Hồi đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp bắt đầu khai thác vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng xáng đào kinh, bằng lập điền tây. Tầng lớp đại điền chủ mau lẹ phất lên làm giàu nhờ ruộng lúa cò bay thẳng cánh, nhờ cho vay nặng lãi “cinq six, dix douze”. Mười lăm đại điền chủ đứng đầu trong tỉnh Bạc Liêu là vài người Việt Nam bên cạnh đa số là người Tàu và tám người Pháp. Hội đồng Trạch - Trần Trinh Trạch - chiếm số một với 110.000 mẫu ruộng và nhiều sở ruộng muối nữa (...). Báo Le Courrier Saigonnais năm 1932 đăng tin cái ngông của cậu Ba Huy sau ba năm học bên Tây trở về. “Ông Trần Trinh Huy, điền chủ Bạc Liêu sắm máy bay và làm sân đáp trong điền của ông tại Cà Mau”.
Qua truyện dài tư liệu Công tử Bạc Liêu, người đọc ngạc nhiên khi được biết “có những công tử Bạc Liêu dưới một dạng khác hẳn”. Những công tử này cũng con đại điền chủ nhưng khác hẳn cậu Ba Huy. Theo nhà báo kỳ cựu Thiếu Sơn, đây là “những nhà giàu muôn hộ trọng nghĩa khinh tài”. Như Cao Triều Phát - con Đốc phủ Cao Minh Thạnh. Hay Phan Kim Cân - em rể Ba Huy. Cũng trong dạng này có ký giả Lê Trung Nghĩa, quê Giá Rai, con quan Thượng thư Lê Minh Điểu triều vua Duy Tân, người vạch trần vụ cướp đất gia đình Biện Toại (vụ án Nọc Nạng). Dân Bạc Liêu cũng thường nhắc đến họa đồ Lý (Tào Tỵ), người An Nam dám đánh cò Tây, người về sau đưa Cao Triều Phát và Phan Kim Cân tham gia Mặt trận Việt Minh.
Sau những tác phẩm Người Bình Xuyên, Đệ nhứt cù lao... nhà văn Nguyên Hùng viết truyện dài tư liệu Công tử Bạc Liêu tái hiện con người và sự kiện nơi vùng sông nước miền Tây. Chính xác hơn là giúp người đọc hiểu thấu xã hội miền Nam dưới thời chế độ thuộc địa mười mấy năm trước Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Bình luận (0)