Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây: Bài hát bất tử
Nguyễn Chiểu (Q. Tân Phú - TPHCM)
![]() |
Ca sĩ Thanh Thúy |
Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm. Những người lính Trường Sơn trong đơn vị chúng tôi năm xưa, nay có dịp gặp lại, cứ tay bắt mặt mừng, ôm nhau bồi hồi xúc động... và rất tự nhiên, cùng nắm tay nhau, hát lên những bài hát về Trường Sơn hào hùng, chan chứa nghĩa tình đồng đội. Một trong những bài hát mà chúng tôi vẫn say mê hát: Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây.
Bài hát có thể nói là rất thành công về mặt nghệ thuật, cảm xúc - trữ tình, song cái hay hơn có lẽ nói lên được cảm xúc lớn của thời đại, của cả một thế hệ trẻ, của cả dân tộc.
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây...
Bài hát có cái nhân duyên gặp gỡ giữa nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người viết thơ, người phổ nhạc, dường như có cùng cảm hứng lịch sử, cùng hát lên, nói lên tiếng lòng của mình. Cả hai đã phản ánh được tình cảm đằm thắm và sức sống mãnh liệt, niềm tin tất thắng trong trái tim người chiến sĩ Trường Sơn.
Trường Sơn trong trái tim của mỗi chúng ta luôn chứa đựng tình cảm lớn lao và cũng rất đỗi thiêng liêng, là huyết mạch của con đường tiến về giải phóng miền Nam, là những đoàn quân từ Bắc vào Nam trùng trùng điệp điệp, là cuộc hành quân lớn của hậu phương chi viện cho tiền tuyến với cả tình cảm máu thịt một nhà. Đây cũng là con đường đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh, song vượt lên trên tất cả sự gian nan, đó là niềm tin sắt son, là tính chất anh hùng ca đầy vẻ lãng mạn cách mạng của những người ra trận.
Bài thơ, bài hát sáng tác từ năm 1969 với cấu trúc nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, rất đời thường của chất lính. Giai điệu bài hát đẹp, tiết tấu dễ hát, tính trữ tình quyện chặt với tính hùng ca nhưng âm nhạc có tính dân gian, không cầu kỳ.
Anh lên xe, trời đổ cơn mưa,
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi tương tư...
Mấy chục năm bom đạn khói lửa chiến tranh đã lùi xa, có biết bao bài ca mới đa dạng cũng được nhiều người ưa thích, song bài hát Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây vẫn là một bài ca hay, có sức sống lâu bền, rất nhiều người thuộc lòng, yêu thích. Đối với những người chiến sĩ Trường Sơn như chúng tôi, đây là bài hát bất tử, là nghĩa tình đồng đội và một niềm tự hào mỗi khi cùng nhau hát về Trường Sơn hùng vĩ, anh hùng.
Từ nơi em đưa sang bên nơi anh
Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn...
Giã từ dĩ vãng đã cho tôi thêm nghị lực
Nguyễn Đước (Q.5-TPHCM)
![]() |
Ca sĩ Phương Thanh |
Năm 1997, tôi đậu Đại học Luật TPHCM, từ miền Trung xa xôi vào TP học đại học, lần đầu tiên xa gia đình với tôi là nỗi nhớ nhà vô hạn. Âm nhạc như liều thuốc nhiệm mầu đã giúp tôi vơi đi nỗi nhớ.
