Ngày 26-8, tại Hà Nội, Việt Nam và Úc đã tổ chức Đối thoại Chiến lược Ngoại giao - Quốc phòng lần thứ 9.
Đối thoại do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và Thứ trưởng Ngoại giao và Thương mại Úc Michelle Chan đồng chủ trì. Tham dự có Thiếu tướng Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng, ông Bernard Philip, Cục trưởng Cục Chính sách quốc tế, Bộ Quốc phòng Úc, cùng nhiều quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao và Quốc phòng hai nước. Đây là cơ chế thường niên được hai bên triển khai đều đặn từ khi thiết lập năm 2012.
Tại Đối thoại, hai bên nhất trí cho rằng quan hệ Việt Nam - Úc đang có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và đạt được nhiều kết quả thực chất, thể hiện qua việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Úc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 3-2024.
Hai bên nhấn mạnh Việt Nam và Úc chia sẻ nhiều điểm tương đồng, có lòng tin chiến lược cao, là cơ sở quan trọng để phát huy hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực. Trong bối cảnh cả Việt Nam và Úc cũng như các nước trong khu vực đang đứng trước những thách thức to lớn do căng thẳng địa chính trị gia tăng, hai bên nhất trí cần thúc đẩy hợp tác chặt chẽ và chiến lược hơn nữa trong khuôn khổ quan hệ mới nhằm ứng phó với các thách thức chung; nhất trí tăng cường trao đổi, tham vấn nhằm cụ thể hóa hơn nữa những thỏa thuận cấp cao đã đạt được, mở rộng những lĩnh vực hợp tác mới phù hợp với nhu cầu, tiềm năng và lợi ích của hai nước.
Hai bên đánh giá cao hợp tác quốc phòng đang được triển khai toàn diện thông qua các kênh đối thoại, tham vấn, đào tạo, huấn luyện, diễn tập chung và đặc biệt là hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Hai bên nhất trí cần tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, phấn đấu đưa hai nước trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều như đã đề ra tại Chiến lược Tăng cường hợp tác Kinh tế (EEES).
Úc mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số, các lĩnh vực công nghệ cao, gia tăng đầu tư vào lĩnh vực điện gió, đa dạng chuỗi cung ứng, đào tạo phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 của Úc.
Việt Nam đánh giá cao Úc đang triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác thiết thực nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục dành ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực như thúc đẩy bình đẳng giới, biến đổi khí hậu, môi trường và chuyển đổi năng lượng.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác về giáo dục, đưa lĩnh vực này tiếp tục là trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện; nhất trí tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho giao lưu nhân dân, hỗ trợ hợp tác giữa các địa phương, tăng cường quảng bá văn hóa nhằm nâng cao hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Việt Nam hoan nghênh Úc chia sẻ thông tin về những thay đổi trong chính sách thu hút sinh viên quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Úc; đề nghị Úc tiếp tục tạo điều kiện và không để những chính sách mới này ảnh hưởng đến tiến độ cấp thị thực cho du học sinh Việt Nam tại Úc.
Hai bên cũng trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm về các vấn đề chiến lược, an ninh khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai bên cho rằng, thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đang đứng trước những bước chuyển căn bản; các diễn biến gần đây như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột, khủng hoảng chính trị - xã hội ở nhiều nước, sự phân tách về kinh tế, công nghệ, và những biến động, rủi ro khó lường của kinh tế thế giới, đã và đang tác động nhiều đến an ninh và phát triển của các quốc gia, trong đó có Úc và Việt Nam.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác tại các diễn đàn đa phương như Liên Hiệp Quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+). Úc tái khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Úc khẳng định quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác hiệu quả với Tiểu vùng Mê Kông thông qua chương trình Đối tác Mê Kông - Úc (MAP) giai đoạn 2, tập trung vào các lĩnh vực biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần xây dựng khu vực Tiểu vùng Mê Kông tự cường, phát triển bền vững và bao trùm.
Hai bên nhất trí sẽ tổ chức Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng Việt Nam - Úc lần thứ 10 vào thời gian thích hợp tại Úc.
Bình luận (0)