U17 Indonesia gặp Úc ở lượt cuối bảng G vòng loại U17 châu Á 2025 tại Kuwait đã phải nhận nhiều chỉ trích từ người hâm mộ.
Điều đó đến từ việc hai đội tuyển trẻ này dường như đều không muốn thắng trong trận. Bởi, kết quả hòa là đủ để Úc và Indonesia tới vòng chung kết U17 châu Á 2025. Kể từ khi bước vào phút 60, cả hai đội đều không có ý định tấn công. Bóng chỉ được luân chuyển ở khu vực trung tuyến.
U17 Úc duy trì bóng từ hàng phòng ngự và chuyền qua lại nơi giữa sân. Trong khi đó, U17 Indonesia không có ý định tấn công và chỉ chờ đợi bên phần sân nhà.
Cư dân mạng đã phản ứng mạnh mẽ, phẫn nộ với trận đấu này khi xảy ra trong một giải đấu trẻ. "U17 Úc và U17 Indonesia không có chất lượng gì cả. Thật đáng tiếc là các bạn vẫn còn là tuyển trẻ"; "Trận bóng tệ hại, trong gần 20 phút, U17 Indonesia và U17 Úc đã thi đấu đơn điệu như thế này. Có thể giành quyền vào vòng chung kết U17 châu Á nhưng không phải theo cách thế này".
Sau trận đấu, HLV U17 Indonesia cũng tỏ ra thất vọng với chính lối chơi này. Theo ông, toàn đội U17 Indonesia đã không dám tấn công và chờ đợi đối thủ, nếu có cơ hội thì sẽ phản công. Thế nhưng, họ lại không nghĩ rằng U17 Úc cũng sẽ không tấn công.
HLV Nova Arianto nói: "Thành thật mà nói, chứng kiến trận đấu này, lòng tôi rất hỗn loạn. Về mặt chiến thuật, U17 Úc vượt trội về chất lượng cá nhân, chúng tôi đã chủ động chờ đợi và phản công khi có bóng. Tuy vậy, U17 Úc cũng không tấn công, còn chúng tôi cứ chờ họ tấn công. Tôi cũng xấu hổ về những gì đã xảy ra trên sân, nhưng nếu thua, chúng tôi sẽ không đủ điều kiện tham dự VCK U17 châu Á. Vì vậy, tôi phải chịu đựng sự xấu hổ và không có gì bào chữa".
Đội trưởng của U17 Indonesia - Putu Panji cũng thừa nhận quyết định chờ đợi bên phần sân nhà là yêu cầu của HLV Nova Arianto.
Dù vậy, Chủ tịch LĐBĐ Indonesia Erick Thohir lại tỏ ra tự hào về thành tích tham dự VCK U17 châu Á và cho rằng đây là cột mốc lịch sử: "Đây thực sự là một cột mốc lịch sử, chứng minh tất cả các lứa tuổi khác nhau của tuyển quốc gia Indonesia đều có thể cạnh tranh ở vòng chung kết của châu Á. Đây là bằng chứng cho thấy trình độ của chúng tôi đã tăng lên trong một thời gian tương đối ngắn".
Song, ông cũng khuyên U17 Indonesia và các đội tuyển khác nên học tập theo tinh thần thi đấu của U23 Indonesia. Họ cũng đã chứng minh năng lực khi tiến tới bán kết U23 châu Á và đã đánh bại các đội mạnh như Australia, Jordan và Hàn Quốc.
15 đội tuyển giành quyền vào vòng chung kết U17 châu Á 2025:
Các đội giành vé với tư cách 10 đội đứng nhất bảng lần lượt là: Triều Tiên (bảng A), Afghanistan (B) , Hàn Quốc (C), Thái Lan (D), Uzbekistan (E), Nhật Bản (F), Úc (G), UAE (H), Yemen (I) và Tajikistan (J).
Các đội đứng nhì bảng có thành tích tốt nhất thuộc về Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Iran và Oman.
15 đội tuyển vượt qua vòng bảng sẽ cùng chủ nhà Ả Rập Saudi tranh tài từ ngày 3 đến 20-4-2025. Tại giải đấu, 16 đội sẽ được chia thành 4 bảng, tranh chức vô địch cũng như vé dự U17 World Cup 2025 tại Qatar.
Bình luận (0)