Phóng viên: Sớm thành công từ những năm tháng tuổi trẻ, chị có thể kể thêm với độc giả về lần đi thi quốc tế và đoạt giải?
- Nghệ sĩ Ái Vân: Năm 1981, tôi là ca sĩ Việt Nam đầu tiên đoạt giải Grand Prix tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế Dresden (Đức) với ca khúc “Bài ca xây dựng” và bài hát tiếng Đức “Mặt trời chưa bao giờ mọc như thế”. Thực ra, hồi đó đi thi trong tâm trạng chỉ để “cọ xát”, ai ngờ cuối cùng tôi đoạt Giải thưởng lớn và Giải khán giả yêu thích. Năm sau, tôi lại được mời sang Dresden để hát khai mạc cho liên hoan âm nhạc chuyên nghiệp này.
“Khất nợ” những trang trắng cuộc đời
Nhiều trái tim đã rung động vì những ca khúc Ái Vân thể hiện. Không chỉ ca hát, chị còn đóng phim và gây ấn tượng với vai chính trong “Chị Nhung”. Thế nhưng, đột ngột một ngày chị dứt áo ra đi, vì sao?
- Chấp nhận mang “cái tiếng để đời” là vượt biên, suốt một thời gian rất dài, tôi không thể tham gia bất cứ chương trình nghệ thuật nào. Tôi còn gánh chịu quá nhiều thứ tai tiếng khác, ngay cả những việc mà mình không hề nhúng tay. Tuy nhiên, đã lựa chọn rồi, tôi không hối hận.
Tháng 1-1990, tôi sang Đông Đức tham gia một chương trình học tập đạo diễn sân khấu. Không ngờ, bước ngoặt lịch sử - bức tường Berlin sụp đổ - đã làm chấn động cuộc đời nghệ sĩ của tôi. Tháng 2-1990, quyết định vượt tường chạy sang Tây Đức đã khiến tôi không còn đường trở lại. Tôi ở Đức 4 năm rồi sang Mỹ và định cư tại đó cho tới giờ.
Nguyên do sự ra đi của tôi hoàn toàn chỉ là bi kịch cá nhân. Nó quá khủng khiếp, đau đớn và nhục nhã mà tôi không có cách gì chạy thoát được, trừ khi đi hẳn như thế.
Trong cuốn tự truyện “Để gió cuốn đi” đã hoàn thành, chính tôi đã quyết định xóa hơn 8.000 từ, từ trang 242 đến 248, những trang đau đớn nhất, chính là nguyên nhân khiến tôi phải rời xa Tổ quốc. Tôi xin phép “khất nợ” độc giả về những trang trắng này. Tôi đã viết nhưng thấy không thể công bố điều đó vì sợ cho những người liên quan. Và con trai tôi, cho dù giờ đã lớn nhưng cháu vẫn chưa đủ sẵn sàng để biết sự thật đau đớn ấy. Xin cho cháu một chút bình yên. Tôi cũng xin gửi lời tạ lỗi đến bố mẹ, đến người thân vì tôi rất sợ những người thương yêu mình sẽ cảm thấy đau lòng.
Tất nhiên, quyết định ra đi là quá khó khăn, cánh cửa rất hẹp để tôi lách qua, chẳng hề biết phía trước sẽ là gì, không gia đình, không người thân thích, không tương lai, không bến đợi...
Ái Vân ký tặng sách cho người hâm mộ. Ảnh: HÒA BÌNH
Chị có nghĩ rằng độc giả nghe chị bộc bạch “nửa chừng” thế này sẽ không hiểu, lại cho là Ái Vân “đắc nhân tâm”? Đến khi nào chị sẽ kể hết sự thật cuộc đời mình?
- Tôi chưa thể hứa trước... Cho dù phải đối mặt những suy xét thiếu tích cực, tôi nghĩ mình không thể sống đời của người khác mà phải sống bằng chính đời sống của mình. Hơn nữa, đã là người của công chúng thì phải chấp nhận sự đa chiều của dư luận thôi. Không thể mong cầu mọi người đều hiểu và thông cảm với mình.
Không muốn mọi người thất vọng
Quyết định ra đi lúc ấy đã “giết chết” hình ảnh Ái Vân ngây thơ, dịu dàng, nhẹ nhàng, trong trắng?
- Tôi thực sự đã đổi khác. Lúc ấy, tôi bị thương tích trầm trọng về tâm hồn. Bước chân vào cuộc sống mới khi đã bị thương quá nặng, tôi trở nên ngập ngừng, mong manh, mẫn cảm, như chim sợ cành cong mỗi khi nghĩ tới việc phải bước thêm bước nữa. Suốt thời gian rất dài, tôi phải nỗ lực từng chút để tìm lại chỗ đứng cho mình, ở những nơi người ta chưa hề biết tôi là ai, bắt đầu lại từ con số 0 tròn trĩnh.
Đến giờ, tôi vẫn vô cùng biết ơn khán giả vì đã luôn dang rộng vòng tay đón tôi. Không còn Ái Vân của nhạc nhẹ nữa mà là Ái Vân hát dân ca, hát những bài trước đây tôi chưa từng hát. Nhớ nhà, những làn điệu dân ca khiến quê hương tái hiện. Giọng hát của tôi đã được hồi sinh nhưng với dòng nhạc khác.
Chị có khi nào bùi ngùi so sánh, tiếc nuối cho thành công và hào quang lúc trước?
- Trước năm 1990, tôi có tuổi trẻ, bạn bè, trường lớp, học hành, kiến thức. Hồi đó, thế mạnh là sự ngây thơ, tuy đơn sơ và nhiều khó khăn nhưng tuổi trẻ có được nhiều tìm tòi trong cuộc sống. Tôi đến với âm nhạc và phim ảnh bằng bản năng hồn nhiên là chính, rất may là có những thành công nhất định.
Giai đoạn sau 1990 thì hoang mang, dò dẫm, không biết mình được tồn tại, hành nghề và đón nhận thế nào. Thế nhưng, giai đoạn này thì tư chất nghệ sĩ lại chín hơn, trầm hơn; những bước đi của tôi tuy rất khó khăn nhưng lại chắc chắn hơn. Tôi đã thực hiện được những ước mơ nghệ thuật, kể cả điên rồ nhất.
Tôi luôn cảm ơn cuộc đời, ngay cả những thử thách bất đắc dĩ, vì chúng đã khiến tôi hiểu ra nhiều giá trị của cuộc sống. Ngay cả với người đã mang lại cho tôi quá nhiều khổ đau hồi đó, giờ tôi vẫn cảm ơn vì đã nuôi con trai tôi khôn lớn.
Hoàn thành cuốn hồi ký, cùng lúc chị vừa tuyên bố quyết định chấm dứt con đường nghệ thuật?
- Tôi thực sự đã suy nghĩ rất kỹ. Là nghệ sĩ, ai chẳng muốn hát đến hơi thở cuối cùng. Người ta sẽ ca ngợi những ca sĩ “chết” trên sân khấu. Nhưng bây giờ, mỗi lần chuẩn bị bước lên sân khấu, tôi stress lắm. Để đầu tư thực sự kỹ càng cho từng tiết mục thì về nội dung đã đau đầu rồi, chưa kể hình thức nữa. Hát cái gì, mặc cái gì, truyền thông thế nào... Mà tôi tự thấy mình kém mấy khoản đó lắm. Tôi biết giọng mình yếu và sợ bị khan tiếng, không muốn làm mọi người thất vọng. Trên hết, tôi không còn thích ánh đèn sân khấu nữa.
Bây giờ, tôi muốn dừng chân nghỉ ngơi. Đã là ý nguyện rồi nên các chương trình trong và ngoài nước mời gọi, tôi đã nhất quyết từ chối. Tôi nghĩ mỗi người sinh ra đã có một con đường, muốn đòi hơn cũng không được, muốn bớt đi cũng chẳng xong. Hãy vui với những gì mình có, đến lúc dừng thì dừng thôi.
“Tôi luôn cảm ơn cuộc đời, ngay cả những thử thách bất đắc dĩ vì chúng đã khiến tôi hiểu ra nhiều giá trị của cuộc sống”.
Nghệ sĩ Ái Vân
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-5
Bình luận (0)