Trong bước đi mới nhất, nước này hôm 12-9 giới thiệu dự luật cho phép phạt các tập đoàn công nghệ lên tới 5% doanh thu hàng năm nếu không ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng.
Theo Reuters, dự luật này nhắm đến các nội dung sai lệch có thể gây hại cho tính toàn vẹn của bầu cử hoặc sức khỏe cộng đồng, kích động việc lên án nhóm người hoặc gây tổn thương cho cá nhân, hoặc có nguy cơ gây gián đoạn cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc dịch vụ khẩn cấp.
Chính phủ Úc cho biết thêm sẽ yêu cầu các nền tảng công nghệ đặt ra quy tắc ứng xử về cách ngăn chặn thông tin sai lệch lan rộng. Các quy tắc này sẽ được cơ quan quản lý phê duyệt. Trong trường hợp một nền tảng không thực hiện điều này, cơ quan quản lý sẽ tự thiết lập tiêu chuẩn và phạt các công ty không tuân thủ.
Bộ trưởng Truyền thông Úc Michelle Rowland nhận định thông tin sai lệch đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của người dân, cũng như đối với nền dân chủ, xã hội và kinh tế đất nước.
Phiên bản đầu tiên của dự luật đã bị chỉ trích vào năm 2023 vì trao quá nhiều quyền lực cho Cơ quan Thông tin và Truyền thông Úc (ACMA) trong việc xác định đâu là thông tin sai lệch và giả mạo.
Bộ trưởng Rowland cho biết dự luật mới quy định rằng ACMA sẽ không có quyền buộc gỡ bỏ từng nội dung cụ thể hoặc tài khoản người dùng.
Ngoài động thái trên, Úc còn đang lên kế hoạch thiết lập giới hạn tuổi sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em do những nỗi lo về sức khỏe tinh thần và thể chất.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese hôm 10-9 cho biết chính phủ ông sẽ tiến hành thử nghiệm xác minh độ tuổi trước khi thực hiện bước đi trên trong năm nay. Nhà lãnh đạo này cho biết thêm độ tuổi tối thiểu được truy cập mạng xã hội có thể từ 14 đến 16 tuổi.
Nếu luật trên được thực thi, Úc sẽ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp đặt giới hạn độ tuổi cho mạng xã hội. Những nỗ lực trước đây, trong đó có của Liên minh châu Âu, đều thất bại sau khi bị phản đối về việc giảm quyền trực tuyến của trẻ em.
Một số chuyên gia và nhà hoạt động lo ngại kế hoạch giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội của Úc có thể vô tình gây hại cho trẻ bằng cách khuyến khích các em che giấu hoạt động trực tuyến của mình.
Một nghiên cứu của ĐH Sydney năm 2023 cho thấy 75% số người trong độ tuổi 12 đến 17 ở Úc sử dụng đã sử dụng nền tảng video trực tuyến YouTube (của hãng Google) hoặc mạng xã hội Instagram.
Hãng Meta (Mỹ), chủ sở hữu các mạng xã hội Facebook và Instagram, đã áp đặt giới hạn tuổi tối thiểu là 13 và cho biết họ muốn trao quyền cho người trẻ để hưởng lợi từ các nền tảng của mình và cung cấp cho phụ huynh công cụ để hỗ trợ họ, thay vì chỉ "cắt đứt quyền truy cập".
Bình luận (0)