Trong những ngày giáp Tết, nhiều người hâm mộ ca sĩ Ánh Tuyết - giọng hát gắn liền với dòng nhạc trữ tình đi tìm mua album nhạc boléro - Duyên kiếp, hát bằng giọng Quảng của chị. Bởi đây là album nhạc boléro đầu tiên trong suốt sự nghiệp ca hát hơn 30 năm của Ánh Tuyết. Đặc biệt hơn là những bài boléro quen thuộc được hát bằng giọng “rặt” Quảng Nam mà trước đó một số bản ghi âm được tung lên mạng đã khiến người nghe nhạc ngỡ ngàng, thích thú.
Mộc mạc mà tinh tế
Album Duyên kiếp gồm 10 bài hát là những sáng tác của các nhạc sĩ Lam Phương, Trúc Phương, Huỳnh Anh, Ngân Giang, Châu Kỳ, Minh Kỳ, Thanh Phương, Hoàng Nguyên... Ngoài phiên bản 1 được trình bày theo cách pha trộn giữa lối hát “não tình” rất riêng của dòng boléro với cách hát thính phòng đậm chất Bắc thì “điểm nhấn” chính là ở phiên bản 2 với chất giọng Quảng Nam “đặc sệt” của Ánh Tuyết. Sau khi giới thiệu tại Hội An (Quảng Nam) và Đà Nẵng, chị cũng đã ra mắt album tại phòng trà ATB và nhận được sự đón nhận, ủng hộ của công chúng.
Ánh Tuyết cho biết chị quyết định chọn boléro để thể hiện vì “không thể có dòng nhạc nào hợp với tiếng Quảng hơn boléro”. Trên nền giai điệu boléro với tiết tấu dìu dặt, tiếng Quảng bỗng trở nên nhỏ nhẹ, chân phương, chân tình đến lạ! Những người con Quảng Nam xa xứ cũng ngậm ngùi, xúc động bởi lần đầu nghe cái giọng thô ráp, cộc cằn, khó nói, khó nghe của quê mình khi hát lên cũng thân thương, đầy tinh tế và nỗi niềm như thế! Ánh Tuyết cho biết chị đã có dự định làm album boléro từ lâu nhưng rồi như một cái duyên đến, chị gặp nhạc sĩ Ngọc Minh trong một lần ra Đà Nẵng. Lúc nhạc sĩ Ngọc Minh đánh đàn, chị cất thử giọng Quảng thấy hay hay, lạ lạ nên quyết định làm album với độ nhanh kỷ lục: 3 ngày thu xong 10 bài hát.
Là người Quảng hát tiếng Quảng, với Ánh Tuyết không khó, bởi giọng nói đã thấm vào máu thịt của chị. Trong những ca khúc chị thể hiện, những âm ngữ gốc Quảng được giữ nguyên như “lồm quen” (làm quen), “phải chen” (phải chăng), “chiều nồ” (chiều nào), “xô xiếng” (xao xuyến), “chim bô” (chiêm bao), “u hùa” (u hoài), “cổm thông” (cảm thông), “nghẹn ngồ xót xoa” (nghẹn ngào xót xa), “chẻng thấy mô” (chẳng thấy đâu)… Ngoài cách phát âm cho đúng, Ánh Tuyết còn chỉnh sửa một số ngôn từ để “hợp” với kiểu nói đặc trưng của người Quảng, như “sao” thành “reng”, “thế” thành “rứa”, “đâu” thành “mô”… Ví dụ, “Làm sao quên được hình bóng người xưa” hát thành “Lồm reng quên được hình báng người xưa”,... Bằng cách phát âm chân chất, từng tiếng Quảng được nhả ra mộc mạc đúng chất Quảng, Ánh Tuyết đã mang đến cho khán giả một trải nghiệm hoàn toàn mới, một cảm xúc lạ lẫm trong từng câu hát!
Hát để yêu hơn tiếng Quảng
Là người con của xứ Quảng, Ánh Tuyết nói về “giọng Quảng” trong dòng chảy thời gian và không gian đầy trăn trở: “Không biết tại reng (tại sao) mà đi đến bất cứ nơi đâu, mọi người hễ nghe tiếng Quảng là châm chọc, nhái giọng như một trò đùa. Thật ra, giọng Quảng cũng như giọng Bắc, giọng Huế hay bất kỳ giọng nói ở vùng miền nào khác, nó cũng có những cái hay riêng mà chúng ta phải biết tự hào, gìn giữ. Tôi nghe giọng Quảng còn thấy tội tội, thương thương, có vị mặn, vị đậm và chân thành như chính con người Quảng Nam vậy. Tôi muốn phá tan đi cái rào cản mà khi nghe giọng Quảng lại cười, lại chế giễu, thay vào đó, qua âm nhạc bằng tiếng Quảng, họ sẽ hiểu, yêu tiếng Quảng - cái xứ sở “chưa mưa đõa (đã) thấm, rượu Hồng Đồ (Đào)chưa nhám đõa sa (chưa nhấm đã say)”.
Trước đây, một số ca khúc trong album được đưa lên mạng, bên cạnh những sự ngạc nhiên, khen ngợi thì cũng không ít ý chê Ánh Tuyết đang cố gắng chọc cười bằng lối phát âm “ăn cục nói hòn” của người Quảng Nam nhưng chị vẫn quyết định phát hành album. Bởi đây chính là sản phẩm đầy tâm huyết của chị, với mong muốn bảo tồn văn hóa trong giọng nói. Hơn nữa, Hội An đang phát triển du lịch, nhiều du khách tới đây không hiểu tiếng Quảng buộc người dân địa phương phải dùng tiếng khác để giao tiếp, như thế thì một ngày nào đó tiếng Quảng Nam sẽ mai một và dần mất đi. Ánh Tuyết muốn mọi người nghe những bài hát bằng tiếng Quảng để hiểu tiếng Quảng trước khi đến với vùng đất và con người nơi đây.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân cho rằng: “Ý tưởng hát giọng Quảng bằng chính giọng vùng miền của Ánh Tuyết là một ý tưởng độc đáo, mới lạ. Đó không phải là sự đùa cợt, pha giọng hay giả giọng nào cả nên tạo cho người nghe một cảm giác thú vị. Phải nói Ánh Tuyết là người rất thông minh, hài hước và ngộ nghĩnh khi chọn cách thể hiện ca khúc như vậy. Sau cái cảm giác buồn cười ban đầu, ta thấy được sự nghiêm chỉnh, cái đẹp trong việc hòa âm, phối khí của cô”.
Bình luận (0)