Bà Tám Phụng đã nhận nhà thơ là con và gọi nhà thơ là Cậu Mười. Bà qua đời tháng 5-1976.
Cứ mỗi độ Xuân về là chúng ta lại nhớ đến nhà thơ-nhà giáo Vũ Đình Liên, như chính ông đã từng tưởng nhớ đến hình bóng Ông đồ vào mỗi năm Tết đến, hoa đào nở.
Có lẽ không cần phải nói nhiều về thân thế và sự nghiệp của ông, hay bình luận dài dòng về bài thơ bất hủ Ông đồ, vì qua bao năm, kể từ khi thi phẩm Ông đồ lần đầu tiên xuất hiện trên Báo Tinh Hoa vào năm 1936, cho đến hôm nay, người đời đã tốn biết bao giấy mực để tấm tắc ngợi khen bài thơ trác tuyệt này, cũng như nghiêng mình ca tụng người đã trút hết tâm hồn và tinh túy ra mà viết nên nó.
Hôm nay, được sự cho phép của người lưu giữ bút tích nhà thơ-nhà giáo Vũ Đình Liên đề tặng, tôi xin giới thiệu bài thơ Bóng ông Đồ, xem như là Ông đồ 2 - một sự tiếp nối hoàn hảo-mà nhà thơ đã âm thầm như một con tằm nhả tơ trong những năm tháng cuối của cuộc đời. Nhưng trước tiên, tưởng cũng cần nói qua về mối quan hệ giữa nhà thơ và người được nhà thơ đề tặng bài thơ Bóng ông Đồ chưa hề được công bố.
Khoảng cuối năm 1944, nhà thơ “Ông đồ” Vũ Đình Liên cùng Ban kịch Tinh Hoa nổi tiếng (thuộc Sở Nhà đoan) ở Hà Nội được lệnh di tản tránh bom vào đến Quy Nhơn -vùng đất của “Tứ tinh - Bàn thành tứ hữu” (Hàn Mặc Tử - Long, Yến Lan - Lân, Quách Tấn - Quy, và Chế Lan Viên - Phụng)- tình cờ đọc được tập thơ Chơi hè của nhóm văn thi sĩ gồm: Trần Thanh Địch, Lê Đình Ngân, Tố Trai, Hoàng Đình Ngâm, B.Đ. Ái Mỹ, Trinh Tiên và một số thi hữu khác... Trong tập thơ này, bài thơ Những giọt huyết ngà của Trinh Tiên đã gây ấn tượng sâu đậm cho ông, rồi nhà thơ đã tự tìm đến nhà của nữ sĩ và chồng của bà là B.Đ Ái Mỹ để kết tình thi hữu. Sau khi tự giới thiệu về mình, ông đã chân tình nói: Tôi vừa đọc xong tập thơ văn này tại quán cà phê Nam Xuân, tìm thấy địa chỉ của anh chị ghi trong ấy là tôi đi thẳng đến đây ngay. Bài thơ của chị hay và độc đáo quá, tôi đã đọc kim cổ Đông Tây mà chưa thấy bài thơ nào do một người mẹ lấy nguồn cảm xúc từ con cái mà sáng tác lại thần tình đến thế!”. Vậy là sau đó, những người của văn chương thi phú vốn chưa hề thân quen, ở cách xa nhau hàng mấy trăm cây số, chỉ từng nghe danh và mến mộ tài nhau qua báo chí - văn thi đàn đã trở thành bạn tri âm của nhau.
Trong thời gian ở lại Quy Nhơn, nhà thơ Vũ Đình Liên đã cùng những nghệ sĩ trong Ban kịch Tinh Hoa thường xuyên lui tới thăm hỏi gia đình nữ sĩ, trông thân thiết cứ như là những người bạn cố cựu chi giao vậy. Đến khi vở kịch thơ Bóng giai nhân được Ban kịch dàn dựng do chính “Ông đồ” làm đạo diễn, ông đã khăng khăng mời nữ sĩ Trinh Tiên thủ vai giai nhân mà không chịu một ai khác, vì một lẽ đơn giản: Nữ sĩ rất đẹp và quý phái, rất phù hợp với vai giai nhân trong vở kịch, mặc dù bà đã có hai con. Nhà thơ Yến Lan-tác giả kịch bản - sau này khi xem diễn tập cũng phải đắc ý gật gù khen: “Cái ông Liên này quả có con mắt tinh thông chọn người!”. Nhưng, sau khi vở kịch đã được giao vai tập xong nhuần nhuyễn, chỉ còn một tuần lễ nữa là ra mắt công chúng thì được tin Hoàng thái hậu - mẹ của vua Bảo Đại - qua đời, nên có lệnh cấm xướng ca vui chơi trong vòng một tháng, cuộc trình diễn phải hủy bỏ. Trong thời gian chờ đợi, chỉ trong vòng 10 ngày, nhà thơ Vũ Đình Liên đã viết xong vở kịch thơ Nàng My Ê và đưa ra cho mọi người góp ý, chọn vai để diễn tập. Vai nàng My Ê - vương phi nước Chiêm Thành - lại giao cho nữ sĩ Trinh Tiên, mặc dù trước đó chính nữ sĩ đã giới thiệu 2 diễn viên người Bắc còn trẻ đẹp để ban kịch chọn thủ vai này, nhưng tác giả kịch bản và mọi người đều không đồng ý. Vậy là nữ sĩ Trinh Tiên nhận vai My Ê trong lúc đang còn cho con gái mới 5 tháng tuổi bú. Đang say sưa hào hứng tập vở kịch này, thì đùng một cái có lệnh của Chính phủ gọi cả Sở Nhà đoan trở về Bắc gấp, cả Ban kịch Tinh Hoa phải chia tay bè bạn, giã từ vùng đất Quy Nhơn trong luyến tiếc...
Không ai ngờ được lần chia tay ấy lại kéo dài đến 30 năm đằng đẵng, bạn bè tứ tán mỗi người một phương, mất liên lạc nhau cho đến khi đất nước thống nhất. Cuối năm 1975, nhà thơ vũ Đình Liên đã không quản đường xa từ Bắc vào Nam, lặn lội thăm hỏi tìm kiếm và gặp được lại gia đình nữ sĩ Trinh Tiên ở thành phố biển Nha Trang với nước mắt mừng vui khôn xiết. Trong lần trùng phùng tái ngộ này, khi được nhắc hỏi về vở kịch thơ Nàng My Ê, nhà thơ “Ông đồ” đã cho biết: “Tôi soạn vở kịch ấy là vì nhân vật My Ê, mà nhân vật My Ê là nhân vật được dựng lên cho dáng vóc của Trinh Tiên, nhưng biền biệt tháng năm như thế thì còn để làm gì, cho nên tôi đã thiêu hủy kịch bản này rồi!”. Bảy năm sau, nhân Xuân về Tết đến, với đôi tay đã run run và đôi mắt đã mờ kém, nhà thơ “Ông đồ” khai bút đầu Xuân bài thơ Bóng ông Đồ lên một mảnh giấy cắt từ giấy lịch treo tường, không quên dán thêm một dải giấy điều đỏ “đúng điều ông đồ của hồn xưa phách cũ”, rồi đề tặng gửi vào cho hai bạn B.Đ.Ái Mỹ và Trinh Tiên thay cho một thiệp chúc Tết năm Nhâm Tuất 1982 (trong bút tích lưu lại, nhà thơ đã viết nhầm là Nhâm Tý 1982 - chú thích của người viết). Tháng 8 cùng năm, nhà thơ Vũ Đình Liên trong chuyến Nam du lại ghé Nha Trang thăm gia đình nữ sĩ Trinh Tiên lần thứ hai, ở lại chơi rất lâu cùng với các con các cháu của vợ chồng nữ sĩ. Bút tích bài thơ Bóng ông Đồ của nhà thơ được nữ sĩ Trinh Tiên gìn giữ cẩn thận cùng với những thư từ và thi phẩm chép tay khác của ông, như một bảo vật của gia đình trong nhiều năm qua. Xin giới thiệu lại nguyên văn như sau:
Khai bút Xuân Nhâm Tý 1-1982
Thân gửi anh chị Ái Mỹ Trinh Tiên và các cháu thân mến
Bóng ông Đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy bóng ông đồ
Bút nghiên và giấy đỏ
Ngồi đúng chỗ ngồi xưa
Ôi! Cái nghiệp nghiên bút
Tô điểm cho cuộc đời
Người chết nghiệp không chết
Nơ tiền kiếp luân hồi
Trải trăm ngàn dâu bể
Giấy mực màu không thay
Chữ Nhân và chữ Nghĩa
Vẫn những nét thẳng ngay
Ông Đồ vẫn ngồi đấy
Khăn áo bạc màu dưa
Nhắc cho người qua thấy
Lẽ Nhân đạo, Thiên cơ
Cách Mạng là nhân nghĩa
Ông Đồ là thi thư
Chữ tuôn dòng Thiện Mỹ
Từ ngón tay ông Đồ.
- Chúc mừng năm mới -
Vũ Đình Liên
Vậy là bài thơ Bóng ông Đồ sáng tác vào Xuân Nhâm Tuất đến Xuân Bính Tuất hôm nay vừa tròn hai con giáp, 24 năm rồi mà rất ít người được biết đến... Ngoài bút tích bài thơ Bóng ông Đồ ra, nữ sĩ Trinh Tiên còn lưu giữ cẩn thận những bản chép tay các bài thơ ngũ ngôn khác của nhà thơ Vũ Đình Liên, như: Thêm bốn đêm ngày ở Nha Trang viết ngày 14-8-1988; Cảm tác nhân Ngày Nhà giáo và đón tuổi 75 viết vào tháng 11-1986; Cùng Liên Nam đến thăm Quách Tấn viết ngày 14-8-1988; Mừng Tết Tân Mùi 1991 làm tặng cố họa sĩ Bùi Xuân Phái nhân dịp kỷ niệm 5 năm Triển lãm hội họa đầu tiên của họa sĩ trường phái tranh Phố (22.12.1984 - 22.12.1990); bài thất ngôn tứ cú Thắp hương bàn thờ bạn viết tặng B.Đ. Ái Mỹ và cả một tập thơ Tình nghĩa chép tay gồm 23 bài thơ ngắn được viết trong khoảng thời gian vào thăm Nha Trang lần thứ hai vào năm 1982...
Năm 1987, trên đường vào TPHCM thăm con cháu trở về, “Ông đồ” lại ghé đến Nha Trang, thắp nén hương tưởng nhớ đến người bạn B.Đ Ái Mỹ khi ấy qua đời đã 1 năm, rồi ở lại cả tuần lễ để chia sẻ nỗi buồn mất mát với gia đình nữ sĩ Trinh Tiên, như một người anh, người bác cùng huyết thống. Năm sau, nhà thơ lại dừng chân ở Nha Trang trên đường vào Nam, ở lại bốn ngày đêm (từ ngày 11 đến 14-8) để thăm hỏi các con của bạn và thi sĩ Quách Tấn. Năm 1992, trước khi vào TPHCM thăm con cháu, nhà thơ lại nặng lòng với miền thùy dương cát trắng nên lại ghé đến một lần nữa trong mấy ngày, lúc này sức khỏe của ông đã suy yếu nhiều, đôi mắt đã rất kém. Thời gian sau đó, nhà thơ vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi bạn thơ, các cháu khắp nơi, cho đến khi thanh thản ra đi về cõi xa xăm đầy ắp thi ca và nhạc du dương réo rắt (18-1-1996) trong niềm thương tiếc của bạn bè, của đông đảo học trò và của muôn người yêu thơ bao thế hệ... *.
Bình luận (0)