xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ba tài năng âm nhạc tỏa sáng ở tuổi đôi mươi

(TGPN)

. Đặng Thế Phong là một nhạc sĩ ''Nhất phiếm tài tình thiên cổ lụy" của thời tiền chiến. Đặng Thế Phong sinh vào đầu tiết Thanh Minh năm Mậu Ngọ 1918 tại Thành Nam. Ông thông phán sở trước bạ Đặng Thế Hiển không hiểu sao lại đặt tên cậu con trai này là Phong.

 Và ngọn gió mà ông có được đã nhanh chóng bay khỏi căn nhà ấm cúng sau cái tang của chính ông. Học đến năm thứ hai Trường Trung học Saint Thomas D’ Aquin, Đặng Thế Phong mang tuổi 20 của mình lên kinh kỳ cho thỏa chí tang bồng. Năm ấy, Tân Nhạc vừa khai sinh.

img
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong

Ở Hà Nội, Đặng Thế Phong nhập ngay vào phong trào Hướng Đạo. Những Đêm thu, Sáng trong rừng được Đặng Thế Phong viết ngay thời gian ấy. Vừa học vẽ ở Mỹ thuật Đông Dương, Đặng Thế Phong vừa tự học nhạc và đàn guitare. Ông vẽ thuê cho Nhà Xuất bản Mai Lĩnh để kiếm sống. Nhưng cái mệnh Thiên Thượng Hỏa chỉ cho ông thực sự thành ngọn lửa trời khi ông hành phương Nam tới tận Phnôm Pênh trở về mang theo nỗi u uẩn thế kỷ lênh đênh kiếp nô lệ như một "con thuyền không bến" khi gặp lại sông Thương. Con thuyền không bến ngay lập tức đã được tác giả trình bày tại rạp Olympia (nay là rạp Hồng Hà - trước cửa chợ Hàng Da).

Nhưng bế tắc càng trở nên nặng nề trong tâm trạng Đặng Thế Phong khi ông mắc bệnh lao. Bên cạnh người yêu trinh trắng, hết lòng chăm sóc, Đặng Thế Phong đã bi ai lại trần thế một Vạn cổ sầu vào mùa ngâu năm 1941. Sau khi nghe Vạn cổ sầu người bạn thân đồng hương với Đặng Thế Phong là Bùi Công Kỳ (tác giả Ba Đình nắng nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp) đã cùng tác giả hoàn chỉnh lời và đặt tên mới là Giọt mưa thu. Giọt mưa thu đã được Đặng Thế Phong hát trong cơn ho rũ rượi ở Hội Trí Trì - 37 phố Hàng Quạt - Hà Nội. Bản tình khúc ngắn, phong cách ngâm ngợi của giai điệu phảng phất nét ca trù ngay lập tức đã loang sâu vào công chúng yêu nhạc.

Nhưng bệnh lao càng ngày càng nặng. Đặng Thế Phong rời Hà Nội trở về căn nhà số 9 phố Hàng Đồng - Thành Nam và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 11-9-1942. Thọ có 24 năm trên dương thế, tài năng âm nhạc Đặng Thế Phong như ngọn lửa trời vụt lóe trên vòm trời âm nhạc để lại một ấn tượng không phai mờ như câu thơ Thanh Tịnh khóc ông:

Ta và gây lại lửa si mê

Phong ơi! Sinh chí lại hề!

Đốt trầm hương triệu Phong về trần gian...

* Khi người cha họ Đỗ của thôn Vạc - Cẩm Bình - Hải Dương thuộc xứ Đông có đứa con trai sinh vào rạng sáng một ngày mưa to sấm sét đùng đùng của tháng Ngọ nhuận năm Nhâm Tuất 1922, ông đặt tên cậu bé là Đỗ Nhuận. Người cha họ Đỗ đâu ngờ rằng mình đã sinh ra một Đỗ Nhuận kiệt hiệt chẳng kém gì ông Đỗ Nhuận thời Lê.

img
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận thời trẻ trong bộ đội (1950)

Ngay tiểu học, Đỗ Nhuận đã trong đội trống và được gọi là "ông cà rình". Chính sự ham mê tiết tấu này đã giúp Đỗ Nhuận về sau sáng tạo ra bao tiết tấu thuần Việt của thời cách mạng. Mê âm nhạc quá, "ông cà rình" đã tìm đến ông già mù thổi sáo bán lạc rang ở "vườn hoa đưa người" nhờ mua cho cây sáo trúc và xin dạy thổi sáo. "Cây sáo thần" đã giúp cho Đỗ Nhuận thuộc được điệu "Cung oán ngâm khúc", "Hành vân", "Sa mạc"... Hết tiểu học, mua được sách nhạc lý của Lavignac ở phố Cầu Đất, Đỗ Nhuận học chơi mandoline và thổi harmonica. Đỗ Nhuận vào Hướng Đạo, thành "sói" đoàn Gia Long. Đã từng hòa tấu cùng Nguyễn Đình Thi tại vườn hoa Đốc Lý. Vào năm 1936, từ hai câu hát đầu do bố đặt ra, Đỗ Nhuận đã phát triển và viết hoàn chỉnh thành bài hát Trưng Vương. Có lẽ do được thầy giáo dạy cho thuộc Cùng nhau đi Hồng Binh của Đinh Nhu từ nhỏ nên Đỗ Nhuận đã chọn con đường đến với cách mạng và viết âm nhạc yêu nước ngay từ chớm thanh xuân. Và một loạt nhạc phẩm cách mạng hào hùng Lời cha già, Bắc Sơn khởi nghĩa, Viếng hồn tử sĩ, Du kích ca... lần lượt ra đời.

