Hàng loạt đầu sách dạy làm người có nội dung “xào nấu”, nhảm nhí của một số nhà xuất bản (NXB) được bày bán tràn lan trên thị trường, không được các cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản kiểm tra nội dung ( Báo Người Lao Động đã phản ánh trên số ra ngày 24-10- 2005).Trong số các vụ sai phạm nghiêm trọng về nội dung của các xuất bản phẩm do các NXB trong nước xuất bản mà các cơ quan quản lý xuất bản xử lý thu hồi, từ trước đến nay, phần lớn do phát hiện của bạn đọc và báo chí phản ánh. Mỗi cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản đều có nhiệm vụ đọc xuất bản phẩm, thế nhưng, trên thực tế, công tác này gần như bị bỏ ngỏ.
Thù lao: 10.000 đồng/cuốn, không ai đọc
Theo Phòng Quản lý Xuất bản, Cục Xuất bản, mỗi năm số tựa sách xuất bản nộp lưu chiểu tại Cục Xuất bản là từ 18.000 đến 19.000 cuốn, con số này còn tăng lên từng năm. Tại TPHCM, chỉ tính riêng NXB Trẻ, mỗi năm, nộp lưu chiểu tại Sở VHTT TPHCM và Cục Xuất bản mỗi nơi từ 1.700- 1.800 đầu sách. Trong khi đó, tại Cục Xuất bản, đội ngũ đọc lưu chiểu chỉ có 15 người, chủ yếu là cộng tác viên, gồm các cán bộ lãnh đạo các NXB, đã nghỉ hưu. Riêng tại TPHCM, theo Phòng Quản lý Thông tin- Xuất bản, ngoài một vài cán bộ thuộc phòng này phải có trách nhiệm đọc lưu chiểu xuất bản phẩm, đội ngũ cộng tác viên gần đây không có ai. Lý do thù lao quá thấp (10.000 đồng/cuốn) nên không ai tham gia. Trong khi đó, để mời được một cộng tác viên có đủ năng lực, hiểu biết mọi mặt, đảm đương tốt công việc đọc lưu chiểu xuất bản phẩm là không phải dễ. Thù lao thấp là nguyên nhân khiến các cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản không tổ chức được đội ngũ cộng tác viên đọc lưu chiểu. Ngay ở Cục Xuất bản, thù lao khoán cho mỗi cộng tác viên đọc lưu chiểu mỗi tháng cũng chỉ 500.000 đồng, với chỉ tiêu mỗi người mỗi tháng phải đọc 30 cuốn sách. Do vậy, Cục Xuất bản chỉ có thể sử dụng đội ngũ những người làm công tác xuất bản đã nghỉ hưu và công việc của họ chỉ là xem và phát hiện những sai sót có tính chất kỹ thuật, còn đọc nội dung từng cuốn sách hầu như không đảm đương nổi. Như vậy mỗi năm có đến hàng chục ngàn đầu sách phát hành không qua kiểm tra nội dung lưu chiểu. Điều này đã lý giải vì sao không ít những xuất bản phẩm, sau khi phát hành trên thị trường một thời gian bị dư luận lên tiếng phê phán về nội dung sai phạm, cơ quan quản lý Nhà nước lúc đó mới vội vàng ra quyết định xử lý, thu hồi.
Không đọc lưu chiểu làm sao tăng cường hậu kiểm?
Luật Xuất bản có hiệu lực thi hành từ tháng 7- 2005 cho phép giám đốc các NXB tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung các xuất bản phẩm của mình, đồng thời quy định tăng cường công tác hậu kiểm của các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng, trong đó có công tác đọc lưu chiểu. Hơn bao giờ hết, công tác quản lý hoạt động xuất bản hiện nay đòi hỏi khâu lưu chiểu phải được thực hiện nghiêm túc, nhằm ngăn chặn kịp thời các xuất bản phẩm có nội dung vi phạm, không phù hợp trước khi phát hành trên thị trường. Điều này bắt buộc các cơ quan quản lý chức năng phải có một đội ngũ cộng tác viên đủ sức đảm đương nhiệm vụ nặng nề này. Để đọc hết 19.000 đầu sách trong một năm đòi hỏi đội ngũ đọc lưu chiểu phải có ít nhất khoảng 60 người, với cường độ đọc mỗi ngày một cuốn.
Theo Phòng Quản lý Xuất bản, Cục Xuất bản, hiện nay chưa có thông tư liên bộ VHTT và Tài chính quy định mức thù lao phù hợp cho đội ngũ đọc xuất bản phẩm lưu chiểu này nên chưa thể giải quyết được gì cho công tác đọc lưu chiểu đang bất cập hiện nay. |
Bình luận (0)