Có những câu hỏi, tự nó đã là một câu trả lời. Trong trường hợp éo le này, vừa thốt ra đã nghe đầu làng cuối xóm đồng thanh như từ một miệng thốt ra: “Không”.
Trong tiếng Việt, “cho” có nhiều nghĩa, có thể hiểu nôm na hành động này thể hiện sự tự nguyện, tự giác. Anh chàng si tình trong thơ Xuân Diệu đúng là “dân chơi” thứ thiệt: “Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất/Anh cho em, kèm với một lá thư/Em không lấy, và tình anh đã mất/Tình đã cho, không lấy lại bao giờ”. Đã cho, dù người ấy có nhận hay không thì cũng xem như xong. Không lăn tăn nghĩ ngợi hơn thiệt gì nữa. Tấm lòng ấy cao thượng lắm, nhất là trong chuyện yêu đương tình ái.
Đôi lúc, “cho” còn là thỏa thuận giữa đôi bên. “Ông mất chân giò, bà thò nậm rượu”, “Có qua có lại mới toại lòng nhau”. Mà dù gì đi nữa, một khi đã “Bánh ít trao đi, bánh quy trao lại”, sau đó dẫu có trục trặc, không hài lòng thì chẳng đấng mày râu nào thảng thốt, cuống cuồng, gào lên giữa thanh thiên bạch nhật: “Đem tiền cho gái có đòi được không?”.
Câu hỏi đó, nếu xảy ra thì chỉ có thể là “đàn ông mặc váy”!
Gần đây, lúc trà dư tửu hậu, trên các trang mạng xã hội, dư luận quan tâm nhiều đến “sự kiện” đại gia nọ quyết tâm đeo đuổi vụ kiện: bằng mọi cách phải đòi cho bằng được số tiền 16,5 tỉ đồng đã cho giai nhân. Nội tình của nó còn lằng nhằng, tòa đang phân xử, yêu cầu điều tra thêm, chưa có kết luận cuối cùng. Đúng - sai như thế nào thật ra chẳng ai rỗi hơi quan tâm.
Tuy nhiên, thiên hạ bàn tán, bình luận chỉ vì đại gia đó kiện người đã từng đầu ấp tay gối, mặn nồng gối chăn với mình. Vấn đề chính là chỗ đó. Đã là đàn ông, không thể chọn giải quyết mâu thuẫn bằng cách lôi người đẹp ra tòa. Đã từng ăn nằm cùng nhau, nay tung hê mọi thứ trong phòng the ra giữa bàn dân thiên hạ, vậy hóa ra câu thơ: “Thông minh nhất nam tử” của Nguyễn Công Trứ trật lất sao?
Trong tác phẩm “Ngồi từ khám lớn” (in năm 1929), Phan Văn Hùm kể lại lúc cùng nhà cách mạng Nguyễn An Ninh vì lập “hội kín”, đánh Cai Nên mà phải vào tù. Do vào khám nên tác giả mới biết ở sau song sắt, người tù khinh bỉ nhất là kẻ phạm tội hiếp dâm, ức hiếp, lừa gạt đàn bà con gái, kể cả loại “quất mã truy phong”... Cách trừng phạt trong tù mà ông Hùm chứng kiến là “đại bàng” bắt kẻ đó, mỗi ngày phải quỳ úp mặt vào hố tiêu mà vái lạy và nói to: “Tui lạy ông cố nội của tui”. Kể lại chuyện này để thấy giới giang hồ miền Nam thuở trước cũng có những ràng buộc không cho phép vượt qua, dù là hạng cắc ké đi nữa.
Tóm lại, những gì liên quan đến phụ nữ, nhất là người đó với mình đã từng thổn thức như câu thơ của Đinh Hùng: “Ôi hoa kề vai, hương ngát mái đầu/Đêm nào nghe bước mộng trôi mau/Gió ơi gởi gió lời tâm niệm/Và nguyện muôn chiều ta có nhau”. Thế mà nay, lại lôi tuột nhau ra tòa kiện tụng vì tiền nong thì rõ ràng chẳng ra làm sao. Sự việc trên kết quả dù có ra sao đi nữa nhưng đàn ông chọn cách hành xử ấy, có đáng mặt “nam nhi chi chí”?
Lâu nay, khi đọc kiệt tác “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng, ai cũng ghét Nghị Hách bởi lão ta đã cưỡng hiếp Thị Mịch ngay trên xe hơi. Loại người ấy vô đạo đức lắm. Lúc thú tính nổi lên, lão ta hứa hẹn: “Im ngay! Quan sẽ cho nhiều tiền”. Khi sự việc vỡ lở, Nghị Hách còn nhận Thị Mịch làm vợ lẽ nữa đấy. Và dù rằng trong đêm động phòng, nhìn cái bụng Thị Mịch đã to vượt mặt: “Lão ta vỗ vào bụng vợ bốp một cái, kêu to lên: - Thế này thì còn nước mẹ gì nữa!”. Đành chấp nhận mọi chuyện. Có ăn thì có chịu chứ lão ta không hề giở trò tìm phần thắng về mình như ai kia.
Và so với ai kia, nhân vật phản diện Nghị Hách vẫn còn “chịu chơi”, đáng mặt đàn ông hơn nhiều. Lão ta không hề ngửa mặt lên trời mà thở than, rống riết: “Đem tiền cho gái có đòi được không?”, chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ.
Bình luận (0)