Sau cách mạng Tháng Tám, sự nghiệp âm nhạc cách mạng của Đỗ Nhuận đã chói sáng trên vòm trời âm nhạc Việt Nam đương đại. Ông đã để lại bộ ba hành khúc Hành quân xa, Trên đồi Him Lam và Chiến thắng Điện Biên ghi dấu chiến công lẫy lừng của dân tộc. Từ "ông cà rình" thuở nhỏ, ông đã trở thành Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam suốt 20 năm liên tục (1963 - 1983). Ông đã tốt nghiệp nhạc viện Tchaikovsky nổi tiếng với chuyên ngành viết "opera". Những opera Việt Nam của ông như Cô Sao, Người tạc tượng, Nguyễn Trãi ở Đông Quan là những đỉnh cao âm nhạc Việt Nam ở mọi thời đại. Ông cũng là một tài danh âm nhạc được thiên định từ thuở thiếu thời và phát lộ rực rỡ từ chớm thanh xuân đến ngày tạ thế 17-5-1991.

. Văn Cao sinh tháng Dậu nhằm ngày rằm Trung Thu của năm Quý Hợi 1923 tại Nhà máy nước Hải Phòng dù quê ở Vụ Bản - Nam Định. Âm nhạc đến với Văn Cao từ những giờ học nhạc ở trường Saint - Joseph - một trường dòng lớn ở Hải Phòng.

img
Nhạc sĩ Văn Cao

Vì sao mùa thu sinh nhật tuổi 16 lại mang đến cho Văn Cao một nỗi buồn mênh mông đến thế? Chính Văn Cao cũng không hiểu nổi. Chỉ biết năm đó, mùa thu đóá là mùa thu vĩnh biệt trần thế của văn tài Vũ Trọng Phụng. Văn Cao viết bài hát đầu tay Buồn tàn thu tràn đầy âm hưởng ca trù như để khóc Vũ Trọng Phụng: ''Đêm mùa thu chết - Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng". Buồn tàn thu gợi cho ta cảm giác đường bay cứ xoay vòng trong gió cuối thu của chiếc lá vàng, đã rơi xuống đất thì gió lại lốc bay lên và lại rơi xuống đất. Cái dùng dằng này rất Á Đông sẽ còn được Văn Cao sử dụng rất nhiều trong bút pháp sáng tạo. Đó là sự ảnh hưởng nghệ thuật diễn xướng tinh tế, sâu lắng của ca trù.

Nhưng ngoài con người nghệ sĩ từ chớm thanh xuân, trong Văn Cao còn có con người hiệp sĩ. Tham gia Hướng Đạo rồi tham gia vào đội trừ gian của Việt Minh, Văn Cao vừa viết ra những tình ca bay bổng trên vòm trời âm nhạc như Suối mơ, Thiên thai, Bến xuân, Trương Chi... ông còn viết ra những hành khúc yêu nước và cách mạng sôi sục tâm huyết trai trẻ và đặc biệt là Tiến quân ca - bài hát dành cho lực lượng vũ trang Việt Minh...

Sau cách mạng Tháng Tám, Văn Cao trở thành tác giả Quốc ca Việt Nam và đã dâng hiến cho chiến tranh chống Pháp những tác phẩm xuất sắc như Trường ca sông Lô, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Làng tôi, Ngày mùa... và đặc biệt là ''Tiến về Hà Nội'' - một hành khúc dự báo trước ngày về giải phóng thủ đô từ nhiều năm trước.

Cái lớn lao trong quan điểm nghệ thuật của Văn Cao đã được ông nhận ra từ chớm thanh xuân là phải có những sáng tạo với một tư tưởng sâu sắc bằng một bút pháp mới lạ. Quan điểm ấy không phải lúc nào cũng đồng thuận với suy nghĩ của xã hội. Văn Cao có nhiêu năm tháng cô đơn. Song càng cô đơn, ông càng lớn lao trong sáng tạo. Không viết nhạc thì ông dồn vào thơ, hun đúc cho hội họa. Ông là một tài danh mà ánh sáng tỏa ra cả ba vùng nghệ thuật là thơ ca, âm nhạc và hội họa.

Ba tài năng âm nhạc, người chết trẻ ở tuổi 24 như Đặng Thế Phong, người thọ tuổi ''nhân sinh thất thập" như Đỗ Nhuận, Văn Cao. Nhưng tác phẩm của họ thì đều bất tử.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo