Ông Trần Khang Hộ, người làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam, bạn học thuở nhỏ của nhà văn Nam Cao, con cụ Ký Lân – thầy dạy của nhà văn Nam Cao và một số cụ cao niên khác có kể câu chuyện sau:
Hồi ấy, ở làng Đại Hoàng có cô Trần Thị Nở, con ông Phó Kính - ông này làm nghề đóng cối xay nên gọi là phó. Thị Nở xấu xí, tính dở hơi, rất hay cười nên ông mới đặt tên là Trần Thị Nở.
Thị Nở chỉ biết làm việc vặt trong nhà và nhặt cỏ vườn. Thị Nở thường làm bạn với cái chép cùn (có nơi gọi là cái dầm). Tính thị dở hơi, rất vô tâm, sờ vào việc gì được một lúc là lăn ra ngủ, bất kể là đâu. Thôi thì chân đống rạ, gốc chuối, bờ ao…
Có lần bà ngoại nhà văn Nam Cao (bà Vân) sai thị đi kín nước về ngâm sợi, mãi không thấy thị về, cho người đi tìm, thì ra thị đang ngủ ở gốc chuối. Người làng ai cũng cười cái tật xấu ấy của thị. Người ta kể cái “tài gia chánh” của thị như sau: Ông bố chồng của thị (ông Quản Dung) thường xuyên rày la thị về tội để cơm sống, cơm khê. Những khi ấy, Thị Nở vênh mặt lên cãi lại bố chồng: “Sống đâu mà sống, chỉ hơi sường sượng thôi mà!”.
Tuy thị xấu và dở hơi như vậy nhưng thị vẫn có chồng. Chồng thị là anh Đào. Anh này cùng cảnh làm thuê như Thị Nở. Nhà nghèo lắm, phải mua chức trùm. Thị Nở có ý vênh vang ra phết. Anh chồng thì nai lưng ra làm để giả nợ. Ăn ở với nhau được một thời gian thì thị sinh cho Đào một đứa con trai đặt tên là Trần Bá Xuyên. Năm 14, 15 tuổi gì đó, Xuyên vào Sài Gòn theo người làng đi tìm chú là ông Ba Lễ, rồi mất ở Sài Gòn lúc còn trẻ.
Khi đã có gia đình rồi, Thị Nở vẫn còn làm thuê cho bà ngoại Nam Cao. Nhà văn Nam Cao gọi Thị Nở là dì, còn Thị Nở gọi nhà văn là cháu.
Chuyện Thị Nở ở làng Đại Hoàng là có thật. Nhưng với tài hư cấu của nhà văn, ông đã cho ra đời một Thị Nở có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam.
Nhờ có Thị Nở mà “Chí Phèo” mới nổi tiếng, mới sống mãi trong lòng người đọc. Cũng nhờ có Thị Nở và Chí Phèo mà tên tuổi nhà văn Nam Cao đã tỏa sáng trên bầu trời văn học Việt Nam.
Bình luận (0)