icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ưu tiên cho du lịch bền vững, tài năng thể thao

NHÓM PHÓNG VIÊN

Với thị trường nội địa 100 triệu dân, cần xem du lịch nội địa là bệ đỡ. Hiện tỉ trọng du lịch quốc tế là 55%, trong nước khoảng 45%. Về lâu dài, tỉ lệ này cần cân đối 50 - 50 để Việt Nam có nền du lịch bền vững

Chiều 5-6, Quốc hội (QH) chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng. Vấn đề phát triển du lịch được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm, đặt chất vấn.

Chọn 12 tỉnh, thành để phát triển

Tại phiên chất vấn, ĐB Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng du lịch đêm là hướng đi cần phát triển nhưng sản phẩm còn đơn điệu, sản phẩm chưa đa dạng, đặc sắc để thu hút giữ chân du khách, trong khi tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội. Đề nghị bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này?

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết thực hiện Quyết định 1129 của Thủ tướng về phê duyệt đề án kinh tế đêm, Bộ VH-TT-DL đã chọn 12 tỉnh, thành phố phát triển một số sản phẩm du lịch đêm. Các địa phương này phát triển kinh tế, sản phẩm du lịch đêm theo mô hình phát triển các khu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí... Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhiều địa phương đã triển khai đề án phát triển kinh tế đêm, tập trung vào du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một số sản phẩm du lịch đêm nổi bật được các địa phương xây dựng như: "Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Tinh hoa đạo học", "Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm", "Đêm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình" , "Quận 1 - Sắc màu đêm"... Các loại hình văn hóa, phố đi bộ, ẩm thực đường phố… đáp ứng một phần nhu cầu của du khách.

Ưu tiên cho du lịch bền vững, tài năng thể thao- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cho rằng đây là vấn đề mới và khó bởi sản phẩm du lịch là sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành. Để giải bài toán phát triển kinh tế, du lịch đêm, theo Bộ trưởng, các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm phát triển kinh tế đêm. Cùng với đó, chính quyền cần có chính sách, chế độ cho những người tham gia (như diễn viên biểu diễn chương trình nghệ thuật, lực lượng bảo đảm an ninh trật tự...) và nghiên cứu phát triển thị trường. Việc này tránh tình trạng "không làm thì thiếu, làm xong lại bỏ", rất lãng phí. Ngoài ra, các địa phương cũng cần phối hợp với bộ trong phát triển một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa đặc thù để tăng trải nghiệm cho du khách. Ví dụ, các tỉnh có thể mở thêm các cửa hiệu mua sắm, sản phẩm ẩm thực... Bộ trưởng VH-TT-DL tin tưởng làm được những việc này thì sản phẩm du lịch đêm sẽ hấp dẫn hơn.

Về các giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch 6 vùng kinh tế theo nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, trong đó đều xác định các tuyến, trục, khu vực kết nối trong lĩnh vực du lịch, dựa trên kết nối giao thông là kết nối trọng yếu để phát triển các ngành dịch vụ khác. ĐBSCL có các sản phẩm du lịch lợi thế của vùng sông nước như: du lịch miệt vườn, sông nước; trải nghiệm về thiên nhiên, cảnh quan và văn hóa bản địa. Những sản phẩm này đang thu hút du khách, có thể phát triển và trở thành thương hiệu riêng, đặc sắc.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cho rằng thời gian tới cần liên kết, kết nối với TP HCM - điểm đầu tàu, liên kết giữa ĐBSCL với Đông Nam Bộ; liên kết các sản phẩm du lịch thông qua kết nối tour, tuyến và xây dựng các sản phẩm du lịch mới.

Theo Bộ trưởng, nhà nước sẽ định hướng về chủ trương; doanh nghiệp, người dân phát huy sáng tạo, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ các thương hiệu mà các tổ chức quốc tế đã vinh danh. Các địa phương cũng cần chú trọng thị trường nội địa 100 triệu dân, xem du lịch nội địa là bệ đỡ. Hiện tỉ trọng du lịch quốc tế là 55%, trong nước khoảng 45%. Về lâu dài, tỉ lệ này cần cân đối 50 - 50 để Việt Nam có nền du lịch bền vững.

