Học viên lớp Cơ khí Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương
trong giờ thực hành thiết kế mẫu sản phẩm trên máy vi tính. Ảnh: Mai Hải
Từ nhiều năm qua, công tác tuyển sinh của các trường trung cấp nghề ngày càng trở nên eo hẹp, một phần là do ngày càng có nhiều trường ĐH-CĐ mở hệ trung cấp nghề, còn lại là vì HS “mơ” một suất trong giảng đường ĐH hơn. Rõ ràng, công tác phân luồng học sinh vẫn giậm chân tại chỗ suốt nhiều năm qua.
Ngồi nhầm chỗ!
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, trong năm 2010, số học sinh THPT tốt nghiệp hơn 843.000, đạt tỷ lệ gần 93%. Trong khi đó, tổng số thí sinh dự thi 2 đợt tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010 là trên 1,2 triệu. Như vậy, so với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, số thí sinh dự thi ĐH-CĐ đạt trên 140%!
Việc bao nhiêu học sinh đậu tốt nghiệp THPT thì có bấy nhiêu thí sinh dự thi ĐH-CĐ đã không còn là điều lạ lẫm. Hàng chục năm qua, bất cập này vẫn không được ngành, đặc biệt là các trường phổ thông quan tâm thực sự. Có thể nói, chủ trương “phân luồng” sau THPT là hoàn toàn đúng, cần khuyến khích học sinh học nghề hoặc học TCCN thay vì đổ xô vào ĐH-CĐ. Tuy nhiên, với chỉ tiêu tăng mỗi năm của các trường ĐH-CĐ (không quá 10%), việc số lượng học sinh thi ĐH-CĐ không ngừng tăng lên là điều chẳng có gì bất ngờ và đi kèm theo đó là các trường nghề ngày càng trở nên đìu hiu.
Cô Nguyễn Thu Hồng (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi quận 6 TPHCM) hướng dẫn học sinh lớp 12
viết hồ sơ dự thi ĐH-CĐ năm 2011. Ảnh: MAI HẢI
Bên cạnh đó, theo quy luật, số lượng học sinh học THPT sẽ ngày càng giảm, cánh cửa vào ĐH-CĐ ngày càng rộng, trở thành một trong những nguyên nhân chính gây “tắc” trong tuyển sinh của các trường TCCN. Ở cấp THPT, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT Hoàng Ngọc Vinh, khoảng vài năm trở lại đây, mỗi năm có gần 400.000 học sinh chưa tốt nghiệp, bỏ học và cả học sinh đã tốt nghiệp nhưng không tiếp tục học.
Nguyên nhân như đã phân tích, phần lớn các trường khi làm công tác định hướng nghề vẫn chỉ chú trọng vào việc mời các trường ĐH-CĐ mà quên đi hệ thống trường nghề. Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, theo thống kê, cả nước có tới 28% số bài thi bị điểm dưới trung bình, riêng môn Ngoại ngữ là 47%. Tỷ lệ bài thi bị điểm dưới trung bình của hệ giáo dục thường xuyên cũng lên tới 56%, trong đó các môn Ngữ văn, Vật lý, Địa lý đều hơn 60%. Rõ ràng, đã có một số lượng không nhỏ học sinh đang “ngồi nhầm chỗ”.
“Bỏ quên” dạy nghề và TCCN?
Trước mỗi mùa thi, các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các trường thường tổ chức nhiều buổi hướng nghiệp cho học sinh lớp 12. Nhưng tham gia hướng nghiệp chủ yếu là đại diện các trường ĐH-CĐ. Các trường nghề, trường TCCN vắng bóng hoàn toàn trên “sân chơi” hướng nghiệp.
Thầy Phạm Anh Thắng, Hiệu trưởng Trường Nhân lực quốc tế, bức xúc: Hướng nghiệp học sinh quá thiên về “chuẩn” đầu ra nên trường nghề ngày càng trở nên đìu hiu và vắng vẻ. Một phần vì nhiều trường trung cấp nghề thiếu sự đầu tư, đội ngũ thầy cô giáo chưa thật sự tốt. Nhưng tôi nghĩ, nguyên nhân là do công tác định hướng và phân luồng cho học sinh chưa tốt”.
Hiện nay, công tác hướng nghiệp mới chỉ tập trung hướng dẫn học sinh chọn ngành, chọn trường ĐH-CĐ phù hợp mà không hướng tới việc phân luồng hệ TCCN. Bộ GD-ĐT có hẳn một cơ quan chuyên trách là Trung tâm Lao động hướng nghiệp, nay là Trung tâm Cung ứng nguồn nhân lực nhưng chưa phát huy được vai trò. Thay vì làm nhiệm vụ hướng nghiệp để chiêu sinh, các trường nghề, trường TCCN đến các trường ĐH-CĐ xin danh sách những thí sinh không trúng tuyển để... gửi giấy báo nhập học. Mục đích của họ là “vớt” được những thí sinh không đậu ĐH-CĐ và buộc phải học nghề.
Thông tin mà Bộ GD-ĐT công bố thật sự là một tin vui với các trường trung cấp nghề và TCCN trong công tác tuyển sinh khi từ năm 2010, tất cả các hệ thống giáo dục dạy nghề bao gồm TCCN, CĐ nghề thuộc Bộ GD-ĐT hay Bộ LĐTB-XH đều có thể liên thông lên ĐH. Học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề được thi lên hệ CĐ nghề của trường, thi vào các trường ĐH-CĐ khác. Tuy nhiên, để cho “cánh cửa” mà Bộ GD-ĐT đã và đang mở ra để giúp các trường nghề bớt “tắc” trong tuyển sinh đầu vào, các trường THPT cần làm tốt hơn nữa công tác phân luồng học sinh.
Bình luận (0)