xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Ảnh hậu” Hồng Ánh

Quang Huy

Thông tin Hồng Ánh đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất (Ảnh hậu) tại Liên hoan Phim Dubai lần thứ 5-2008 bay về như một tin vui cho nền điện ảnh VN trước thềm năm mới

Nhắc đến Hồng Ánh là nhắc đến một diễn viên có duyên với các giải thưởng. Hầu như bộ phim nào cô tham gia đều đạt được một giải thưởng chuyên môn nào đó và bản thân Hồng Ánh cũng gom về không ít giải thưởng về diễn xuất. Nhưng giải Nữ diễn viên xuất sắc Liên hoan Phim (LHP) Dubai cho vai Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng mới là giải thưởng quốc tế cao nhất từ trước đến nay cô nhận được.

Người sưu tầm giải thưởng

Dù phim nhựa hay phim truyền hình, vai chính hay vai phụ, Hồng Ánh đều khiến người xem phải nhớ đến. Xuất thân từ cuộc thi Triển vọng Điện ảnh Văn Thánh, cô gái họ Phạm quê ở Trà Vinh này bước thẳng lên màn ảnh và tỏa sáng qua những vai diễn trong Hải Nguyệt, Cầu thang tối (giải A Hội Điện ảnh VN), Chung cư (giải Ban Giám khảo LHP VN lần thứ 12), Đời cát (Bông sen vàng LHP VN lần thứ 13), Thung lũng hoang vắng (giải A Hội Điện ảnh VN, Bông sen bạc LHP VN lần thứ 13, giải Fipresci dành cho đạo diễn mới tại LHP Melbourne).

Gần đây nhất, phim Trái tim bé bỏng giành giải Cánh diều bạc năm 2008. Phần Hồng Ánh cũng có trong tay giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc tại LHP châu Á-Thái Bình Dương năm 2000 (phim Đời cát), giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP VN lần thứ 13 (phim Thung lũng hoang vắng). Giải Ảnh hậu tại LHP Dubai trong phim Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Hãng phim Giải Phóng, hãng Alliance phối hợp sản xuất) đã nối dài thêm bảng thành tích chuyên môn của nữ diễn viên 31 tuổi này.

Trăng nơi đáy giếng là một trong bốn phim Hồng Ánh tham gia trong năm 2007 qua. Ban đầu, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn muốn chọn một diễn viên gốc Huế thủ vai này nhưng không tìm được ai thích hợp nên Hồng Ánh được “chọn mặt gửi vàng”. Nội dung Trăng nơi đáy giếng dựa trên một truyện ngắn của nhà văn Trần Thùy Mai, kể về bi kịch của một người phụ nữ yêu chồng nhưng không thể có con, đành tìm cho chồng một người đàn bà khác để sinh con nối dõi.

Trớ trêu thay, đến phút cuối, chị mới nhận ra rằng sự hy sinh của mình hoàn toàn vô nghĩa, bởi ngay từ đầu chồng chị và người đàn bà kia đã có gian tình. Vai Hạnh trong phim thật ra chẳng có gì mới so với những vai diễn trước đó của Hồng Ánh, cũng là những người phụ nữ chịu nhiều đau khổ như những hóa thân của chị trong Đời cát, Người đàn bà mộng du hay Cầu thang tối, Trái tim bé bỏng.

Chỉ khác một điều lần này nhân vật là một phụ nữ Huế. Hạnh là một cô giáo, có chồng là Phương - một hiệu trưởng. Hạnh sùng kính chồng đến mức mê muội, cô chăm lo cho chồng từng li từng tí, nâng niu từng miếng cơm, giấc ngủ của chồng, tôn thờ anh như một vị thánh sống. Không thể sinh cho chồng một đứa con, Hạnh đành hối thúc chồng tìm người đàn bà khác.

Những tưởng sự hy sinh của mình sẽ giúp vun đắp tình yêu giữa hai vợ chồng, nào ngờ Hạnh phát hiện lâu nay cô đã bị chồng mình lừa, vị thánh sống mà lâu nay cô tôn kính hóa ra chỉ là một gã đàn ông tầm thường, hèn mọn. Thần tượng sụp đổ, từ đó Hạnh chỉ còn biết tìm sự an ủi bên bức tượng thờ một vị tướng trong nhà.

Hạnh của Hồng Ánh đã làm người xem nghẹn lòng trước nỗi đau của một người vợ, một người phụ nữ Huế. Dáng mảnh mai của Hạnh giữa khung cảnh nên thơ của nhà rường Huế, từng cử chỉ nhẹ nhàng, khoan thai và ánh mắt cam chịu, phục tùng trước chồng của nhân vật qua nét diễn đằm thắm, tinh tế của Hồng Ánh đã lột tả đến tận cùng bi kịch của một người đàn bà bị chồng lừa dối. Trên sân khấu IDÉCAF, vai diễn này từng được nghệ sĩ Thanh Thủy khắc họa rất thành công nhưng điều đó không đáng ngạc nhiên vì ngoài đời chị cũng làm vợ, làm mẹ, còn với Hồng Ánh thì khác, cô chưa có gia đình, cũng không phải là người Huế. Vì vậy thành công của cô chỉ có thể gói gọn trong hai chữ: Tài năng.

Biến sở đoản thành sở trường

Cũng như nhiều diễn viên khác, Hồng Ánh cũng lấn sân sang sân khấu và cô là trường hợp hiếm hoi tạo dựng được tên tuổi của mình ở cả hai lĩnh vực phim và kịch. Từ những ngày đầu chập chững lên sàn gỗ cho đến bây giờ, dù đã là diễn viên kịch chuyên nghiệp Hồng Ánh chưa bao giờ ngừng học hỏi. Khởi đầu là những vai phụ rồi tiến dần đến vai chính, bằng thái độ lao động nghiêm túc, tinh thần cầu tiến của cô cũng được công chúng nhìn nhận và đánh giá cao qua các vở Đại bàng tung cánh, Tình yêu không thiên đường, Phép lạ, Thử yêu lần nữa, Ba người đàn ông họ Lôi, Sát thủ hai mảnh... trong đó dấu ấn mạnh nhất phải kể đến vai Bích Hồng trong xê ri kịch Thử yêu lần nữa. Không chỉ khán giả người lớn mà các khán giả nhí cũng yêu thích cô trong các vai Quy thừa tướng (Na Tra đại náo thủy cung), Tấm (Bạch Tuyết lạc bảy chú lùn).

img
Hồng Ánh (trái) trong phim Trăng nơi đáy giếng. Ảnh: C.T.V

Mấy năm qua, Hồng Ánh đã tự biến sở đoản của mình thành sở trường để đến hiện nay nhắc đến cô là người xem nhớ ngay đến một cô đào sáng giá của làng kịch TPHCM bên cạnh danh hiệu một diễn viên điện ảnh xuất sắc. Ngoài đóng kịch, đóng phim, Hồng Ánh còn làm MC cho chương trình Tạp chí văn nghệ, học biên kịch và còn muốn thử sức ở vai trò đạo diễn trong tương lai.

Ở tuổi 31, Hồng Ánh đã có trong tay tất cả những thứ mà một nữ diễn viên khao khát: sắc đẹp, tài năng, giải thưởng nhưng ở cô vẫn còn khuyết một điều mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mơ ước: Hạnh phúc gia đình. Không biết có phải do đã hóa thân vào nhiều nhân vật chịu nhiều đau khổ vì tình, số phận nhân vật cũng “vận” vào đời cô hay không mà cuộc sống tình cảm của Hồng Ánh vẫn lận đận. Nhưng có lẽ cũng không còn bao lâu nữa khán giả sẽ chứng kiến một Hồng Ánh trong “vai diễn” mới: Cô dâu ngoài đời.

Liên hoan Phim Dubai 2008

Được thành lập vào năm 2004, LHP quốc tế Dubai năm nay diễn ra từ ngày 11 đến 18-12 tại khu nghỉ mát sang trọng Madinat Jumeirah, với sự góp mặt của các diễn viên từ Hollywood đến Bollywood. Có tổng cộng 179 bộ phim truyện dài, ngắn, tài liệu của hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ được giới thiệu. Giải thưởng (giải Muhr) được chia thành hai hệ thống, một dành cho khối Ả Rập và một cho khối Á-Phi.

Có 41 phim Á-Phi tham gia tranh giải năm nay trong đó có Trăng nơi đáy giếng của VN. LHP mở màn với việc trình chiếu bộ phim chính trị W của đạo diễn Oliver Stone. Sau 8 ngày tranh tài, phim Masquerades của đạo diễn-diễn viên Lyes Salem (Algeria) đoạt giải Phim xuất sắc nhất (khối Ả Rập). Về phía khối Á-Phi, giải này thuộc về bộ phim Treeless Mountain của đạo diễn Kim So Yong (Hàn Quốc). Askhat Kuchinchirekov (phim Tulpan-Kazakhstan) và Hồng Ánh (phim Trăng nơi đáy giếng-VN) nhận giải Nam-Nữ diễn viên xuất sắc (khối Á-Phi).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo