Vân Nam là một tỉnh có đường biên giới giáp Việt Nam, với sự chung sống của 26 dân tộc nên văn hóa nghệ thuật rất đa dạng và nhiều màu sắc. Vì vậy, chương trình của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Vân Nam mang đến Việt Nam lần này khá hấp dẫn với nhiều thể loại như độc tấu nhạc cụ dân tộc (sáo bầu, sáo mèo), nhạc cụ Tây phương, hát những làn điệu dân tộc ở tỉnh Vân Nam và đặc sắc nhất là múa, vốn là nghệ thuật sở trường của Trung Quốc.
Đoàn Vân Nam đã mang đến cho khán giả cả sự thích thú lẫn ngưỡng mộ với các điệu múa của các dân tộc Choang, Di, Hà Nhì, Thái… Các diễn viên đồng đều, xinh đẹp, trang phục tươi tắn đầy màu sắc dân tộc, động tác uyển chuyển, khéo léo như “Vũ điệu bạch kê”, múa “Lời chúc phúc tốt đẹp”, khi lại rất dí dỏm như “Tiếng thì thầm bên chòi nương” - màn múa dựng lại cảnh hẹn hò, trao gửi yêu thương của các thanh niên miền sơn cước...
Điểm nhấn của chương trình là tiết mục múa “Linh hồn khổng tước”, gây được sự thán phục, ngưỡng mộ của khán giả với màn trình diễn tuyệt vời của diễn viên, tài năng tạo hình được thể hiện ở từng bộ phận cơ thể, từ bàn tay, các ngón tay thành hình đầu chim khổng tước với nhiều tư thế.
Một tiết mục khác cũng gây sự chú ý cho khán giả là song ca của 2 chị em Lý Hoài Tú, Lý Hoài Phúc qua các bài dân ca dân tộc Di “Chim vàng chim bạc tung cánh bay” và “Xấu hổ”. Cặp song ca này đã giành được nhiều giải thưởng ở Trung Quốc. Đặc biệt là Lý Hoài Tú, với chất giọng mộc mạc, cách lấy hơi, chuyển giọng rất lạ lùng khiến người nghe có cảm giác như cô có nguồn hơi bất tận và có thể chuyển lên cao độ bất cứ âm vực nào. Theo giới thiệu của đoàn, đây là thể loại hát dân gian đặc biệt của người dân tộc Di mà cho đến nay các nhà chuyên môn trong lĩnh vực thanh nhạc vẫn đang nghiên cứu về cách lấy hơi, chuyển giọng độc đáo của họ. Âm điệu và cách hát của những bài hát này làm cho khán giả như được trở về với thiên nhiên, trong cảm giác mênh mang, hùng vĩ của miền sơn cước.
Bình luận (0)