xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ứng xử tử tế với đại dương

Bài và ảnh: HOÀNG PHÚC

Thay vì vứt rác xuống biển như mọi khi, ngư dân Quảng Bình đã thu gom lên tàu thuyền để đưa vào bờ. Việc thay đổi thói quen này đã góp phần làm giảm thiểu lượng rác thải trên biển và bảo vệ môi trường

Việc các loại rác thải xuất hiện ngày càng nhiều trên biển trở thành mối lo của không ít ngư dân. Bởi lẽ, họ hiểu rằng rác thải không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài hải sản mà còn phá hủy hệ sinh thái của đại dương.

"Chuộc lỗi" với biển cả

TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình có gần 1.500 tàu thuyền với hơn 4.600 ngư dân đang tham gia đánh bắt trên biển. Đồ dùng bằng nhựa để bảo quản lương thực, thực phẩm cho các chuyến ra khơi của ngư dân là rất lớn và trước đây, hầu như chúng bị vứt xuống biển sau khi sử dụng.

Ngư dân Lê Trung Lợi - chủ tàu cá ở xã Quang Phú, TP Đồng Hới - cho biết mỗi chuyến đi biển thường kéo dài 7-9 ngày nên tàu của ông phải chuẩn bị rất nhiều vật dụng đựng thức ăn, nước uống. Trước đây, theo thói quen, sau khi sử dụng xong, các loại bao bì, chai nhựa đựng thức ăn, nước uống… đều bị ngư dân thải ra biển. Việc này gây tổn hại môi trường và sự đa dạng sinh học biển, nhất là hệ san hô ở vùng đáy.

Từ tháng 8-2022, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quang Phú triển khai mô hình "Thu gom rác thải từ biển vào bờ và biến rác thành tiền", kêu gọi các tàu đánh bắt xa bờ thu gom lon, vỏ chai, bao bì nhựa đã qua sử dụng mang vào bờ, ông Lợi rất ủng hộ. Khi ra khơi, ông kêu gọi ngư dân trên tàu gom rác thải; về bến là giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã để phân loại, xử lý.

"Thu gom, phân loại rác thải trên tàu vừa giúp chúng tôi thay đổi thói quen vứt rác xuống biển vừa góp phần bảo vệ môi trường. Điều ý nghĩa là số lon, chai nhựa thu gom sau mỗi chuyến đi biển có thể bán, tạo quỹ hỗ trợ trẻ em khó khăn tại địa phương" - ông Lợi tâm đắc.

Tại cửa lạch Roòn ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - nơi tàu cá đánh bắt xa bờ cập bến, ngoài khoang tàu đầy hải sản, mỗi chiếc còn có những túi đựng đầy rác sinh hoạt sau những ngày lênh đênh trên biển.

Theo ngư dân Nguyễn Ngọc Dũng, chủ một tàu cá, mỗi năm tàu ông có khoảng 17-20 chuyến đánh bắt xa bờ. Lượng rác thải xuống biển của mỗi chuyến tàu không dưới 100 kg. Nếu tính tổng cộng đội tàu toàn tỉnh, lượng rác thải rất lớn, góp phần gây ô nhiễm đại dương.

Từ khi chính quyền Quảng Bình và nhiều cơ quan, đoàn thể kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường biển, ngư dân xã Cảnh Dương đã nhận thức được tác hại của việc xả rác. Sau mỗi chuyến biển, ngư dân đã mang toàn bộ rác thải vào bờ để xử lý nhằm bảo vệ biển, bảo vệ cho chính sự sống của mình.

Hai năm nay, mỗi lần ra khơi, cứ thấy rác thải nổi lềnh bềnh trên biển là ông Dũng lại chỉ huy ngư dân dùng vợt vớt lên tàu, rồi phân loại bỏ gọn vào bao để đưa vào bờ. Đây là thói quen mà ngư dân trên tàu của ông đã duy trì suốt thời gian qua để tránh gây ô nhiễm môi trường biển.

"Hành động này của anh em ngư dân xã biển chúng tôi như để "chuộc lỗi" với biển cả vì hành vi chưa đúng của mình nhiều năm qua" - ông Dũng bộc bạch.

Tàu cá của ngư dân xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đưa rác thải vào bờ

Tàu cá của ngư dân xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đưa rác thải vào bờ

Thu gom 50-60 tấn rác mỗi năm

Ông Nguyễn Ngọc Tiếp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương, cho hay địa phương hiện có hơn 520 tàu thuyền ra khơi đánh bắt. Từ khi xã được chọn làm đơn vị điểm triển khai mô hình "Thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ", ngư dân rất nhiệt tình hưởng ứng.

Mỗi chiếc tàu ở Cảnh Dương khi ra khơi được trang bị 2 bao tải lớn. Trong đó, 1 bao đựng rác thải có thể tái chế, 1 bao đựng rác không thể tái chế, cả 2 được cột chặt phía sau tàu. Khi tàu cập bến, chính quyền địa phương sẽ bố trí nhân lực, trang thiết bị hỗ trợ thu gom rác thải để đưa về điểm tập kết phù hợp.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có 6.229 tàu thuyền. Trong đó, khoảng 1.500 chiếc khai thác xa bờ; còn lại là những tàu thuyền công suất nhỏ, đánh bắt ở vùng lộng ven bờ. Mỗi năm, lượng rác thải bình quân khoảng 70-80 kg/tàu. Do vậy, lượng rác thải ước tính từ tàu cá khai thác xa bờ khoảng 80-100 tấn/năm. Theo thói quen, ngư dân thường thải trực tiếp lượng rác này xuống biển. Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, khiến hệ sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề.

Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết đến nay, hơn 700 tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh đã hưởng ứng việc thu gom rác thải khi ra khơi và địa phương sẽ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh thực hiện mô hình này. Hằng năm, ước tính toàn tỉnh thu gom được khoảng 50-60 tấn rác thải từ tàu cá, đưa về các điểm tập kết để phân loại, xử lý. 

Lan tỏa mạnh mẽ ý thức cộng đồng

Quảng Bình có bờ biển dài 116 km với diện tích vùng biển 595 km2. Từ tháng 12-2022, ngư dân các địa phương đã tham gia nhiều chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa, thu gom rác trên bờ biển và bảo vệ môi trường. Nhiều chiến dịch thu gom rác thải và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường biển đã được triển khai mạnh mẽ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Ninh, cho biết thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn và làm giảm rác thải ra biển, như chương trình "Đưa rác thải vào bờ" hay "Triệu phần quà san sẻ yêu thương"... Chỉ trong 3 tháng đầu tiên, các nhóm thực hiện - thuộc chi hội phụ nữ các thôn - đã thu gom được khoảng 7.500 lon, chai nhựa và khoảng 200 kg túi nhựa. Số lon, chai nhựa được các nhóm thu gom sau những chuyến tàu từ biển về đã bán được khoảng 20 triệu đồng, gây quỹ hỗ trợ trẻ em và phụ nữ nghèo.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo