"Điểm một thời" diễn ra tại Bảo tàng Áo dài (77 Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM) từ đầu tháng 7, đón khán giả vào những ngày cuối tuần. Người xem thật sự mãn nhãn trước không gian văn hóa nghệ thuật nhiều màu sắc. 11 tiết mục trình diễn đưa người xem vào những cung bậc cảm xúc dạt dào. Khách thưởng lãm lạ lẫm trước "Phiên chợ âm phủ" với bóng hình giai nhân trong chiếc áo dài từ thế kỷ XVII, XVIII hay bâng khuâng trước những tà áo dài nữ sinh trắng thướt tha buổi tan trường. Nét độc đáo của "Điểm một thời" chính là tạc được hồn phách, vóc dáng của người Việt xưa trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, để dẫu chỉ vài phút thoáng qua với ánh sáng, âm nhạc và những điểm nhấn của tiếng rao vùng miền, của nụ cười duyên dáng từ các người mẫu đủ gợi lên trong trí tưởng tượng người xem dòng chảy lịch sử văn hóa.
Một tiết mục trong chương trình “Điểm một thời” của họa sĩ Sỹ Hoàng Ảnh: NHÂN ĐỨC
Cha đẻ của chương trình - nhà thiết kế thời trang Sỹ Hoàng cho biết: "Thật sự là khó khăn vây quanh khi tôi thực hiện bảo tàng áo dài này. Nhưng đã lao thì phải theo, tôi mong biến nơi này không chỉ là nơi lưu giữ bảo vật mà còn phải tái hiện không gian sống, để khán giả cùng tôi trải nghiệm nền văn hóa vùng miền của một thời đã làm nên bản sắc của người Việt".
Tạo dấu ấn cho chương trình chính là phần thiết kế âm nhạc. Chiếc đàn đá, nguyên mẫu cổ vật, được nghệ sĩ gõ lên từng phím rất điêu luyện, đánh thức thanh âm ngàn xưa khiến khán phòng thổn thức. Bên cạnh đó còn có những giọt đàn bầu thánh thót, chạm vào trái tim người xem. Chính những âm điệu kỳ diệu ấy đã làm cho 90 phút đầy sáng tạo mà Sỹ Hoàng muốn gửi đến khách tri âm thật sự thăng hoa. Người xem bị mê hoặc bởi những màn trình diễn hát văn, hát xẩm, hò, hát ru...
Từ việc thiết kế trang phục cho sân khấu, Sỹ Hoàng đã thai nghén ý tưởng thực hiện "Điểm một thời". Cách đây 10 năm, "Điểm một thời" từng ra mắt nhưng rồi do nhiều lý do khách quan, chương trình đã tạm ngưng với bao tiếc nuối. Nay "Điểm một thời" được hồi sinh ngay trong thời điểm nhiều sàn diễn sân khấu xã hội hóa rất chật vật trong việc bán vé. "Nếu không mạnh dạn làm thì biết bao giờ nỗi khát khao về sô diễn giới thiệu văn hóa Việt mới thành hiện thực?" - họa sĩ Sỹ Hoàng nói.
Sỹ Hoàng đã nhận mặt bằng là một căn nhà ống tại khu phố đi bộ Nguyễn Huệ, cấp tốc biến nó thành khán phòng có sức chứa 200 khán giả. Anh quần quật tập dợt để biến 40 sinh viên thành những diễn viên. Nói thêm về niềm khao khát của mình, họa sĩ Sỹ Hoàng cho biết: "Hơn 2 thập niên theo chân nhiều đoàn văn nghệ sĩ đi trình diễn ở nước ngoài, tôi cảm nhận được rằng Việt Nam sẽ bình đẳng đối thoại với thế giới bằng chính văn hóa của dân tộc. Vì vậy, ta luôn nhớ về, gìn giữ, tôn tạo để hội nhập mà không bị hòa tan".
Bình luận (0)