xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Âm sắc đàn môi

THẢO CHI

Festival Đàn môi Quốc tế 2006 sẽ được tổ chức tại Amsterdam, Hà Lan từ ngày 28 đến 30-7-2006. Lần đầu tiên, một nghệ sĩ đàn môi của Việt Nam được mời tham dự festival âm nhạc độc đáo này.

Anh là Đức Minh, Người duy nhất chơi đàn môi chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Tại Festival Đàn môi Quốc tế sắp diễn ra, ngoài bài dân ca cổ của người Mông, Đức Minh còn thể hiện cả những bản nhạc do chính mình sáng tác cho đàn môi châu Âu, đàn môi tre của người Việt và đàn môi 4 lá Trung Quốc. Bên cạnh đó, anh cũng tự thu âm một CD đàn môi để mang giới thiệu với bạn bè thế giới.

Kết hợp dân gian với hiện đại

Đức Minh đến với đàn môi thật tình cờ. Một lần, vào khoảng năm 2000, anh được nghe một CD nhạc đa sắc tộc của nước ngoài, trong đó có một đoạn nhỏ có âm thanh rất lạ. Mười mấy năm theo học sáo trúc ở Nhạc viện Hà Nội, đã được nghe nhiều loại nhạc cụ, nhưng Minh vẫn không tài nào nhận ra đoạn âm thanh đó được chơi bằng nhạc cụ gì. Ngẫu nhiên, không lâu sau, một người bạn của Minh từ Sa Pa về, mang theo một chiếc đàn môi của người Mông. Minh chơi thử, và vỡ òa niềm sung sướng khi nhận ra âm thanh trong CD mình đã nghe chính là tiếng đàn môi. Minh lao vào nghiên cứu, tập chơi đàn môi từ đó...

Càng tìm hiểu, càng chơi đàn môi, Đức Minh càng bị cuốn hút bởi thế giới mới mẻ, nhiều màu sắc của loại nhạc cụ này. Tuy nhiên, những gì mà Minh có được hoàn toàn là do anh tự học, tự khám phá, chưa hề mang tính chuyên nghiệp, cho đến khi anh gặp Clemens Voight - một nhạc sĩ trẻ người Đức, người vì mê tiếng đàn môi của dân tộc Mông mà tìm đến Việt Nam, học cách chơi, cách làm các loại đàn môi và lập ra trang web http://danmoi.de để giới thiệu, kinh doanh đàn môi Việt Nam. Từ Clemens, Đức Minh - với “vốn liếng” duy nhất là kỹ thuật chơi đàn môi dân gian – đã học được kỹ thuật chơi đàn môi hiện đại, bắt đầu chơi nhạc cụ này một cách chuyên nghiệp. Chỉ sau vài buổi học, Clemens kêu lên: “Cậu lấy gần hết vốn của tôi rồi!”. Trước khi quay về Đức, Clemens cho Minh địa chỉ email của GS âm nhạc Trần Quang Hải ở Pháp (con trai GS Trần Văn Khê), bảo Minh muốn tìm hiểu sâu về đàn môi thì hãy chủ động làm quen với ông.

Người VN đầu tiên trở thành thành viên Hiệp hội Đàn môi Thế giới

Thư từ qua lại, nhận thấy được niềm đam mê đi đến tận cùng với đàn môi của Đức Minh, GS Trần Quang Hải đã nhận anh làm học trò. GS Hải nói với anh, ông rất mừng vì Việt Nam là nước có nhiều loại đàn môi nhất thế giới nhưng lại không có người chơi, may sao giờ đây có Đức Minh. Từ Pháp, GS gửi về cho anh những CD, tài liệu về đàn môi, giới thiệu với anh về các loại đàn môi trên thế giới cũng như cách sử dụng chúng... Nhưng quan trọng hơn cả, GS đã truyền cho anh thêm ngọn lửa tình yêu dành cho đàn môi...

Cứ âm thầm một mình, Đức Minh lặn lội tới những bản làng xa xôi, hẻo lánh nhất ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình... để tìm hiểu về đàn môi cũng như những làn điệu cổ của đồng bào nơi đây. Hiện nay, anh có trong tay bộ sưu tập đàn môi của 5 dân

img
Đức Minh với bộ sưu tập đàn môi của anh

tộc Mông, Dao, Thái, Khơ mú, Êđê, hàng chục loại đàn môi của các nước trên thế giới như Campuchia, Thái Lan, Philippines, Nga... và có thể chơi được tất cả những nhạc cụ ấy. Không chỉ dừng lại đó, Đức Minh còn có thể viết nhạc cho đàn môi. Bước đầu, Đức Minh đã khẳng định được vị trí của mình trong giới chơi đàn môi chuyên nghiệp quốc tế, trở thành người Việt Nam đầu tiên được Hiệp hội Đàn môi Thế giới công nhận là thành viên.

“Đơn thương độc mã”

Theo GS Trần Quang Hải, khoảng 30 nước trên thế giới có đàn môi, có những nước hằng năm tổ chức festival cho đàn môi, có những dàn nhạc tập trung tới 25 cây đàn môi... nhưng không đâu sánh được với đàn môi Việt Nam về sự phong phú cũng như độ “chuẩn” về bồi âm. Nếu như đàn môi châu Âu gần như giống nhau thì đàn môi của Việt Nam lại có tới hơn chục loại, mỗi loại là một dáng vẻ, cho một âm thanh khác nhau. Song, một điều thật oái oăm: Ở Việt Nam, đàn môi hầu như không có trong “bản đồ” nhạc cụ dân tộc, và ngoài nghệ sĩ Đức Minh, không còn ai chơi đàn môi một cách chuyên nghiệp.

Nghệ sĩ Đức Minh cho biết, khi đến kho tư liệu của Viện Âm nhạc để tìm hiểu về đàn môi, cái duy nhất anh tìm được chỉ là... một đoạn nhạc khoảng 2 phút do một phụ nữ người Mông ở Yên Bái chơi. Tài liệu về đàn môi Việt Nam hầu như không có gì. “Đàn môi là một trong những minh chứng sinh động nhất cho thấy sự phong phú của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Nhưng thật xót xa là trong khi thế giới ngày càng quan tâm hơn đến loại nhạc cụ này của ta, thì cả đất nước Việt Nam 85 triệu dân chỉ duy nhất Đức Minh chuyên tâm nghiên cứu đàn môi” – GS Trần Quang Hải thất vọng nói.

Đàn môi thuộc loại nhạc khí tự thân vang, được làm bằng kim khí, đồng thau và tre với hình dáng nhỏ nhắn, chỉ khoảng 7 cm. Ở Việt Nam, đàn môi là một trong những nhạc cụ được đồng bào các dân tộc thiểu số ưa chuộng. “Đàn môi không chỉ dùng để tiêu khiển mà còn được người ta sử dụng để giao duyên, thổ lộ tâm tình. Cái hay của lời tâm tình này là sự thầm kín, không cần thốt thành lời nhưng người ta vẫn hiểu được, bởi âm sắc đàn môi gần gũi với giọng nói con người” - nghệ sĩ Đức Minh nói. Và đó cũng là một trong những lý do khiến anh như bị “bỏ bùa” bởi thứ nhạc cụ này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo