100 năm tại các nước phát triển và 50 năm tại các nước đang phát triển.
Tại Nga, từ những năm 1950, hệ thống bữa ăn học đường đã được thiết lập và đến năm 2005, chương trình Sữa học đường đã được đệ trình lên Chính phủ để luật hóa và triển khai rộng rãi. Tới năm 2010, Nga đã mở rộng chương trình trên 36 khu vực, với hơn 1,8 triệu trẻ em được uống sữa miễn phí hằng ngày hoặc 2, 3 lần/tuần tùy lứa tuổi. Tại Ba Lan, chương trình Sữa học đường hiện được đánh giá là đứng đầu châu Âu và từ năm 2007.
Chính phủ nước này quyết định hỗ trợ toàn bộ cho chương trình ở cấp tiểu học, với 45% số trường trên cả nước được tham gia (gồm 8.000 trường với hơn 2,8 triệu trẻ được uống sữa miễn phí 3 -5 ngày/tuần). Riêng năm 2010, tổng ngân sách Ba Lan dành cho chương trình là 1,2 triệu euro. Trong khi đó tại Thái Lan, chương trình Sữa học đường cũng được biết đến từ năm 1992 và hiện đã tổ chức rộng rãi tại hơn 20% số trường tiểu học trên cả nước, với 8,1 triệu trẻ được uống sữa miễn phí mỗi năm.
Ông William Smits, Giám đốc điều hành DeLaval Đông Nam Á, cho biết: “Nếu chương trình Sữa học đường được triển khai rộng rãi sẽ kéo theo sự phát triển của ngành sữa và tạo công ăn việc làm cho nông dân, tăng trưởng GDP, tăng tỉ lệ trẻ em đến lớp học, bảo vệ sức khỏe cho tầng lớp người lao động trong tương lai”.
VN - chỉ có 40.000 trẻ em được uống sữa miễn phí
Hiện cả nước chỉ có duy nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm thực hiện ở quy mô lớn và bài bản. Theo thống kê, Việt Nam hiện có 31,9% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và ở những vùng sâu, vùng xa, nhu cầu canxi ở trẻ chỉ mới đáp ứng được khoảng 49%. Điều đó cho thấy nếu có thêm nhiều địa phương khác cùng tổ chức chương trình Sữa học đường thì sẽ có thêm hàng triệu trẻ em khác trên cả nước được uống sữa.
Theo các chuyên gia từ Văn phòng Thực phẩm cho sự phát triển của Tetra Pak, những chương trình Sữa học đường trên thế giới thành công đều cần có sự hỗ trợ từ ngân sách của Trung ương, bên cạnh ngân sách của các địa phương và sự ủng hộ của người dân. Chính vì vậy, nếu có sự quan tâm thực sự từ Nhà nước, chương trình Sữa học đường tại Việt Nam mới mau chóng trở thành chương trình quốc gia.
Được biết, một số địa phương khác như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bắc Ninh... cũng đang muốn triển khai chương trình Sữa học đường với ngân sách địa phương. Đây quả là một tín hiệu đáng mừng.
Ông Markus Huet, chuyên gia từ Tổ chức Hỗ trợ chương trình Sữa học đường của Tetra Pak nói: “Việt Nam đang rất cần một mô hình triển khai sữa học đường mẫu và thực sự đã có rồi, đó chính là chương trình Sữa học đường của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Việc cần làm bây giờ là nhân rộng mô hình đó ra cả nước”. |
Bình luận (0)