Tiêu cực trong thể thao là nỗi nhức nhối

Theo ĐB Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình), thời gian qua, dư luận xôn xao trước hàng loạt vụ việc vận động viên (VĐV) thành tích cao, tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận tiêu cực trong thể thao là "nỗi nhức nhối" của ngành, song 2 vụ việc liên quan đến tiền ăn của đội bóng bàn và tiền của đội thể dục dụng cụ chỉ là cá biệt. Khi phát hiện, bộ đã kiên quyết xử lý nghiêm, không có ngoại lệ và đã kỷ luật hành chính, công khai thông tin. Đơn vị cũng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để xem xét dấu hiệu vi phạm, điều tra. Theo Bộ trưởng, bộ đã chậm nắm bắt vấn đề 2 vụ việc trên; và sau đó đã hoàn chỉnh quy định quản lý đội tuyển từ huấn luyện đến quản lý; tăng cường kiểm tra về chế độ, chính sách, bảo đảm công khai, minh bạch…

ĐB Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) nêu thực trạng đa số VĐV đều chung nỗi lo là làm gì sau khi giã từ sự nghiệp vì thời gian thi đấu đỉnh cao thường ngắn, chỉ số ít làm việc liên quan đến thể thao nên nhiều VĐV từ bỏ đam mê, vậy đâu là giải pháp lâu dài để bảo đảm tương lai cho VĐV, đặc biệt là VĐV gặp chấn thương?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, động viên VĐV thể thao thành tích cao, đào tạo, ưu tiên giải quyết việc làm, tiền thưởng, BHXH, ưu đãi học nghề... Tuy nhiên, để giải quyết việc làm có tính căn cơ cho VĐV còn khó khăn. Bộ đang đề xuất Chính phủ đánh giá tổng thể các chính sách vừa qua, tạo thuận lợi cho VĐV yên tâm thi đấu, hoạt động đúng sở trường lâu dài, bao gồm chính sách tiền lương, nhà ở và đào tạo nghề sau quá trình thi đấu. Bộ sẽ xây dựng thêm quy định về tuyển chọn, đào tạo tài năng, chỉ tiêu, tiêu chí tuyển chọn. Căn cứ vào các bộ môn thể thao thành tích cao của ASIAD, Olympic và thực tiễn, bộ đã chọn ra được 15 bộ môn để tập trung huấn luyện, đào tạo. Ở trung tâm đào tạo cấp trung ương quản lý, hằng năm có hơn 2.500 VĐV được đào tạo. Để nâng cao chất lượng VĐV, bộ đề xuất Chính phủ tập trung cho nghiên cứu khoa học thể thao, phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài. "Chúng ta phải ứng dụng công nghệ gien, phân tích gien để tuyển chọn VĐV đưa vào đào tạo" - ông Hùng nói.

Sáng nay, 6-6, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn, sau đó Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ làm rõ các vấn đề ĐB quan tâm và trả lời chất vấn của các ĐBQH. Buổi chiều, QH sẽ nghe tờ trình về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên và thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết của QH về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. 

Di tích, di sản bị khai thác quá mức

ĐB Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) nêu thực trạng du lịch di sản có bước phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nhiều di sản bị khai thác quá mức, nhất là dịp lễ hội đầu năm, làm "mất đi tính thiêng". Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng di sản cần được bảo tồn, phát huy nhưng không làm bằng mọi giá, không đánh đổi để thu hút du lịch. Chính quyền địa phương được giao quản lý di tích, di sản phải có chương trình hành động để bảo tồn, phát huy di sản. Các tỉnh cần tôn trọng các cam kết, phương án bảo tồn di tích, di sản sau khi đã được công nhận. Ngành du lịch cũng phải xây dựng được các sản phẩm gắn liền với di tích, di sản.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo