Hiện nay, trong hậu trường các sân khấu đang rộ lên chuyện sử dụng “bửu bối” nhắc tuồng bằng chiếc máy “nhắc tuồng điện tử”. Đây là loại máy bộ đàm mini, giá từ 700.000 đến 2,5 triệu đồng.
Khóc, cười vì cái máy nhắc
Người nhắc tuồng đeo ở ngực áo một micro nhỏ, còn nghệ sĩ đeo dây nghe vào tai. Diễn viên cứ thế diễn, người nhắc tuồng cứ thế nhắc. Diễn viên ngày nay, nhất là diễn viên ngôi sao, chẳng thèm học tuồng, người nhắc tuồng đọc sao thì hát như thế. Một số ngôi sao cải lương hiện nay ra sân khấu diễn tuồng cổ nhưng trên tai vẫn đeo dây nghe, trông rất phản cảm. Lợi thế của máy nhắc tuồng là giúp cho người nhắc tuồng không phải dồn sức gào lên trong cánh gà, còn diễn viên không cần phải tập trung lắng tai nghe lời thoại từ trong vọng ra mà quên mất diễn. Nhưng kinh nghiệm của dân trong nghề cho biết tai hại xảy ra từ chiếc máy nhắc tuồng này là không ít. Đã có trường hợp vở diễn đang diễn ra nửa chừng thì máy nhắc tuồng hết pin, diễn viên kêu trời, người nhắc tuồng khóc ròng... Có trường hợp máy nhắc nhiễu sóng, thay vì một người nghe thì tất cả các dây nghe đều bắt sóng. Vậy là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Vở diễn rối tung cả lên vì chiếc máy nhắc.
Nghe nhắc đến đâu diễn đến đó
M.D cho biết: “Tôi tốt nghiệp nghề diễn viên, nhưng muốn có một vai diễn tại một sân khấu kịch nên phải nhảy vào làm nghề nhắc tuồng”. Không ít sinh viên sân khấu ra trường phải bắt đầu nghề nghiệp của mình bằng công việc nhắc tuồng, như: Quốc Huy, Đoàn Bình, Hữu Phong, Mạnh Cường, Quang Chi, Thanh “lùn”... M.D nói: “Ban đầu tưởng dễ làm nhưng thời buổi diễn kịch chụp giựt như hiện nay tôi đã gặp quá nhiều khó khăn, nhọc nhằn. Vì hầu hết kịch bản khi lên sàn tập đều bị đạo diễn phá tung. Chưa kể diễn viên tự ý chế biến lời thoại nên phải chép lại toàn bộ kịch bản như một sáng tác mới”.
Chị Ngọc Bích, một chuyên gia nhắc tuồng lâu năm, cho biết chị phải đi học vi tính cấp tốc để bổ sung cho nghề nghiệp của mình. Vì nếu chép tay, trong bóng tối hậu trường sân khấu, chữ viết đọc không rõ sẽ bị diễn viên la mắng. Sau phúc khảo, có vở diễn bị hội đồng nghệ thuật đề nghị sửa chữa, các vai diễn thường trở nên rắc rối, câu thoại xáo trộn... Nếu người nhắc tuồng không có kiến thức thì vở diễn sẽ như một mê hồn trận. Với người có trách nhiệm, họ chịu khó chép lại toàn bộ kịch bản, còn người lơ là, phó thác vào cái máy thì suất diễn bao giờ cũng bị “óc trâu”, nhếch nhác.
Bí quyết của chị Lan Vy – chuyên nhắc tuồng cho vidéo hài - là sắm chiếc máy ghi âm, thu lại tất cả những mảng miếng của diễn viên trên sàn tập, sau đó đánh vi tính ghép vào kịch bản, vì ngôi sao hài A, diễn viên hài B lúc tập cương ẩu, không nhớ mình nói gì. Có nghệ sĩ còn lệ thuộc cả vào việc để cho người nhắc tuồng hướng dẫn cách diễn. Vì có quá nhiều sô nên không nhớ phải diễn như thế nào, họ cứ như một cái máy, nghe người nhắc tuồng hướng dẫn đến đâu thì diễn đến đó.
Chuyện diễn viên bê trễ trên sàn tập đã thành phổ biến. Ngay cả ở các trường quay truyền hình cũng vậy. Khi thiếu diễn viên, người nhắc tuồng phải ra sàn tập thế, để đủ vai cho các diễn viên khác tập. Nhờ vậy các vai diễn trong một vở tuồng họ đều thuộc lòng.
Nhọc nhằn mưu sinh, hao mòn sức lực
Ở sàn diễn cải lương nghề nhắc tuồng còn nghiệt ngã hơn. Có kịch bản tập cả tháng nhưng khi đưa ra diễn chỉ tồn tại vài suất. Khổ nỗi là tất cả các diễn viên đều trông cậy vào người nhắc tuồng, nên công việc của họ nặng nề hơn và dễ gặp sự cố hơn. Anh Phúc, chuyên gia làm nghề nhắc tuồng với 30 năm đã từng than: “Nghề này ho ra máu là chuyện thường, vì suốt một tuần tập, tối phải nhắc tuồng ở rạp, sáng đi quay vidéo, bán rẻ lá phổi để kiếm miếng cơm, nhưng đâu có yên. Hễ suôn sẻ thì không ai khen, nhưng sai một chút là bị nghệ sĩ ngôi sao rầy”. Nhìn những quyển kịch bản cải lương nổi tiếng được ghi chép, ghép nối tỉ mỉ mới thấy hết được mồ hôi, nước mắt và những cơ cực của nghề nhắc tuồng. Tuy nghề nhắc tuồng hiện nay có khá hơn, nhưng họ không được bảo hiểm xã hội, không có bảo hiểm y tế. Người nhắc tuồng đội nắng, dầm mưa, lăn – lê – bò - toài trên phim trường là chuyện thường ngày.
Dù kiếm được miếng cơm manh áo từ cái nghề này nhưng thực lòng những người làm nghề nhắc tuồng chẳng muốn nó tồn tại. Bởi làm nghệ thuật chân chính thì người nghệ sĩ phải thuộc tuồng, thuộc lời thoại, có như vậy vai diễn mới thấm vào máu thịt diễn viên, nhân vật trên sân khấu trên phim mới thật sự có hồn.
NSƯT Trần Ngọc Giàu, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM: Chỉ nên tồn tại trên sàn tập Sân khấu năm 2005 muốn phát triển tốt phải có phương cách làm việc nghiêm túc. Qua các mùa liên hoan, hội diễn sân khấu, hầu hết các đoàn đều không cần đến người nhắc tuồng. Vì phải thuộc làu và am hiểu nhân vật như hơi thở của mình thì mới thôi thúc nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo. Tôi nghĩ công việc của người nhắc tuồng chỉ tồn tại trên sàn tập, đó là công việc một thư ký cho đạo diễn. Đến xem các vở của một số sân khấu kịch, cải lương, nghe rõ tiếng người nhắc tuồng át cả tiếng diễn viên mà thấy thất vọng vô cùng, vì sân khấu chuyên nghiệp không thể tồn tại kiểu làm như vậy. |
Bình luận (0)