Có 2 cuốn sách vừa ra mắt đã gây sự chú ý cho bạn đọc và giới văn chương là tập truyện ngắn “Những thiếu thời lơ lửng” (270 trang, gồm 14 truyện ngắn, NXB Văn học) và cuốn “Mật ngữ rừng xanh” (310 trang, NXB Dân trí) đều của 2 tác giả còn rất trẻ. “Những thiếu thời lơ lửng” của Hạnh Nguyên mang dấu ấn đặc biệt từ góc nhìn của người trẻ; còn “Mật ngữ rừng xanh” của Lê Hữu Nam là câu chuyện mang tính chất phiêu lưu và viễn tưởng, kể về chặng hành trình trinh thám của những đứa trẻ mang các tính cách, ước mơ và hoàn cảnh khác nhau trở thành đồng đội chống lại những kẻ thù phá hoại rừng.
Lạ lùng ở “Những thiếu thời lơ lửng”
Hạnh Nguyên mới 19 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là du học sinh tại Đại học Algonquin (Canada). Cô vừa hoàn thành năm thứ nhất bậc đại học, trở về Hà Nội sau 1 năm du học và giới thiệu tới bạn đọc tập truyện ngắn “Những thiếu thời lơ lửng” của mình. Hạnh Nguyên luôn được đánh giá là có cá tính ngay từ khi còn nhỏ. Thế nhưng, cô gái khá kín tiếng này không mấy khi thể hiện rõ quan điểm của mình. Chỉ qua những truyện ngắn của cô, người đọc cảm nhận được các góc nhìn, lối nghĩ, cách tư duy khiến họ phải giật mình, ngạc nhiên và nhiều điểm cần xem xét lại thế hệ trưởng thành. Ví dụ như bức thư mang tên “Đây là thời đại của chúng tôi” nằm trong truyện ngắn “Mũi tên” với những đoạn tự sự nhức nhối: “Tôi chưa gặp những đứa trẻ cảm thấy chán nản với cuộc sống của mình. Tôi cần gì phải gặp. Bởi vì tôi là một minh chứng điển hình, đang hít thở và đang sống, tôi biết rõ cảm giác buồn chán bất lực đó như thế nào, tôi cũng biết những đứa trẻ như tôi đang phải đối mặt với mọi thứ ra sao. Tôi nghĩ mình biết. Có lẽ rất nhiều những đứa trẻ như vậy. Chúng không thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, khuôn khổ hiện tại, chúng muốn chạy thoát nhưng không thể...”.
“Truyện của Hạnh Nguyên là những suy tư, trải lòng đến mức nghiệt ngã. Bức thư mang tên: “Đây là thời đại của chúng tôi” là những trang viết khiến tôi sợ hãi, lo âu. Tôi tin rằng ai đã đọc bức thư ấy đều giật mình và sau đó cần soi xét lại những mối quan hệ của mình với những người trẻ xung quanh. Phải chăng, chính người lớn mới cần thay đổi? - nhà phê bình Nguyễn Sơn nói. Theo ông, những bức thư được viết như là lời để lại của những người ra đi, những người đã chết (hiểu như là một sự lựa chọn khốc liệt và tàn bạo cuối cùng): Bức thư của người bạn trai gửi Mỹ Hà (Khi núi đổ), bức thư của người chị gửi Mây (Gió heo may), bức thư của Jen (Lúc nửa đêm), bức thư mang tên “Đây là thời đại của chúng tôi” (Mũi tên). Hình thức thư tín tạo nên sự riêng tư, có tính chất tâm sự, có cơ hội để bày tỏ những điều kín đáo, bí mật... Những bức thư như là lời tuyệt mệnh, những tín hiệu sau cùng trước khi tất cả rơi vào trạng thái im lặng, cái chết. Những bức thư trả lời câu hỏi: Vì sao họ cô độc, trống rỗng? Vì sao họ bị xem là điên? Vì sao họ rời xa? Vì sao họ lựa chọn cái chết? “Tôi cho rằng đây là những thông điệp đáng sợ. Những bức thư cùng với những sự ra đi đó là một cáo buộc đau đớn, bi thảm và quyết liệt đối với cuộc sống mà người trẻ đang là nạn nhân” - nhà phê bình Nguyễn Sơn nhận định.
Bất ngờ với “Mật ngữ rừng xanh”
Tác giả Lê Hữu Nam (29 tuổi) trong 3 năm liền giới thiệu tới độc giả 3 cuốn sách mới: “Hành trình trở về” (2013), “Con đến như một phép màu” (2014) và mới nhất là “Mật ngữ rừng xanh” . Các tác phẩm của Nam đều là truyện dài, một trong những hình thức khó khăn nhất đối với tác giả trẻ. Và điều đặc biệt nữa, Lê Hữu Nam là một trong những bệnh nhân tim bẩm sinh cho nên từ nhỏ, Nam đã luôn phải chiến đấu với bệnh tật. Cuộc sống đối với Lê Hữu Nam được tính từng ngày nhưng với Nam, mỗi ngày luôn là một hành trình miệt mài cố gắng, khám phá và sáng tạo.
“Cả 3 cuốn sách của Lê Hữu Nam đều hướng tới người đọc nhỏ tuổi. Lâu nay, tìm kiếm các cây bút viết cho thiếu nhi khá hiếm hoi”- nhà văn Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, khẳng định. Ông cho rằng theo dõi các ấn phẩm của Lê Hữu Nam, thấy bút lực của tác giả này càng lúc càng tăng lên sau mỗi ấn phẩm.
Để bảo vệ khu rừng, các nhà khoa học phải đưa ra bằng chứng được ghi lại trên 4 tấm bản đồ cổ cuối thế kỷ XIX. Tuy nhiên, trong tay 2 nhà khoa học đang nỗ lực cứu khu rừng này chỉ có 2 tấm bản đồ. Họ sẽ phải tìm ra 2 tấm bản đồ còn lại. Ở một nhóm khác, những đứa con của họ cũng vô tình gặp nhau trong khu rừng ấy sau một chuyến chèo thuyền tử thần. Chính cuộc gặp mặt này đã giúp những đứa trẻ hợp lực bảo vệ khu rừng bằng tình yêu thiên nhiên. Tất cả chúng đều có chung một khả năng đặc biệt là nói chuyện được với động vật hoang dã. Nhân danh những người yêu quý rừng xanh, những đứa trẻ thống lãnh hơn hai mươi ngàn con thú để chống lại những kẻ phá rừng.
Đối với Nam, viết luôn là một cuộc chiến đấu như chính cuộc đời của mình. Cuộc chiến với Joey, Miên, Lâm, Susan và những chiến binh rừng xanh như báo Đức Vua, báo Hoàng Tử, voi Giằng, đại bàng Musat, ngựa Ali, hổ Biu... cùng nhau chống lại kẻ thù phá hoại khu rừng đã lôi kéo được khá nhiều các thành phần xã hội đồng hành với tác giả.
Một câu chuyện rừng xanh kỳ vĩ, một cuộc chiến khốc liệt mà ở đó là những trái tim biết đứng về lẽ phải đang cố gắng cứu từng sự sống của mỗi con vật, mỗi thân cây, như câu nói mà tác giả trăn trở, xuyên suốt tác phẩm: “Vạn vật sống, con người sống!”.
Bình luận (0)