UBND TP HCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, bố trí và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính của hệ thống chính trị trên địa bàn.
Theo đó, các sở - ngành, UBND quận, huyện TP Thủ Đức, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đánh giá, rà soát cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong nội bộ cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp.

Cán bộ, công chức tại TP HCM trong giờ làm việc; Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Các đơn vị xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức, bộ máy và kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị theo chỉ đạo, định hướng của Trung ương, Thành ủy và UBND TP HCM.
Đề án phải đảm bảo đồng bộ, thông suốt gắn liền với phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị mình; thực hiện được mục tiêu giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế trong 5 năm - kể từ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp (mỗi năm giảm tối thiểu 4%).
Cụ thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lấy ý kiến tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cùng cấp để ban hành tiêu chí đánh giá.
Sau đó rà soát, đánh giá tổng thể chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý và xem xét đơn tự nguyện xin nghỉ việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Đồng thời xác định đối tượng phải nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Việc tổ chức thực hiện đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đảm bảo chính xác, khách quan, nghiêm túc, công bằng, công khai, minh bạch. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "cào bằng", nể nang, thiên vị, trục lợi chính sách khi triển khai thực hiện.
Tập thể lãnh đạo cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trong thực hiện đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc để giữ chân và trọng dụng cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực nổi trội; giải quyết nghỉ việc theo nguyện vọng, đảm bảo khoa học, công bằng, khách quan, hợp lý, nhân văn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin ở mức cao nhất trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong công tác đánh giá, xếp loại; đảm bảo kết quả đánh giá, xếp loại phản ánh chính xác kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Lập danh sách, dự toán số tiền thực hiện chính sách đối với từng trường hợp thuộc diện nghỉ việc và các trường hợp tự nguyện có đơn xin nghỉ việc theo quy định tại Nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025 và chịu trách nhiệm về đề xuất của mình, gửi về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo UBND TP HCM xem xét, quyết định theo phân cấp quản lý.
Bình luận (0)