Ông Rafael Grossi, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, hôm 27-8 phát biểu sau khi đến thăm nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Kursk của Nga, nơi lực lượng Ukraine đã xâm nhập vào ngày 6-8 và Nga vẫn đang nỗ lực đẩy lùi họ.
Theo hãng tin Reuters, ông Grossi nói rằng cơ sở kiểu RBMK - cùng mô hình với nhà máy Chornobyl ở Ukraine đã chứng kiến thảm họa hạt nhân dân sự tồi tệ nhất thế giới vào năm 1986 – thiếu mái vòm bao bọc và cấu trúc bảo vệ đặc trưng của các nhà máy điện hạt nhân hiện đại.
Ông Grossi cho biết điều này đồng nghĩa với việc lõi lò phản ứng chứa vật liệu hạt nhân chỉ được bảo vệ bằng một mái vòm thông thường, khiến nó cực kỳ dễ bị thiệt hại, ví dụ như trước tác động của pháo binh hoặc máy bay không người lái và tên lửa.
Ông Grossi cho rằng sẽ thật cường điệu khi so sánh Kursk với Chornobyl, nơi vụ tai nạn đã gây ra một vụ nổ chết người phun ra đám mây phóng xạ bao phủ một số vùng ở Đông Âu, nhưng chúng cùng một loại lò phản ứng và không có biện pháp bảo vệ cụ thể nào. Nếu chịu tác động, hậu quả có thể cực kỳ nghiêm trọng.
Trong phần lớn cuộc xung đột Nga-Ukraine, mối quan tâm chính của ông Grossi là sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại Ukraine, nơi lực lượng Nga đã kiểm soát trong những tuần đầu tiên của cuộc giao tranh. Kể từ đó, mỗi bên đều cáo buộc đối phương pháo kích vào nhà máy.
Sự chú ý chuyển sang nhà máy lớn thời Liên Xô ở Kursk sau khi Ukraine tiến hành cuộc tấn công 3 tuần trước. Giao tranh đã diễn ra trong phạm vi cách cơ sở này khoảng 40 km.
Trong số 4 lò phản ứng tại nhà máy, hai lò phản ứng cũ đã đóng cửa và một lò đã bị ngắt kết nối khỏi lưới điện hôm 25-8 để bảo trì, chỉ còn một lò vẫn đang hoạt động. Hai lò khác đang được xây dựng.
Ông Grossi đã cảnh báo cả Nga và Ukraine kiềm chế các hành động có thể gây ra tai nạn hạt nhân. Ông cho biết khi một nhà máy đang hoạt động, nhiệt độ cao hơn nhiều và nếu có trường hợp va chạm hoặc điều gì đó có thể ảnh hưởng đến nó, thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Bình luận (0)