Anh Lê Công Thế nửa đùa nửa thật: “Tôi mê phim từ nhỏ nhưng không có cơ hội thành diễn viên, nên được xuất hiện trên phim dù chỉ là đóng thế cũng là một công việc thú vị”. Sau đó, hàng loạt các bộ phim cùng thể loại như Ngọc Trảng thần công, Tây Sơn hiệp khách, Lửa cháy thành Đại La... ra đời tạo nên một “làn sóng” phim võ hiệp, nhu cầu cascadeur trở nên cần thiết. Qua 12 năm hoạt động, số thành viên của CLB Cascadeur lên đến 100 người (40 người thường xuyên và 60 cộng tác viên). Thành viên nữ trong CLB trên dưới 10 người, nên chuyện cascadeur nam hóa trang thành nữ để “đúp” cho các vai người đẹp trong những pha hành động là chuyện “thường ngày ở huyện”.
Nghề... “hai không”
Nếu như các cascadeur nước ngoài được sự hỗ trợ của kỹ xảo, các phương tiện trang thiết bị bảo hộ hiện đại thì cascadeur VN hoàn toàn “tự thân vận động”, nhưng là nghề “hai không”: không trang, thiết bị hiện đại, không được bảo hiểm. Đến tận nơi tập luyện của CLB Cascadeur mới thấy thương và thán phục tinh thần lao động nhiệt tình, hết mình vì nghệ thuật của họ. Trời Sài Gòn buổi trưa nóng như thiêu đốt, vậy mà từ 12 giờ đến 14 giờ các ngày thứ hai, tư, sáu, hàng chục anh chị em trong CLB vẫn miệt mài đổ mồ hôi trên sàn tập để tập dượt những pha bay, nhảy, té, nhào lộn, đánh đấm... Nơi tập luyện chỉ là một căn phòng nhỏ ở CLB Hồ Xuân Hương mà CLB mượn tạm.
Trang thiết bị, dụng cụ vừa thiếu vừa cũ kỹ. Chiếc giường nhún sản xuất từ năm 1967 đến giờ vẫn chưa đủ tiền mua cái mới để thay, vì giá giường mới đến 2.500 USD/cái. Nệm hơi giá 100.000 USD/cái cũng không có, đành ghép tạm... hai tấm nệm thường xài đỡ. Cũng chỉ vì nghèo nên trong các cảnh quay cháy nổ, các cascadeur Việt Nam luôn sử dụng xăng thật thay cho hóa chất cháy và chỉ mặc đồ ướt bên trong thay vì thoa hóa chất chống cháy chuyên nghiệp. Anh Lê Tiến Dũng nhớ lại: “Lần quay cảnh cháy trong phim Người thừa ở Sapa, do ở nhiệt độ thấp nên hóa chất cháy thoa trên người diễn viên không phát huy tác dụng, đành dùng xăng tưới lên người để gây ép phê”. Nhưng thông thường “cái khó ló cái khôn”, sau nhiều lần tham gia với các đoàn làm phim nước ngoài, anh Lê Công Thế đã tự mày mò chế ra hóa chất chống cháy giá rẻ, một thùng 20 kg chỉ tốn 2 triệu đồng, trong khi giá thùng ngoại đến 2.000 USD/thùng 20 kg.
Thầm lặng chịu đựng
Muốn phát triển, điện ảnh Việt Nam nhất thiết không thể thiếu đội ngũ cascadeur. Có thể nói không ngoa rằng cascadeur là những “người hùng” giấu mặt trên màn ảnh. Thế nhưng ngoài đời những “người hùng” đó vẫn chưa có được một chính sách đãi ngộ xứng đáng. Họ vẫn phải đối diện với cuộc sống mưu sinh đầy lo toan và vẫn tiếp tục cống hiến hết sức mình cho điện ảnh nước nhà trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện mà không được hưởng một chế độ bảo hiểm, đãi ngộ nào từ Nhà nước, đoàn làm phim hay chính sách hỗ trợ nào từ Hội Điện ảnh TPHCM. Ngay với các liên hoan phim trong nước cũng không có giải thưởng nào dành cho đội ngũ này...
Nữ nghệ sĩ - Nhà giáo Ưu tú Thu Vân - nữ cascadeur đầu tiên của Việt Nam - hiện đang chống chọi với căn bệnh ung thư. 12 năm qua, chị không được hưởng một chế độ bảo hiểm hay chính sách đãi ngộ nào. Nhưng, mỗi khi nhắc đến nghề cascadeur, chị Thu Vân không hề nghĩ đến mình mà chỉ ước ao sao cho đội ngũ cascadeur được đầu tư đúng mức.
(*) Xem Báo NLĐ từ số ra ngày 1-7-2003
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Họ cần được tiếp sức
Cascadeur VN rất yêu nghề. Nhưng vì kinh phí làm phim, nhất là phim truyền hình ở nước ta còn thấp, nên thù lao cho cascadeur chưa tương xứng. Ở ta, công tác bảo hộ, bảo hiểm cho họ còn chưa có, dụng cụ nghề nghiệp còn thiếu rất nhiều nên thực hiện các pha bay, nhún, nhảy... rất nguy hiểm. Nếu cascadeur Việt Nam được tiếp sức thêm về dụng cụ nghề nghiệp, thù lao tương xứng thì nghề này mới phát triển hơn được, phim Việt Nam mới có các pha hấp dẫn như nước ngoài.
Đạo diễn Lê Cung Bắc: Phải có bảo hiểm cho cascadeur
Cascadeur là một đội ngũ không thể thiếu được trong điện ảnh nước ta. Nhưng thù lao chưa tương xứng, bảo hiểm nghề nghiệp không có, phương tiện làm việc thì thiếu và yếu. Theo tôi, phải có một quy định là mỗi khi làm phim nào có sử dụng cascadeur thì trong tổng dự toán làm phim phải có dự toán về bảo hiểm cho cascadeur.
Bình luận (0)