Tương đồng khoảng 70% nội dung đào tạo
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, trường công lập hay ngoài công lập đều chịu sự quản lý chung của Bộ GD-ĐT. Về chương trình đào tạo, trường công và ngoài công lập đều theo chương trình khung của Bộ và giống nhau từ 65-70% về nội dung. Mặc dù, một phần nội dung còn lại là do mỗi trường tự thực hiện, và có cách xây dựng riêng. Nhưng nhìn chung, chương trình không khác nhau nhiều.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Hùng Vương, cho biết thêm: “Ngoài chương trình đào tạo, về bằng cấp thì những người tốt nghiệp hệ ĐH-CĐ của trường công hay ngoài công lập đều giống nhau đó là bằng ĐH-CĐ chính quy theo phôi bằng của Bộ GD-ĐT. Các hệ vừa học vừa làm, về bằng cấp cũng tương đương và giống nhau”.
Chênh lệch học phí
Sự khác biệt điển hình và dễ nhận thấy nhất giữa trường công và tư là cơ sở vật chất, mức học phí và đội ngũ giảng viên.
Phần lớn trường công thường được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất khá tốt. Trong khi đó, lại có sự chênh lệch về cơ sở vật chất giữa các trường ngoài công lập. Bên cạnh những trường tư được đầu tư khá tốt về trường lớp, thiết bị phòng học, phòng thí nghiệm… thì cũng có một số trường chỉ đầu tư qua loa, có trường còn thuê mướn các kho bãi, nhà xưởng, nhà hàng… để làm cơ sở giảng dạy.
Học phí là điểm khác biệt lớn nhất giữa trường công và tư. Trường công lập thu học phí theo quy định của nhà nước. Trong khi đó, trường ngoài công lập tự quyết định mức học phí. Nhìn chung mức học phí của các trường ĐH-CĐ ngoài công lập tính theo năm học, nằm trong các khoảng: dưới 10 triệu đồng, từ 10-20 triệu đồng và trên 20 triệu đồng. Về hình thức đóng học phí, hiện nay, sinh viên có thể thông qua việc đóng trực tiếp cho phòng tài vụ hoặc chuyển khoản. Mặt khác, vào đầu các năm học (nhất là năm đầu tiên), ngoài tiền học phí, sinh viên sẽ đóng các khoản phí như BHYT, đồng phục...
Bình luận (0)