xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ai thu tác quyền từ karaoke cho ca sĩ?

HÒA BÌNH

Mấy chục ngàn bản ghi âm, ghi hình của ca sĩ đang được khai thác tại các cơ sở kinh doanh karaoke nhưng chưa ca sĩ nào nhận được một đồng phí tác quyền

Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) quyết định triển khai thu phí tác quyền. Cụ thể, đó là quyền liên quan đối với hơn 10.000 bản ghi âm, ghi hình tác phẩm âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, các địa điểm kinh doanh dịch vụ ca hát có sử dụng thiết bị karaoke trên cả nước (Báo Người Lao Động số ra ngày 29-3 đã phản ánh). RIAV bảo vệ quyền của các đơn vị thành viên, vậy còn ca sĩ thì sao?

Chưa nghĩ tới quyền của ca sĩ

Theo dữ liệu thống kê từ các nhà sản xuất thiết bị hát karaoke, con số 10.000 bản ghi thuộc RIAV chỉ là một phần nhỏ so với vài chục ngàn ca khúc Việt đang được sử dụng để kinh doanh karaoke. Những năm gần đây, nhiều ca sĩ tự đứng ra làm nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình của chính mình. Vì thế, số lượng lớn ca khúc sử dụng kinh doanh karaoke vi phạm bản quyền bản ghi âm và ghi hình chủ yếu là của cá nhân nghệ sĩ.

Phần lớn bản ghi âm, ghi hình sử dụng cho dịch vụ karaoke là có tác quyền của ca sĩ với tư cách nhà sản xuất Ảnh: VINAKARAOKE
Phần lớn bản ghi âm, ghi hình sử dụng cho dịch vụ karaoke là có tác quyền của ca sĩ với tư cách nhà sản xuất Ảnh: VINAKARAOKE

NSND Thanh Hoa ấm ức: “Chẳng hạn các ca khúc “Tàu anh qua núi”, “Làng lúa làng hoa”…, người ta sử dụng bản phối của chúng tôi, thậm chí tham khảo cả giọng hát của tôi để làm mẫu cho khách chứ không phải chỉ sử dụng phần nhạc. Nhưng suốt mấy chục năm nay, người kinh doanh karaoke thì hái ra tiền, còn nghệ sĩ chúng tôi có nhận được đồng nào đâu?”.

Theo nhiều ca sĩ, xã hội vẫn nghĩ nghệ sĩ đi hát là có tiền chứ không quan tâm họ đã đầu tư bao nhiêu chất xám và tài chính khi thực hiện các sản phẩm sáng tạo nghệ thuật đó. Mỗi video ca nhạc, ca sĩ đầu tư vài trăm triệu đồng, có khi lên đến tiền tỉ nhưng vẫn chưa có cách nào thu hồi vốn. Không thu hồi được vốn thì làm sao có thể tái đầu tư?

Nếu các đơn vị kinh doanh như nhà hàng karaoke với một thị trường lớn hiện nay thực hiện nghiêm túc việc trả phí tác quyền bản ghi âm, ghi hình cho ca sĩ, đó sẽ là nguồn thu lớn giúp ca sĩ tái đầu tư để tiếp tục sáng tạo những sản phẩm mới phục vụ công chúng.

Nhiều ca sĩ khi được hỏi có lần nào nhận được tiền tác quyền về quyền liên quan của mình trong các sản phẩm âm nhạc đang được khai thác kinh doanh hay không, họ đều cho biết chẳng bao giờ nghe nói đến điều này. Họ cũng không quan tâm điều này vì “chẳng thể làm gì”.

Trách nhiệm thuộc ai?

Hiện nay, có ít nhất 3 tổ chức có chức năng, quyền hạn quản lý tập thể quyền tác giả là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), RIAV và Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA). Thế nhưng, quyền của ca sĩ trong các bản ghi âm, ghi hình thì không ai bảo vệ.

Hiện là Chủ tịch APPA, NSND Thanh Hoa khẳng định đòi quyền lợi cho ca sĩ - nghệ sĩ chính là trách nhiệm của hiệp hội này. Tuy nhiên, APPA còn rất non trẻ, mới được thành lập khoảng một năm, đang ở giai đoạn kiện toàn bộ máy, tổ chức, quy định, quy chế để thực sự đi vào hoạt động.

“Việc thực hiện luật bản quyền, hướng tới ý thức cho người sử dụng tác phẩm âm nhạc là tốt. Thế nhưng, lĩnh vực bản quyền của Việt Nam còn quá non trẻ nên công việc bảo vệ quyền cho nghệ sĩ càng ít người nghĩ tới hơn. Công chúng và các đơn vị kinh doanh cũng chưa hiểu hết quyền và nghĩa vụ của mình trong việc khai thác, sử dụng ca khúc. Vì thế, nếu cùng lúc các bên đều đi đòi quyền lợi theo cách thức riêng và chỉ chú trọng quyền lợi của bộ phận mình thì sẽ khiến người sử dụng phát mệt do các loại phí khác nhau. Do vậy, cần một cái nhìn tổng quan, cần sự kết nối, phối hợp, tương tác giữa các tổ chức này để việc thu tiền tác quyền tác giả và các quyền liên quan có thể chặt chẽ, khả thi hơn” - NSND Thanh Hoa nhìn nhận.

Chung tay thực hiện

Mới đây, Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức hội nghị về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan. Tham gia hội nghị có VCPMC, RIAV, APPA, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) và Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO).

Trong đó, VCPMC, RIAV và APPA đã ký kết hợp tác chung về việc triển khai thực hiện các hoạt động cấp phép, thu, phân phối tiền bản quyền từ khai thác, sử dụng kinh doanh và các quyền liên quan; cùng nhau xây dựng phần mềm quản lý hệ thống hoặc cơ sở dữ liệu tác giả, chủ sở hữu, tác phẩm…

Cụ thể, VCPMC đại diện, thay mặt RIAV và APPA tổ chức đàm phán cấp phép, thu tiền bản quyền đối với trường hợp bản ghi âm, ghi hình được khai thác sử dụng; phân phối khoản tiền bản quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc được ủy quyền. RIAV phân phối khoản tiền bản quyền sử dụng bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm âm nhạc được ủy quyền; còn APPA phân phối khoản tiền bản quyền biểu diễn tác phẩm âm nhạc được ủy quyền.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, cho rằng với việc ký kết chương trình phối hợp này, vấn đề thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đã tiến thêm một bước. Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, đây là một giải pháp quan trọng, đột phá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thời gian qua liên quan đến thu và phân phối tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng lại bản ghi âm, ghi hình dưới các hình thức phát sóng tại các nhà hàng, cơ sở kinh doanh karaoke, trên môi trường mạng internet…

Thu - chi phải khoa học, công bằng

Một vấn đề khác đang được đặt ra khi thực thi tác quyền ở lĩnh vực kinh doanh karaoke là việc thu, trả phí tác quyền như thế nào cho khoa học và công bằng. Thực tế, khảo sát ở các cơ sở kinh doanh karaoke cho thấy có ca khúc không mấy người hát; ngược lại, có những ca khúc lượt người hát lên đến hàng trăm ngàn/năm thì không thể thu phí và chi trả tác quyền như nhau.

Gần đây, nhiều nhà sản xuất đầu máy karaoke đã gắn thiết bị đo đếm lượt hát để khảo sát thị trường và nhu cầu khách hàng. Đây là cách đo đếm chính xác, có thể ứng dụng để giúp các đơn vị thu phí và trả phí tác quyền trong lĩnh vực này thực hiện khoa học, công bằng hơn. Cách thu phí theo mức khoán đổ đồng 2.000 đồng/bài/đầu máy/năm như của RIAV đang triển khai là không hợp lý.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo