Nếu bất chợt nhìn vào những bức ảnh Bác Hồ treo trang trọng trong gian thờ tại nhà riêng của họa sĩ Trương Thanh Tú (179/4 Nguyễn Kế Xương, Q.Bình Thạnh-TPHCM), có lẽ nhiều người sẽ không kịp nhận ra đó là tranh vẽ. Và nếu không nói ra hẳn sẽ không ai biết người đã truyền thần vào những bức tranh ấy chưa một lần học qua trường lớp mỹ thuật nào, mà hành trang anh bước vào con đường nghệ thuật chỉ với một niềm đam mê trọn vẹn.
Ước vọng của một tấm lòng thành kính
Hơn 4 năm nay, họa sĩ Trương Thanh Tú vẫn âm thầm say mê trong từng nét vẽ chân dung Bác. Giữa bề bộn những công việc thường ngày, trong vai trò là chủ nhân của hai phòng tranh, Thanh Tú vẫn dành một khoảng thời gian để thực hiện ước vọng của mình: hoàn thành bộ sưu tập tranh về Bác.
Trước khi bắt tay vẽ chân dung Bác, Tú đã thử vẽ tranh chân dung và anh đã thực hiện thành công chân dung của một số lãnh tụ các nước Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Cuba..., theo yêu cầu đặt hàng của nhiều du khách nước ngoài. Và trong những khoảnh khắc chạm từng nét cọ chăm chút cho những bức vẽ truyền thần ấy, anh tự hỏi vì sao mình không một lần thử vẽ chân dung của Bác - vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta?
Ý tưởng này được Tú chia sẻ với họa sĩ thâm niên Phạm Văn Nam - người đã dõi theo suốt hành trình đến với nghệ thuật của anh. Lắng nghe chân thành và nhìn thấy ước vọng thực hiện tranh về Bác của Tú, họa sĩ Phạm Văn Nam bắt đầu cùng Tú nghiên cứu, tìm kiếm cách thể hiện. Thanh Tú cho biết: “Khó nhất là cân nhắc từng đường nét, làm sao để có thể phác họa được chân dung Bác trên khuôn tranh khổ 60 x 90 cm từ những bức ảnh khổ 4 x 6 cm mà cả hai thầy trò cùng tìm thấy trong các tập tư liệu. Cách chọn và phối màu cũng được hai thầy trò chăm chút - đầu tư kỹ lưỡng để có thể tạo ra gam màu thể hiện sự thiêng liêng, thành kính.
Bức vẽ đầu tiên là hình ảnh Bác thời còn trẻ. Suốt 2 tháng trời, Tú và họa sĩ Nam chăm chút từng đường nét thể hiện thần sắc của khuôn mặt và đôi mắt Bác. Bức tranh đầu tiên được hoàn thành trong sự lo lắng xen lẫn niềm vui sướng, tự hào và cả lòng tri ân thành kính của hai thầy trò. Họa sĩ Phạm Văn Nam chia sẻ: “Nhiều bức ảnh của Bác đã nhòe, không rõ nét, lại là hình đen trắng. Khó khăn nhất là việc đo đếm, cân nhắc từng đường nét, từng cơ mặt để thể hiện sao cho ra được thần thái của Người”.
Vậy là suốt bao nhiêu năm qua, hai thầy trò – hai tấm lòng cùng dành niềm đam mê, nhiệt tâm và cả lòng tri ân để vẽ nên những bức chân dung Bác.
“Sống với niềm đam mê là hạnh phúc”
Con đường lập nghiệp của họa sĩ Trương Thanh Tú không bằng phẳng. Thế hệ của Tú, những đứa trẻ lớn lên rồi lao vào vòng mưu sinh theo ngày tháng mà không có quyền được chạm tay vào mơ ước. Chàng trai trẻ Trương Thanh Tú ngày nào cũng bị cuốn vào dòng chảy ấy. Anh bắt đầu sự nghiệp là một người đi học việc, làm những công việc vụn vặt trong một cơ sở sản xuất đồ nội thất.
Gánh nặng mưu sinh không cho phép người ta sống trọn vẹn với ước mơ, nhưng niềm đam mê có đủ sức mạnh bung phá để đưa chân mỗi người đi theo một dòng chảy. Tú tình cờ được vẽ trang trí đồ nội thất, và rồi bàn tay khéo léo ấy đã được một bàn tay khác dìu dắt, hướng dẫn để có thể bước đi xa hơn trên con đường nghệ thuật.
Không muốn phô trương những việc mình làm, cũng không nói quá nhiều về những ngày đầu gian khó trên con đường của mình, họa sĩ Trương Thanh Tú chỉ chia sẻ: “Tôi biết mình đã phải nỗ lực rất nhiều để có được những bước đi vững vàng như ngày hôm nay. Vì thế tôi sẽ đi hết con đường đó. Được sống với niềm đam mê của mình là hạnh phúc”.
18 bức tranh sơn dầu đã được hoàn thành-18 khoảnh khắc bao dung, hiền hậu, uy nghiêm và nét đẹp thiêng liêng cao cả của Bác được thể hiện qua đôi mắt, qua nụ cười và cả những vòng tay yêu thương mà Bác dành cho các em thiếu niên nhi đồng. |
Trương Thanh Tú của hôm nay đã có thể tự do đi theo niềm đam mê của mình, đã có thời gian cho riêng mình để thực hiện những gì mà một thời khốn khó ngày xưa anh đã không dám nghĩ đến (là chủ nhân của hai phòng tranh và là một trong những họa sĩ chép tranh đắt khách hiện nay tại TPHCM). Mặc dù bộ sưu tập chân dung Bác Hồ nhận được nhiều lời khen chân thành từ các bạn bè họa sĩ, nhưng Trương Thanh Tú vẫn còn rất dè dặt, chưa dám công bố những thành quả được kết tinh bằng những tháng ngày miệt mài lao động nghiêm túc và được thổi bằng niềm đam mê của mình.
Nhưng nghệ thuật có tiếng nói riêng, tự bản thân nó có thể toát lên giá trị và sức mạnh. Những bức tranh của Tú vẽ chân dung Bác chưa một lần được triển lãm, giới thiệu đến công chúng, nhưng có người cũng đã tìm đến thưởng lãm. Với Trương Thanh Tú, đó là một hạnh phúc to tát mà anh đã nhận được từ cuộc sống-hạnh phúc đủ sức lan tỏa trong cuộc hành trình thầm lặng để anh có thể tiếp tục những bước đi của mình. Tú cho biết anh sẽ tiếp tục thực hiện tiếp những bức tranh về Bác để có được một bộ sưu tập, không chỉ là những bức chân dung mà còn là những hình ảnh đời thường của Bác.
Bình luận (0)