“Hãy cứu lấy Trái Đất ngày nay/Để giữ sức sống mới ngày mai/Muôn nơi luôn no ấm yên vui/Em thơ luôn luôn hé môi cười/Một màu xanh cho bao trẻ em/Một màu xanh cho bao tình yêu/Một màu xanh cho những ước mơ/Một màu xanh cho những hy vọng”. Đó là một đoạn trong bài “Màu xanh” của Hoàng rapper khá nổi thời gian gần đây trên thị trường âm nhạc với phiên bản cover của Noo Phước Thịnh.
Vượt qua giới hạn
Ca khúc “Màu xanh” nhẹ nhàng đến với người nghe như một câu chuyện kể với tình cảm thiết tha của người viết trước tình trạng thiên nhiên bị tàn phá. Những lời ca rất thực tế, gần gũi này ngay lập tức có được sự đồng cảm của người nghe. Đây cũng là tính chất chung của những ca khúc underground trên thị trường âm nhạc thời gian qua.
Hoàng rapper là một giọng ca hoạt động chủ yếu trong giới underground và “Màu xanh” là một trong những ca khúc được giới thiệu trong giới underground cách đây vài năm nhưng không mấy người để ý. Khi được cover bởi một ca sĩ có lượng người hâm mộ lớn như Noo Phước Thịnh, ca khúc này nhanh chóng thu hút người nghe bởi chất âm nhạc và thông điệp đầy ý nghĩa của nó. Kho ca khúc của giới underground nhanh chóng được các ca sĩ lục tìm như một cách chữa cháy cho thị trường âm nhạc đang khát ca khúc mới và hay như hiện tại.
“Mẹ ơi con mới xong νiệc, đã lâu con chưɑ gọi νề, nhà tɑ thế nào, chɑ có đỡ đɑu ốm hơn không?/Mùɑ đông đã sɑng rồi, mẹ nhóm thɑn ấm chɑ ngồi để νơi gió rét bên trời/Mẹ bên đâу tuуết rơi nhiều, lê chân νề sɑu cɑ chiều, ở nơi xứ người cũng mɑу sống chung mấу ɑnh em/Ϲhỉ lúc chẳng уên bình bạn con nó khóc một mình, làm ɑi cũng nhớ giɑ đình/Ngàу chưɑ biết quê tɑ nghèo, chỉ mơ bước đi muôn nẻo, thả đôi cánh bɑу xɑ hoài oh oh nước ngoài!/Giờ con đã ở nơi nàу, cuộc sống khác xɑ quá νậу, chỉ mong bớt lo tương lɑi”. (trích ca khúc “Nước ngoài”) do Phan Mạnh Quỳnh thể hiện đang rất nổi tiếng trên thị trường âm nhạc. “Nước ngoài” với phiên bản Ngọc Sơn thể hiện còn nhận được thêm nhiều lời khen ngợi từ công chúng.
Khi ca khúc “Vợ người ta” trở thành hiện tượng trên thị trường âm nhạc, cái tên Phan Mạnh Quỳnh được công chúng “đào xới” lại trên internet. Mọi người thực sự thấy thú vị khi bắt gặp một Phan Mạnh Quỳnh với tuyển tập ca khúc tinh tế hơn hẳn so với bản “Vợ người ta” dù các ca khúc này không tạo nên những hiệu ứng nổi bật nhưng đầy ý nghĩa; giọng hát của anh cũng kỹ thuật và cảm xúc hơn qua nhiều ca khúc gắn với đề tài xã hội.
Biết tiết chế cái tôi
Nếu so với nguồn gốc âm nhạc underground nguyên bản của thế giới (thường ca khúc chỉ được ghi âm và để đó) thì nhạc underground đã có sự chuyển hóa mạnh mẽ khi cố vươn ra ngoài biên giới underground để đến với công chúng. Những nghệ sĩ trẻ đầy sáng tạo và không ngại thể nghiệm cũng ôm giấc mộng trở thành một phần của showbiz, cũng trở thành những người nổi tiếng. Vậy nên, bản thân mỗi người đã có những thay đổi rõ rệt để phù hợp hơn với thị trường âm nhạc.
Karik nổi tiếng trong giới underground bây giờ đã có biệt danh “hoàng tử rapper” của showbiz Việt. Không khó để kiếm tìm những ca khúc thuộc thương hiệu Karik trên phương tiện internet. Karik có không ít người hâm mộ nhưng không phải ca khúc nào của anh cũng “lọt” tai người yêu nhạc đơn thuần bởi ca từ trong các ca khúc đề cập đề tài châm biếm có phần thô tục, lời lẽ cay cú, lộng ngôn, thậm chí mạt sát. Thế nhưng, nhờ hợp tác với Only C trong “Anh không đòi quà”; với MTV trong ca khúc “Cha”, “Chuyện thằng say” hay các ca khúc “Rắc rối”, “Áo mưa”, “Không lối thoát”… mà ca khúc của Karik đã mang đến một màu sắc âm nhạc khác biệt và thú vị cho công chúng.
“Tuổi thơ con vẫn thường trách cha vì không cho con được những thứ giống người ta/Từ miếng ăn đến quần áo, mọi thứ đều thua xa/Bởi ngoài một chiếc xích lô, cha chẳng có gì cả/Tới một ngày không còn cha, con mới nhận ra/Bao nhiêu năm qua cha vì con hy sinh đau buồn cách mấy/... ” - phần rap do Karik viết cho bài “Cha” đã gây xúc động mạnh đối với người nghe, tạo thêm hiệu ứng cho ca khúc này vốn đã rất nhiều cảm xúc. Nói về xu hướng hợp tác với các nghệ sĩ underground thời gian gần đây, nhóm MTV bày tỏ: “Đó là những người rất giỏi. Họ luôn sáng tạo và có những sản phẩm âm nhạc “cực chất”. Dù vậy, để đưa những sản phẩm âm nhạc đó đến với đông đảo khán giả, họ cần tiết chế cái tôi trong những sáng tác của mình cho phù hợp”.
Một trong những lợi thế để âm nhạc underground phát triển chính là sở thích “nói thẳng, nói thật” của khán giả trẻ nghe nhạc hiện nay, nhất là với các đề tài mang tính cộng đồng, châm biếm, cần chỉ thẳng vấn đề muốn nói. Dù vậy, theo nhạc sĩ Minh Châu, nếu có làm gì đi nữa thì tác phẩm cũng phải để khán giả nghe được vì âm nhạc là nghệ thuật mà đã là nghệ thuật thì sự phá cách nào cũng phải nằm trong giới hạn duy mỹ, duy tình.
Cùng với Karik, nhiều cái tên của giới underground sau khi biết tiết chế cái tôi của mình đã trở thành nổi tiếng trong làng showbiz Việt, như: Sobin Hoàng Sơn “cực chất” với phong cách EDM; Justa Tee với những bản R’n’B đầy khác biệt: “Xin anh đừng”, “Vụt tan”…; rapper Đen với bản “hit” “Đưa nhau đi trốn” hay Big Daddy với bản “hit” “Tình yêu màu nắng”...
Làm phong phú thêm đời sống âm nhạc đại chúng
Underground tạm hiểu là một dòng nhạc không nhằm thương mại hóa như nhiều thể loại âm nhạc chính thống khác. Giới underground cũng có người hâm mộ riêng nhưng âm nhạc của họ thường khó đến gần với số đông công chúng, đó gần như là bản chất của dòng nhạc vốn nằm ngoài luồng nền âm nhạc chính thống. Không khó để bắt gặp những ca khúc đậm chất underground trong những quán bar ca nhạc như Acoustic hay hầu hết các quán cà phê ca nhạc hiện nay với đặc trưng tự do biểu đạt sáng tạo cá nhân trong giai điệu, lời ca. Cấu trúc ca khúc gần như trái ngược với các thành phần mang tính công thức của âm nhạc thương mại và cách cảm thụ cũng như sự đánh giá cá nhân nghệ sĩ về nghệ thuật của họ cũng có phần khác, thậm chí trái ngược với tính xu hướng đang rất thịnh hành hiện nay. Việc tiệm cận với đời sống âm nhạc đại chúng, giới underground sẽ góp phần làm phong phú thêm đời sống âm nhạc hiện nay.
Bình luận (0)