Có một người bạn kể với tôi với giọng rất bức xúc: Ở một nhà hàng trên đường Kỳ Đồng, anh gặp một giọng hát dân ca rất trứ danh, nhưng hát ở chỗ không ra làm sao cả. Có còn sân khấu nào tử tế cho những giọng ca như chị? Anh hỏi, và tôi cũng không biết trả lời ra sao. Ca nhạc dân tộc bây giờ có còn ai nghe, có còn ai yêu mến?
Kiếm sống để giữ lấy nghề
Khi nói đến ca nhạc dân tộc, người ta thường nghĩ ngay tới Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen. Đây là một đơn vị hoạt động nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc duy nhất của TPHCM có đầu tư và có trình độ nghệ thuật tầm cỡ quốc gia. Gần đây, Bông Sen đã có những nỗ lực tìm đến với công chúng bằng những buổi diễn ở Cà Mau, Côn Đảo, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre... Nhưng việc tìm được công chúng riêng cho nhà hát vẫn còn là nỗi băn khoăn của các nhà quản lý.
Tuyết Mai - một nghệ sĩ đàn tam thập lục và đàn T’rưng nổi tiếng của Bông Sen - đã trò chuyện với tôi: “Trong tình hình đời sống nghệ thuật đang trong cơn bão táp của cơ chế thị trường, giới nghệ sĩ biểu diễn ca nhạc dân tộc quả là đang gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải “tự thân vận động” thôi. Để kiếm sống, chúng tôi đêm đêm đến biểu diễn ở các nhà hàng, khách sạn”. Khi hỏi về công chúng của ca nhạc dân tộc hiện nay là ai, Tuyết Mai cho biết: “Đó chính là khách du lịch nước ngoài, họ rất yêu thích và ngưỡng mộ nền âm nhạc cổ truyền Việt
Nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng Phương Bảo - Trưởng Bộ môn Dân tộc của Nhà hát Bông Sen - cũng phải mở cửa hàng bán nhạc cụ dân tộc để có thể theo đuổi nghệ thuật. NSND Đỗ Lộc cũng đành tìm cuộc mưu sinh ở Công ty Du lịch Sài Gòn. Nói chi đến Phương Thùy, diễn viên đàn tranh mới ra trường, phải đi đánh đàn kiếm sống ở Khu Du lịch Bình Quới, nhưng mỗi tuần cũng chỉ được hai đêm.
Nhóm Phù Sa, một trong những nhóm ca nhạc dân tộc kỳ cựu còn sống sót đến nay, cũng lâm vào cảnh sống vất vả. Theo nhạc sĩ Nguyễn Đình Long - trưởng nhóm: “Nhóm Phù Sa chỉ xuất hiện bề thế ở các sô truyền hình, còn hàng đêm phải xé lẻ ra cho các em diễn ở các nhà hàng như Việt Nam House, Hội An, Bảo Quốc... để nuôi quân, chờ thời”.
Nghề ấy còn ai ham?
“Phải thật yêu nghệ thuật lắm gia đình mới cho các em theo học bộ môn nhạc cụ dân tộc...”. Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng - giảng viên Nhạc viện TPHCM - đã nhận định như thế và chị giải thích: “Các em phải học ít nhất 4 năm cơ bản, rồi sau đó là 5 năm đại học, và mất nhiều năm nữa mới thành danh... vậy mà nghề chẳng nuôi được người yêu nghề!”.
Nhóm nhạc gõ Phù Đổng vang danh một thời bây giờ cũng tan rã, họ đi sưu tầm và lập bảo tàng nhạc cụ dân tộc, chỉ truyền nghề đàn hát dân tộc cho con cháu trong nhà với tên gọi nhóm nhạc gõ Phù Đổng 2.... Nhưng có mấy gia đình yêu mến và sống chết với âm nhạc dân tộc đến vậy, nếu không có nghề làm bánh của gia đình hỗ trợ với thương hiệu nổi tiếng là Bảo Hiên Rồng Vàng?
Trong bối cảnh chập chờn từng đêm diễn ít ỏi của hoạt động ca múa nhạc dân tộc, có một nơi sáng đèn đêm đêm, đó là sân khấu nhà hàng của khách sạn Mondial. Nhóm ca nhạc dân tộc Âu Cơ sống khỏe với lương do Công ty Du lịch Việt
*
**
Hãy thông cảm cho những người hát rong bất đắc dĩ ở các nhà hàng, quán nhậu đêm đêm. Bởi ở đó, còn là nơi nương tựa để họ có thể “sống chết” với nghề. Điều mà chúng ta lo lắng không chỉ là còn có ai là người tri kỷ, kẻ tri âm với bộ môn ca nhạc dân tộc, mà còn âu lo cho âm sắc, giai điệu của hồn dân tộc có luôn được trường tồn, trong khi lớp kế thừa gìn vàng giữ ngọc cứ vơi dần đi theo cuộc mưu sinh khắc nghiệt của đời thường?
Bình luận (0)