Hồi ức của ông lóng lánh phù sa của một dòng sông đã nuôi lớn tuổi thơ những người nổi tiếng.
Chợ Mới là huyện Cù Lao được bao quanh bởi sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao. Huyện Chợ Mới vốn là một cù lao, nhưng là cù lao mẹ. Cù lao mẹ này có nhiều cù lao con, trong đó có hai cù lao nổi tiếng là Cù lao Gieng và Cù lao Ông Chưởng. Chợ Mới có 13 xã, tôi ở xã Mỹ Luông. Cha mẹ tôi ở xã Mỹ Luông nhưng tôi sanh ra ở nhà bảo sanh trong nhà thờ Cù Lao Gieng.
Với địa thế ấy, người dân Chợ Mới tiếp thu được ít nhiều văn minh của đường sông và đường bộ. Thị xã Mỹ Luông của tôi cách Sài Gòn độ 180 cây số. Trước năm 1945, mỗi ngày có 4 chuyến xe đò từ chợ về Sài Gòn và ngược lại. Xe từ chợ chạy qua Sa Đéc, qua Bắc Mỹ Thuận, qua Trung Lương, cửa ngõ vào Mỹ Tho, qua Tân An rồi đi thẳng về Sài Gòn. Nhờ giao thông như vậy, hầu hết người dân Chợ Mới đều biết Sài Gòn. Còn nhớ, trước năm 1945, mỗi lần nghe Sài Gòn có trận banh hay, dân có máu mê liền tranh nhau ùa lên xe, hết ghế ngồi thì trèo lên mui xe, có lúc phải nằm rạp xuống khi xe chạy qua đoạn đường giữa hai hàng cây giao cành. Vui lạ. Lên Sài Gòn, vội vã ra sân, xem xong trận banh, kéo nhau đến rạp hát coi cải lương, vãn tuồng lại kéo lên xe, trở về nhà ngay trong đêm. Cải lương, hát bội, những gánh nổi tiếng, gánh nào cũng về diễn lại tại các chợ, các đình trong huyện. Già trẻ bé lớn ai cũng nôn nao theo tiếng trống đình. Về đường sông thì mỗi tuần đều có tàu đò chạy từ Sài Gòn lên Phnom Penh và ngược lại, tàu nào cũng cập bến tại Mỹ Luông nhả khách và nhận khách. Tiếng còi tàu báo có kẻ lên người xuống, có kẻ ở người đi, vui vui, buồn buồn...
Bên này sông làng tôi nhìn qua bên kia sông thấy lầu chuông của nhà thờ Cù Lao Gieng vượt lên các ngọn cây cao. Cù lao Gieng Tấn Mỹ là quê của nhà cách mạng lão thành Ung Văn Khiêm. Làng Mỹ Hiệp (thuộc Cù lao Gieng) phía bên kia cù lao bờ sông Tiền là quê hương của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch và nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
Từ nhà tôi, ngày còn đi học ở trường huyện, tôi đi xe ngựa trên con đường rải đá, tiếng vó ngựa lọc cọc chạy qua hai dãy nhà sàn, xe chạy qua xóm mộc, xóm tơ tằm làng Long Điền. Làng Long Điền cũng là nơi sanh của ba má nhà văn Anh Đức - tên khai sanh Anh Đức là Bùi Đức Ái. Làng Long Điền có nhiều người mang họ Bùi. Ông Bùi Phẩm từ nhà tù Côn Đảo trở về là vị chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh của huyện Chợ Mới. Làng Long Điền là cái nôi cách mạng của tỉnh An Giang.
... Thuở ấy, chiều thứ bảy, tan trường, tôi lên xe ngựa về thăm nhà, chiều chủ nhật tôi lại lên xe ngựa đến trường. Năm 10 tuổi từ trường làng, tôi qua Long Xuyên thi chuyển cấp. Cũng ngồi xe ngựa đi trên con đường đất dọc theo lòng sông Ông Chưởng, tức là qua sông Hậu. Trước mắt tôi, sông Hậu mênh mông, sóng bủa, rặng cây xanh xa xa là Cù lao Ông Hổ, nơi sanh nhà cách mạng Tôn Đức Thắng.
Và chỗ tôi đứng để chờ qua bắc, sau này tôi mới biết, đây là nơi sanh của họa sĩ Chóe.
Năm 1946, tôi rời làng theo bộ đội, đi biền biệt suốt 30 năm. Ba mươi năm nhớ dòng sông, nhớ mùa nước nổi.
Mỗi năm, tôi đều có dịp về quê, có người giàu, có người nghèo, vui có, buồn có. Nhiều đổi thay, nhưng đổi thay lớn đối với tôi là làng Mỹ Luông, huyện Chợ Mới đã có trường cấp 3, trường Châu Văn Liêm. Con em người dân Chợ Mới, hết lứa này đến lứa khác kế tiếp nhau thi thẳng lên đại học. Chưa thật giàu, nhưng vui nhứt, đẹp nhứt, hài lòng nhứt là không ai dốt.
Bình luận (0)