Xét đề nghị của Sở Nội vụ về sáng kiến, giải pháp khai thác đất nông nghiệp trong thời gian chờ triển khai quy hoạch trên địa bàn quận Bình Tân, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa thống nhất chủ trương thành lập Hội đồng Đánh giá đề án của quận này.
Tận dụng nguồn lực
Trước đó, UBND quận Bình Tân đã kiến nghị HĐND TP HCM, UBND TP HCM sớm xem xét, phê duyệt Đề án khai thác đất nông nghiệp trong thời gian chờ triển khai quy hoạch và Đề án khai thác hiệu quả đất ở thuộc dự án trong quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 trên địa bàn. Điều này nhằm góp phần hạn chế xây dựng không phép, sai phép, vi phạm đất đai.
Cơ sở kiến nghị là Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Kế hoạch 124/2022 của Thành ủy TP HCM về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM…
Theo kết quả thống kê đất đai quận Bình Tân năm 2022, diện tích đất nông nghiệp của quận là 857 ha, chiếm 16,49% tổng diện tích tự nhiên. Hiện nay, qua khảo sát sơ bộ, diện tích đất nông nghiệp còn rất nhiều. Trong thời gian nhà nước chưa thực hiện quy hoạch, nhu cầu của người dân về khai thác tạm rất lớn.
Tại đề án khai thác đất nông nghiệp, quận Bình Tân kiến nghị chấp thuận chủ trương cho phép xây dựng công trình tạm trên các thửa đất nông nghiệp có diện tích từ 2.000 m2 trở lên (người dân có đất liền kề có thể liên kết, hợp thửa đất nhỏ hơn 2.000 m2). Ngoài ra, cho phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, công trình tường rào trên đất nông nghiệp; xây dựng công trình phục vụ hoạt động thể thao, hồ bơi lắp ghép; công trình bãi giữ xe ngoài trời, bãi để máy móc.
Giảm nguy cơ nhũng nhiễu
Trong khi đó, theo Đề án khai thác hiệu quả đất ở thuộc dự án trong quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, quận Bình Tân có 90 dự án phát triển nhà ở, gồm 77 dự án nhà ở đã và đang đầu tư xây dựng; 13 dự án nhà ở đang lập thủ tục đầu tư chưa xây dựng, còn chậm triển khai. Số nền đất ở đang trống tại các dự án này khoảng 3.000.
Qua thực tế từ các cuộc tiếp xúc người dân, tiếp thu ý kiến cử tri, UBND quận Bình Tân nhận thấy khá nhiều người dân chưa có nhu cầu xây dựng theo đúng mẫu nhà được duyệt. Thời gian qua, không ít hộ dân tự ý xây dựng tạm trên nền đất ở thuộc khu quy hoạch, gây phức tạp cho tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Điều này cũng tạo nguy cơ một bộ phận cán bộ, công chức có thể nhũng nhiễu người dân.
Từ đó, quận Bình Tân kiến nghị chủ trương cho phép xây dựng công trình tạm đối với các nền đất thuộc quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 để thuận tiện trong công tác quản lý đất đai và vệ sinh môi trường. Việc xây dựng đi kèm với các điều kiện cụ thể.
Những lợi ích thấy rõ
Theo tìm hiểu, bên cạnh việc thống nhất chủ trương thành lập Hội đồng Đánh giá theo đề xuất của Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND TP HCM giao UBND quận Bình Tân chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất nhân sự tham gia hội đồng, trên cơ sở những quy định của Nghị định 73/2023 (khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung). Sau đó, gửi Sở Nội vụ để trình UBND TP HCM thành lập hội đồng.
Ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, cho biết theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM, đến nay đã có Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến về đề án đất nông nghiệp và đồng ý cử nhân sự tham gia hội đồng.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và Công an thành phố chưa cho ý kiến và cử nhân sự tham gia, UBND quận đã có văn bản gửi các đơn vị này để sớm tổng hợp, báo cáo UBND TP HCM.
"Ngoài ra, UBND TP HCM cũng đã có văn bản giao các sở, ngành nghiên cứu Đề án khai thác hiệu quả quỹ đất ở thuộc dự án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại quận Bình Tân... Trong thời gian người dân chưa có nhu cầu xây dựng theo đúng quy mô mẫu nhà quy định, việc cho phép khai thác tạm để kinh doanh, mua bán, tạo công ăn việc làm… cũng góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị" - ông Sử nhìn nhận.
TP HCM từng thí điểm
Năm 2020, UBND TP HCM có Công văn 3680/2020 hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 3 huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè trong 3 năm. Kết quả sơ kết một năm thực hiện thí điểm cho thấy 20 xã trên địa bàn huyện Củ Chi đã giải quyết 120 trường hợp xây dựng nhà giữ vườn; nhà màng, lưới; kho chứa vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trước đó, năm 2017, UBND TP HCM có Công văn 3818/2017 về xây dựng các công trình nhằm phục vụ sinh hoạt cộng đồng ngoài trời, không có mái che trên các khu đất trống không phù hợp quy hoạch xây dựng trên địa bàn. Từ công văn này, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đã giải quyết 75 công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng, bao gồm gần 40 công trình đã đi vào hoạt động. Trong đó, quận Bình Tân đã cấp phép xây dựng có thời hạn 10 công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng ngoài trời, giải quyết được một phần nhu cầu rèn luyện thể dục thể thao trong mọi lứa tuổi tại quận.
Tuy nhiên, năm 2022, chính sách trên bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp có ý kiến vì không đúng quy định pháp luật. Năm 2023, UBND TP HCM thống nhất với đề xuất của các sở về chấm dứt thực hiện 2 công văn 3680/2020 và 3818/2017.
Bình luận (0)