Trước tình hình nắng nóng kéo dài ở khu vực Nam Bộ, trong đó có TP HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) đã đưa ra khuyến cáo bảo vệ sức khỏe, phòng các bệnh do mất nước gây ra.
Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể và tham gia vào nhiều chức năng quan trọng. Cụ thể, đầu tiên, nước là dung môi sống để các phản ứng hóa học và sự trao đổi chất diễn ra không ngừng trong cơ thể.
Nước hòa tan các khoáng chất và chất dinh dưỡng giúp cơ thể hấp thu, phục vụ hoạt động sống. Quá trình chuyển hóa của cơ thể sẽ tạo ra các chất dư thừa, chất độc. Nước giúp gan và thận bài tiết chất thải, đào thải độc tố; hỗ trợ điều hòa nhiệt độ cơ thể thông qua mồ hôi. Ngoài ra, nước còn duy trì chức năng bình thường của ruột, giúp thức ăn di chuyển dễ dàng trong đường tiêu hóa, làm trơn các khớp xương, giữ cho da đẹp…
Để lượng nước uống vào phù hợp, theo HCDC, trong điều kiện bình thường, một ngày cơ thể cần trung bình 2 lít nước.
Nhu cầu về nước trong những ngày nóng bức, trong khi lao động thể lực hay tập luyện thể dục thể thao, trong tình trạng bị sốt, phụ nữ đang cho con bú tăng đáng kể so với bình thường. Do đó, tùy theo thể trạng sức khỏe, tình hình hoạt động mà mỗi người cần uống đủ một lượng nước khác nhau, phù hợp từng ngày để bảo đảm lượng nước vào cơ thể vừa đủ.
HCDC cho biết có 3 loại nước nên uống gồm: Nước đã đun sôi; các loại trà thảo dược, thanh nhiệt (trà actiso, râu ngô, giảo cổ lam, hoa cúc, trà xanh…); nước ép trái cây.
Các loại nước nên hạn chế uống gồm: Nước ép trái cây đóng hộp; nước ngọt có gas; cà phê, nước uống chứa cồn, nước uống tăng lực. Những loại nước uống này ngon miệng và có cảm giác giải khát nhưng thực chất nó chứa thành phần axit, đường cao nên gây hại cho dạ dày, ảnh hưởng không tốt đến men răng và làm tăng nguy cơ béo phì.
Chất cafein có trong trà, cà phê làm tăng bài tiết canxi của cơ thể, gây mất nước và làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Nước uống tăng lực sẽ khiến bạn có cảm giác bồn chồn, tăng huyết áp, mất nước, gây hại cho dạ dày.
HCDC hướng dẫn có các biện pháp uống nước đúng cách. Cụ thể:
1. Uống từ từ, từng ngụm nhỏ, mỗi lần không nên quá 150-200ml. Tránh tình trạng uống quá nhiều nước một lúc sẽ khiến nước hấp thu nhanh làm máu bị loãng, cơ thể tăng bài tiết nước làm mất đi một số khoáng chất cần thiết.
2. Uống nhiều nước vào buổi sáng và giảm dần đến tối. Trước khi đi ngủ không nên uống nhiều nước vì sẽ dễ gây mất ngủ. Thời điểm uống nước tốt nhất là vào buổi sáng. Sau một giấc ngủ dài cơ thể bị mất nước thì một ly nước lọc là một giải pháp rất tốt để cung cấp nước và giải độc cho cơ thể.
3. Uuống đủ nước chứ không nên để lúc khát mới uống vì khi có cảm giác khát thì cơ thể đã mất đi một lượng nước khoảng 2-5%. Uống đúng cách là biết chia đều thời gian uống nước để bảo đảm cơ thể luôn đủ nước.
4. Không nên uống nước quá lạnh hoặc quá nóng. Nước có nhiệt độ khoảng 15-30°C là phù hợp. Uống nước quá lạnh sẽ khiến cho các vi mạch máu trong dạ dày, ruột bị co thắt và nếu uống thường xuyên sẽ làm giảm chức năng của ruột và dạ dày, dẫn đến dễ bị đau bụng thậm chí tiêu chảy. Nước nóng quá có thể khiến bị tổn thương niêm mạc thực quản, lâu dài sẽ rất nguy hiểm.
5. Không nên uống nước đun lại nhiều lần vì nước đun sôi nhiều lần sẽ khiến kết tủa lắng đọng. Những kết tủa này thường là các kim loại nặng có trong nước sẽ tích tụ trong cơ thể.
6. Nên uống nước trước khi vận động hoặc chơi thể thao để giúp cơ thể có được một lượng nước dự trữ vừa đủ, tránh tình trạng mệt mỏi, thiếu nước trong khi vận động. Trong quá trình vận động cần uống nước thường xuyên, không đợi cảm giác khát. Sau khi kết thúc, hãy dành khoảng 10 phút nghỉ ngơi rồi sau đó hãy uống nước.
Lưu ý là uống nhiều nước khi cơ thể vẫn chưa trở về trạng thái nghỉ ngơi bình thường, tim vẫn đang đập nhanh sẽ tạo thêm áp lực làm việc cho tim và làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác.
7. Không nên uống quá nhiều nước. Khi cơ thể phải tiếp nhận quá nhiều nước, thận làm việc không kịp sẽ làm cho chất khoáng trong máu bị pha loãng khiến cơ thể trở nên mệt mỏi và thậm chí là choáng, xỉu.
Bình luận (0)