Lâu đài Vallo Stift ở ngoại ô Copenhagen
100 năm qua, bức tượng “Nàng tiên cá” nhỏ bé xinh đẹp này đã trải qua nhiều "tai nạn" vì sự ganh tị hết bệnh hoạn. Đó là ba lần bị cưa mất đầu và một lần bị cưa cánh tay. Anh Dũng kể: “Năm 1964, bức tượng bị chặt đầu rồi ném mất. Chính quyền đã cho thợ lặn tìm kiếm nhưng không tài nào tìm ra. Sau đó, bức tượng được đúc một đầu mới, trẻ hơn “nàng” lúc đó đã... 51 tuổi. Hai mươi năm sau khi "sống lại", năm 1984, “nàng” tiếp tục bị cưa cánh tay phải. Vài ngày sau, tên "sát tượng" đem tay nàng trả cho chính quyền. Hắn muốn được nổi tiếng nên khi khai báo cùng nhà chức trách, hắn bảo việc cưa tay “nàng” và đem trao trả là một hành động “anh dũng”. Cánh tay được các bác sĩ điêu khắc nối lại hoàn chỉnh. Nhưng lần tai nạn thứ ba, năm 1998, "nàng" lại đầu lìa khỏi cổ. Năm 2003, bức tượng bị chất nổ hất tung xuống biển….tất nhiên đó cũng là lần “nàng” bị mất đầu, phải gắn lại cái đầu mới. Có thể nói chưa có bức tượng nghệ thuật nào trên thế giới phải chịu nhiều vết thương như bức tượng này. Có lẽ vì thế mà bức tượng đã trở nên huyền bí, thu hút hàng trăm du khách hằng năm đến viếng thăm. Từ truyện cổ tích của văn hào Christian Andersen đến bộ phim Nàng Tiên Cá do hãng Walt Disney sản xuất năm 1989, đến nay thì hàng trăm phiên bản về câu chuyện của nàng đã làm say mê khán giả khắp năm châu.
Khung cảnh mùa thu tại Copenhagen
Tôi quan sát công viên chung quanh bức tượng để nhận biết một điều thuộc về văn hóa của người dân Đan Mạch, đó là địa danh này đã trở thành nơi trao gửi những lời yêu thương chung thủy. Chị Ngọc Anh kể: “Những cặp đôi ngoài việc hò hẹn đến đây chụp ảnh, còn chọn công viên này để chụp ảnh cưới, tổ chức trao nhẫn cưới sau khi làm lễ ở nhà thờ trên ngọn đồi bên cạnh”.
Bến cảng Nyhavn
Công viên bến cảng Nyhavn
Ngẫm nghĩ một bức tượng “bước ra” từ thế giới cổ tích lại hiện hữu trong đời sống văn hóa, tinh thần của một đất nước và chính điều này đã biến bức tượng trở nên bất tử trong lòng người dân thủ đô Copenhagen. Và chẳng cần gì những bức tượng khổng lồ, phải đạt nhiều kỷ lục Guinness thế giới, bức tượng “Nàng tiên cá” nhỏ bé nhưng đủ tầm đại diện cả một nền văn hóa khi đối diện với thế giới.
Công viên hoàng gia Đan Mạch
Có dịp đi nhiều tôi nhận thấy nếu nước Mỹ có tượng Nữ thần Tự do, Hà Lan có cối xay gió, Pháp có tháp Eiffel, Bỉ có Manneken Pis - chú bé đứng tè ở Brussels... thì Đan Mạch có bức tượng Nàng tiên cá, dù không “bề thế” nhưng lại là bức tượng được đi du lịch nước ngoài, khi mà “nàng” đại diện bộ mặt quốc gia “đến dự” cuộc triển lãm Expo Thượng Hải từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2010.
Anh Dũng cho biết thêm: “Trong vòng 8 tháng bức tượng được bê đi, tại công viên này luôn có hình nàng bằng ánh sáng laser kèm những hình ảnh được truyền trực tiếp từ Hội chợ Thượng Hải, nơi “nàng” đang dự hội chợ để quảng bá cho quê hương mình. Ngày đón “nàng” về, thật sự là một ngày hội, nhiều du khách và người dân bật khóc khi nhìn thấy bức tượng được đặt vào đúng vị trí cũ. Sự vắng mặt của bức tượng tạo nên khoảng trống không thể thay thế đối với người dân ở đất nước này. Nhiều người nói rằng: "Thật khó mà tưởng tượng, nếu Copenhagen không có Nàng tiên cá".
Qua anh Dũng và chị Ngọc Anh, tôi hiểu hơn nhiều về đời sống người Việt tại Đan Mạch. Tổng dân số hơn 5,5 triệu dân, thì kiều bào sinh sống tại vương quốc này chỉ hơn 10 ngàn người. Sang định cư từ năm 18 tuổi, anh Dũng tìm hiểu và nghiên cứu nhiều về văn hóa của Đan Mạch. Công nghệ du lịch kết hợp với văn hóa ở Đan Mạch được mỗi người dân tuân thủ hết sức nghiêm ngặt. Không mấy ngạc nhiên khi mà bất cứ lời chỉ dẫn nào của người địa phương ở Copenhagen cũng đều kèm theo câu: “bạn nhớ ghé đến thăm Nàng tiên cá nhé!”.
Tòa nhà quốc hội tại Copenhagen
Nhà hát hoàng gia Đan Mạch
Copenhagen còn có rất nhiều điểm du lịch kỳ thú. Sau khi đi du thuyền trên bến Nyhavn, tôi được đưa đến Stroget - con đường cổ nhất thủ đô, phố đi bộ dài hơn 2 km, với rất nhiều quán ăn từ khắp nơi trên thế giới, từ Ý, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil đến Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam...Tôi ghé vào tiệm phở Sài Gòn, nơi có chủ quán là anh Khải, ca vọng cổ rất mùi vì anh mê “Hoàng đế dĩa nhựa” Tấn Tài. Người Việt sinh sống ở Đan Mạch làm đủ ngành nghề, tuy nhiên hiếm người chịu lãnh tiền thất nghiệp. Chị Ngọc Anh nói: “Đi làm có đóng thuế, về già được hưởng nhiều phúc lợi, nên dân Việt mình ở vương quốc này rất siêng năng”.
Bình luận (0)