Tôi vẫn còn nhớ như in một buổi sáng chủ nhật tháng 12-1997 khi tôi còn đang say ngủ sau một ngày ôn thi, thằng bạn cùng phòng mở chương trình phát thanh Làn sóng xanh để nghe kết quả bình chọn. Trong giấc ngủ chập chờn tôi vẫn nghe lời bài hát “Cô đơn cô đơn nỗi đau, cõi đời lạc lõng như vô tình, sao quên đi những tháng năm, êm đềm hạnh phúc trong tầm tay. Tha phương xa trong cố hương, tiếng còi tàu xé tan cõi lòng. Xót xa khi mảnh đời về đâu đêm tối...”. Ca từ hay và xúc động quá, không thể ngủ “nướng” được nữa, tôi ngồi dậy để nghe hết những lời cuối cùng. Nỗi nhớ nhà và quê hương xứ Quảng thân yêu lại trào dâng, tôi cảm thấy trống vắng hơn bao giờ hết bởi giờ đây tôi đã xa vòng tay yêu thương của bố mẹ, xa “những tháng năm êm đềm hạnh phúc” nhất... Hình ảnh bố mẹ đứng lặng lẽ ngóng theo đoàn tàu dần xa khuất đưa tôi vào Sài Gòn học đại học vẫn mãi trong tim tôi. “... Giã từ dĩ vãng qua đi mùa xuân nắng ấm tình nồng, giã từ dĩ vãng xa xôi lỡ gieo sầu vương mắt ai, giã từ cho ta mong nhớ yêu thương người mãi mãi thôi. Giã từ, giã từ dĩ vãng xưa qua trong mơ”. Vâng, dĩ vãng như là giấc mơ, những khó khăn, vất vả trong cuộc sống rồi sẽ qua, mùa xuân sẽ đến, nắng ấm sẽ lên, cuộc đời sẽ mở rộng cửa để chào đón khi ta biết cố gắng đi lên từ những khó khăn nhất.
Tôi thật sự xúc động khi nghe Phương Thanh hát, cô đã hát bằng cả trái tim mình, năm ấy cô đã vinh dự nhận Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động với ca khúc này. Bây giờ mỗi khi nghe lại bài hát ấy, ký ức ngày ấy cứ ùa về trong tôi. Xin cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, ca sĩ Phương Thanh đã cho tôi và những người yêu nhạc một tác phẩm thật hay.
Lắng nghe lời tình yêu
Đăng Hoàng Phương Thảo (Q.11 - TPHCM)
![]() |
Ca sĩ Hiền Thục |
Cả ca khúc (Dạ khúc của Quốc Bảo do ca sĩ Hiền Thục thể hiện) chỉ vỏn vẹn 16 câu nhưng khi cất lên thành tiếng hát... có lẽ chúng ta sẽ cảm nhận nhiều điều từ ca khúc này. Một nỗi khao khát chỉ vừa đủ, vì có đôi khi vừa đủ là đủ rồi “Cần thêm nắng để em nhìn vào bóng tối”, một sự quan tâm để thấy lòng thêm ấm lại “Cần thêm anh hỏi han cho giấc trưa em yên lành”, để rồi tiếc nuối những “lần hẹn như cuối cùng”.
Sự mềm yếu của con gái đôi khi rất cần được bảo vệ, thế nên người con gái đã tha thiết mong chờ vòng tay của chàng trai hơn bao giờ “Cần thêm anh, cần thêm cho những khi em lo sợ...”. Những ý nghĩ cô đơn trở về mỗi khi màn đêm buông xuống, phải chăng đó là lý do để cô gái “cần, cần thêm nữa...”? Tình yêu là gì chẳng ai định nghĩa chính xác được, chỉ biết tình yêu đem lại những niềm vui kèm những nỗi đau, nỗi buồn vô hạn... Có đôi khi, con người ta phải đắn đo rằng “Cần thêm yêu hay cần thôi biết yêu?”. Và câu hỏi đó mãi chưa có lời đáp.
Điệp khúc của bài hát có đoạn “Đã cần thế, thương thật rồi...”. Cần quá nhiều cho một tình yêu, khẳng định một tình yêu sâu lắng với những mong ước giản đơn... “cần, cần thêm, cần thêm nữa... vì đã thương thật rồi...” nhưng bấy nhiêu thôi vẫn chưa đủ... “Em thêm cần anh đến muôn lần...”, điều này đã cho chúng ta cảm nhận một tình yêu nồng cháy và say đắm lòng người. Có những điều đơn giản đến mức trở nên hết – sức – bình – thường, nhưng khi có một sức mạnh nào đó làm bật dậy trong ta những cảm xúc và khao khát thì điều bình thường đó sẽ trở thành một điều kỳ diệu...
