Phần lớn từ điển tiếng Việt chỉ giải thích nghĩa bóng, với dị bản "Mười [trăm] voi không được bát nước xáo": - "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (nhóm Vũ Dung):
"Mười voi không được bát nước xáo" [Nấu xáo voi; Tràng ba mươi khoát không được một tấc; Trăm voi không được bát nước xáo] (nước xáo: nước luộc thịt) Ba hoa khoác lác, hứa hẹn suông, nói thì to tát, mà rốt cuộc chẳng có gì cả".
- "Từ điển tục ngữ Việt" (Nguyễn Đức Dương): "Mười voi không được bát nước xáo: (Làm thịt) những mười con voi mà vẫn chẳng nấu nổi được một bát nước xáo (cho ngọt thì quả là chẳng còn lời nào để chê cho đáng nữa). Hay dùng để mỉa mai những kẻ khoác lác, quen huênh hoang một tấc đến trời".
- "Tục ngữ lược giải" (Lê Văn Hòe): "Nói ba voi không được bát nước sáo = Nói bậy bạ khuếch khoác quá, lời nói ấy cũng giống như làm thịt ba con voi mà chẳng được một bát nước sáo, tức là lời nói vô-vị, vô bờ không thể tin".
- "Kể chuyện thành ngữ tục ngữ" (Hoàng Văn Hành chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, 2002) giải thích: "Số là, nước xáo thịt voi vốn chẳng màu mỡ màng riêu cua gì, trong như nước lã, nhạt như nước ốc vậy! Do đó, dẫu có ba voi, mười voi, thậm chí nhiều hơn nữa mà đun nấu lên cũng chẳng thành nước xáo được, dù chỉ một bát thôi".
Trước hết, ta hãy xem "nước xáo" là gì đã.
- "Từ điển tiếng Việt" (Vietlex) giảng: "nước xáo": d. như nước xuýt; trăm voi không được bát nước xáo (tng)". Mục "nước xuýt: d. nước luộc thịt, luộc lòng: nước xuýt gà ~ nồi nước xuýt. Đn: nước xáo". "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" (GS Nguyễn Lân): "nước xuýt": dt. Như nước xáo <> Đi ăn cỗ chẳng lẽ chỉ để húp bát nước xuýt ư?".
Có lẽ, sau món nướng, luộc là cách chế biến thịt cổ xưa nhất của loài người. Mổ thịt con gia súc, người ta bỏ tất cả vào một cái nồi và đun lên. Theo đó, "nước xuýt" (tiếng Mường "rác looc xyt" = nước luộc thịt), thường có hương vị tổng hợp của xương, thịt, lòng, mề, tim, gan, tiết... rất hấp dẫn. Tuy nhiên, dù nhạt nhẽo, vô vị, hay ngon ngọt hấp dẫn đến đâu, "nước xuýt" vẫn chỉ được xem là một thứ "phụ phẩm", không bao giờ được "tính món" trong mâm cỗ (nếu có). Không ai dám đem "nước xuýt" mà cho, biếu ai bao giờ.
Đối với voi, đây không phải gia súc hay đối tượng săn bắt để lấy thịt. Voi thường tượng trưng cho sức mạnh, sự to lớn, cao sang. "Ba voi" tượng trưng cho số nhiều ("mười voi", "trăm voi" chỉ là cách nói có ý nhấn mạnh thêm sau này). Ở đây, ý dân gian phê phán thói ba hoa, khoác lác, nói thì to tát, ghê gớm lắm nhưng thực tế lại chả có gì, đến cái kém nhất cũng không. Chẳng khác nào nói chuyện (chưa từng thấy) là làm thịt voi. Mà làm thịt một con đã là ghê gớm rồi, đằng này lại là thịt những ba con! Thế mà rốt cuộc, một mẩu thịt voi không có đã đành, đến bát nước xáo (cái kém nhất) cũng không. Cách nói này giống như câu "Tràng ba mươi khoát không được một tấc" mà từ điển Vũ Dung đã dẫn. Nghĩa là nói "ba mươi khoát" [dài nhất] nhưng cuối cùng một tấc [ngắn nhất] cũng không được. Hay cách nói "Mình tiếp nó mâm cao cỗ đầy, vậy mà đến nhà nó, ngụm nước cũng không có mà uống!". "Ngụm nước" ở đây tượng trưng cho cái tối thiểu của phép xã giao tỏ lòng mến khách mà thôi.
Dùng hình tượng con voi to lớn để tạo sự tương phản còn có câu "Hò voi, bắn súng sậy" (hò hét thì ầm ĩ, rầm rộ; làm thì quá yếu ớt); hay "Lên voi, xuống chó" (khi lên thì cao sang tột đỉnh; lúc xuống thì thấp kém tận cùng)…
Bình luận (0)