Hội thảo khoa học "Âm nhạc dân tộc với cuộc sống hôm nay" do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tổ chức sáng 9-8 tại TPHCM đã nghe 11 tham luận của các đại biểu trình bày về thực trạng âm nhạc dân tộc và kiến nghị những giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy nền âm nhạc dân tộc trong bối cảnh hội nhập văn hóa hiện nay. Đa số đại biểu đều cho rằng bên cạnh các giải pháp giáo dục, vai trò của truyền thông được xem là quan trọng nhất trong việc quảng bá âm nhạc dân tộc đến giới trẻ.
Thưa vắng người nghe, mất dần bản sắc
Thật vậy, trong thời đại giao lưu, hội nhập như hiện nay, giới trẻ có điều kiện tiếp xúc dễ dàng với các nền văn hóa khác, nhất là từ các nước phương Tây hay mới đây là Hàn Quốc, họ chuộng nhạc ngoại, từ đó thần tượng ngôi sao đến mù quáng.
Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, khẳng định âm nhạc nước ngoài đang lấn át âm nhạc truyền thống tạo nên sự mất cân đối trầm trọng, khán giả trẻ ngày càng hâm mộ nhạc ngoại, thờ ơ với nhạc dân tộc. Trong khi giới trẻ mới chính là người tiếp nhận và góp sức bảo tồn thì họ lại tạo cơ hội cho nghệ thuật ngoại lai chiếm lĩnh thị trường.
Song, sự mất dần chỗ đứng của âm nhạc dân tộc cũng là hệ quả mang tính tất yếu vì lợi nhuận. TS Văn Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP HCM nêu thực trạng mà theo bà là nhức nhối về hoạt động âm nhạc tại TP HCM trong vài năm trở lại đây: "Nhiều ca sĩ nhạc nhẹ trở thành nạn nhân của những nhà đầu tư, kinh doanh nghệ thuật sử dụng chiêu trò xì-căng-đan. Yêu cầu khai thác lợi nhuận đã bẻ cong năng lực thực chất của các tài năng. Dòng nhạc nhẹ như miếng mồi ngon, được các nhà đầu tư nghệ thuật tự do khai thác trục lợi". Điều đó càng khiến dòng âm nhạc truyền thống trở nên lạc lõng và bơ vơ.
Biến dạng, mất chất
Sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai càng làm cho hồn cốt của văn hóa Việt mờ dần bản sắc. GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, ví dụ: "Âm nhạc dân tộc vẫn sống lây lất vì rất ít người xem hoặc muốn có người xem cũng phải "sân khấu hóa" như quan họ đang làm, có nghĩa là phá vỡ luật lệ, quy tắc của ca hát quan họ cổ truyền và vi phạm tiêu chí quy định của UNESCO. Như vậy có nghĩa là bản sắc, căn cước của quan họ gốc không còn nữa". Rõ ràng xu hướng cách tân, cải tiến âm nhạc dân tộc không đúng, không phù hợp đã làm lu mờ bản sắc, làm biến chất, biến dạng các loại hình ca nhạc dân gian đặc sắc do hàng trăm thế hệ nghệ nhân sáng tạo trong nhiều thế kỷ qua. GS Hoàng Chương chứng minh bằng trường hợp của hơn 10 nghệ sĩ quan họ từ Bắc vào Bình Định hát mừng giỗ lần thứ 220 của Hoàng đế Quang Trung: "Các nghệ nhân quan họ đều hát nhép theo đĩa, khi diễn lớp "Bà Chúa thượng ngàn" thì họ hát đồng ca và múa lửa, nhảy nhót tưng bừng như lửa trại, không còn nhận ra nghệ thuật hát quan họ nữa".
Trách nhiệm của truyền thông
Nói được nhưng chưa làm được Vấn đề bảo tồn, phát huy âm nhạc dân tộc đã quá cũ, được đặt ra từ năm này qua năm khác, đã có hàng chục hội thảo từ trước đó được tổ chức cũng với nội dung tương tự. Trong mỗi hội thảo, các đại biểu cứ "kêu gào" thực trạng, rồi đưa ra hàng loạt giải pháp nhưng tình trạng không những không cải thiện mà ngày càng có nguy cơ xấu hơn. Từ hội thảo bàn luận đến áp dụng giải quyết vấn đề ngoài thực tiễn còn cả một đường dài mà các cơ quan chức năng cần phải quan tâm. GS Trần Văn Khê nhấn mạnh một điều cốt lõi: "Để giới trẻ yêu âm nhạc dân tộc thì ban đầu họ phải có cơ hội biết và nghe. Thế nhưng hiện nay điều kiện tiếp xúc với âm nhạc của giới trẻ còn quá hạn chế. Không chỉ giáo dục ngay từ trong nhà trường mà còn từ những phương tiện thông tin đại chúng". Thực tế, dòng nhạc truyền thống và nhạc cổ điển vẫn còn xa lạ với quần chúng, do ít được xuất hiện, ít được nhắc đến, ít được quan tâm quảng bá và hướng dẫn. Vì thế đài truyền hình, đài phát thanh, hệ thống truyền thông đại chúng sẽ là phương tiện hữu hiệu để đưa âm nhạc dân tộc, truyền thống trở lại với công chúng. Một tác phẩm âm nhạc xuất hiện trên sóng phát thanh, truyền hình sẽ có sự lan tỏa rất lớn đến hàng triệụ triệu người xem, người nghe nên bên cạnh các giải pháp như đưa âm nhạc dân tộc vào trường học, tổ chức những cuộc liên hoan cho người làm nghề, chính sách ưu đãi cho nghệ nhân…, vai trò của báo chí, truyền thông vẫn là căn cơ nhất. |
Bình luận (0)