Câu hát gần cuối một lần nữa lại nói lên niềm mong mỏi cháy bỏng cho một tình yêu “Tình có dậy sóng vẫn cứ xin tình nồng...”. Mỗi một tình yêu có một mong ước khác nhau nhưng ở ca khúc này, mong mỏi một tình yêu mãi tồn tại, dù cho có sóng gió, là điều rất khó khăn...
Tôi nhận ra nhiều điều mỗi khi nghe bài hát này: “Hãy quý trọng những gì bạn đang có, hãy yêu và cho đi... rồi bạn sẽ thấy... bạn nhận lại được những gì...”.
Chim trắng không mồ côi
PHẠM THÀNH NHÂN (Gò Dầu-Tây Ninh)
![]() |
Ca sĩ Cẩm Ly thể hiện thành công ca khúc Chim sáo ngày xưa |
Mỗi lần tôi ngân nga bài hát Chim trắng mồ côi là đám bạn học chê tôi “sến” quá. Biết rằng tụi bạn không thích nhưng tôi vẫn ca. Tôi yêu sao những ca từ mộc mạc, đơn sơ nhưng chứa chan tình cảm đến thế. Mở đầu bài hát, tôi như đắm chìm trong khung cảnh làng quê yêu dấu: cánh cò, dòng sông, ruộng lúa mênh mông... Mới xa quê, lòng tôi lúc nào cũng dạt dào cảm xúc.
Cuộc sống bon chen chốn phồn hoa đô thị có lúc làm tôi nản lòng nhưng khi nghe bài hát của nhạc sĩ Minh Vy như có thêm sức mạnh, làm tôi ấm lòng, vơi bớt nỗi nhớ quê da diết; bao kỷ niệm của ngày hai đứa mới quen nhau chợt hiện về.
“Tình anh như nước con sông dài. Con nước về cho cây trái trổ bông. Tình em như lúa xanh trên đồng. Cây lúa chờ ngày mùa đơm bông. Chiều quê hai đứa hay vui đùa. Em cánh cò anh chim trắng mồ côi. Phù sa vun đắp chia đôi bờ. Anh bên bồi em bên lở chờ mong”.
Những buổi chiều trời mát, chúng tôi thường hẹn nhau đi thăm ruộng. Giữa cánh đồng lúa bát ngát, tôi một câu, em một câu và chúng tôi hát bài hát này một cách say sưa. Rồi những đêm trăng thanh, gió mát, nam nữ trong xóm tụ tập ở bãi đất trống của cánh đồng làng thi nhau làm ca sĩ. Bài hát của chúng tôi là những điệu hò, câu lý nhưng dạt dào tình cảm quê hương, “thương câu mái đẩy, nhớ điệu lý tình tang”. Và trăng sắp tàn tự bao giờ cũng không biết nữa, chúng tôi vừa hò hẹn rồi lại phải quyến luyến vì xa nhau.
“Trăng sắp tàn trôi nơi xa bến đậu. Chim sáo bay xa mãi không về. Em vẫn chờ anh nơi đây bến lở. Rồi nhớ thương anh câu hát mong chờ. Thương chim quyên nức nở. Thương con cá rô trên đồng. Nghe chim trắng mồ côi. Đâu còn ai đón ai nhớ mà mong”.
Để rồi hôm nay, tôi sống nơi thị thành, còn “em vẫn chờ anh nơi đây bến lở” và những lúc nhớ thương nhau chúng tôi lại ngân nga bài ca năm cũ. Dù chim trắng giờ đây cô đơn, lẻ loi vì không ai đón, ai đưa... nhưng “em thương mà em đợi”. Và “mùa lúa thơm đã chín chín lâu rồi”, nhưng “bấy lâu anh chưa ghé về thăm” nên em trách tôi sao vội quên những hẹn thề năm cũ để “chim trắng mồ côi”, “đêm trắng cò than nghe tái tái tê lòng”. Với giọng ca mượt mà, sâu lắng của ca sĩ Cẩm Ly, bài Chim trắng mồ côi đã đem đến cho chúng tôi những phút thư giãn nhẹ nhàng nhưng có lúc nhớ tha thiết. Em nhớ mong tôi nhiều, tìm tôi đến tận trời cao nhưng em đâu biết rằng tôi cũng rất buồn khi phải xa em. “Chim sáo không về, cánh cò mồ côi. Em nhớ anh nhiều sao phụ tình em!”, anh không thay lòng đổi dạ, không phụ tình em; anh sẽ về với em, về với ruộng đồng. Cám ơn nhạc sĩ Minh Vy và ca sĩ Cẩm Ly luôn nhắc tôi nhớ quê hương, cội nguồn; và trái tim tôi vẫn hướng về tình cảm của người yêu bé nhỏ quê nhà.
Ở đầu này nỗi nhớ...
Bác sĩ Nguyễn Thị Tân Hoa (Bệnh viện Nhi Đồng 2)
Bằng âm hưởng mang đậm chất dân ca ngọt ngào, tiết tấu chầm chậm, bằng cách sử dụng nhuần nhuyễn phép so sánh ẩn dụ, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mở đầu ca khúc của mình với câu hỏi nhưng không phải để tìm lời giải, hỏi mà như thêm một lần, thêm nhiều lần nữa khẳng định một sự thật.
Có một không gian nào đo chiều dài nỗi nhớ / Có khoảng mênh mông nào sâu thẳm hơn tình yêu / Ở đầu này nỗi nhớ anh mơ về bên em / Ngôi sao như xuống thấp cho ta gần nhau thêm.
Không ồn ào, không nỉ non, những ca từ trong sáng, mượt mà đẹp như những áng thơ, bản thân nó đã toát lên vẻ thanh khiết của một mối tình. Không gào thét, không não nề nhưng vẫn cho ta cảm nhận về một tình yêu mãnh liệt được chất chứa bên trong cái nôn nao của đợi chờ, cái cồn cào của nỗi nhớ, cái sâu xa của cội nguồn, cái dạt dào tình thương và vượt lên trên tất cả vẫn là niềm tin, niềm hy vọng ở một tình yêu được hội tụ bởi tinh hoa của trời và đất, của con người với con người mà nhạc sĩ đã chắt lọc trong tác phẩm của mình.
Nỗi nhớ ở hai đầu - hẳn mỗi người trong chúng ta đều có thể hiểu một trạng thái tình cảm thật tuyệt vời khi được sẻ chia, mỗi rung động ở bên này nỗi nhớ dù rất nhẹ cũng dội vào không gian, băng qua thời gian đến đầu kia nỗi nhớ làm trái tim rung lên, cộng hưởng khiến cho nỗi nhớ đã da diết lại càng trở nên da diết hơn, đã vời vợi lại càng trở nên vời vợi hơn biến thành lòng khát khao, sự lắng sâu thâm trầm mà nỗi niềm ấy không ngôn từ nào thay thế được.
Đêm nghe tiếng mưa rơi / Đếm mấy triệu hạt rồi / Mà chưa vơi nỗi nhớ...
Từng chữ từng lời càng nghe càng thấm. Nếu ai đó đã được sống trong “hai đầu nỗi nhớ” có thể sẽ bật khóc khi được nhạc sĩ chia sẻ với mình.
Kết thúc bài hát cũng bằng sự khẳng định:
Ở hai đầu nỗi nhớ yêu và thương sâu hơn / Ở hai đầu nỗi nhớ nghĩa tình đằm thắm hơn
Tình yêu đã được thấm sâu thành niềm thương nghĩa thắm hay chính cái nghĩa nặng tình dày đã hun đúc giữ cho ngọn lửa tình yêu cháy mãi-tất cả đều đúng. Thêm một lần chân lý được tác giả thể hiện hết sức lãng mạn, tinh tế nhưng lại vô cùng giản dị, dễ đi vào lòng người, đó chính là thành công của tác phẩm. Tác giả đã đạt đến đỉnh cao của dòng nhạc trữ tình với ca từ nhiều ý nghĩa.
Xin cảm ơn nhạc sĩ đã tạo ra rung động trong trái tim tôi.
Nhớ người trên đồi sim
Vĩnh Hoan (TP Quy Nhơn, Bình Định)
![]() |
Ca sĩ Quang Dũng rất thành công khi thể hiện ca khúc Thu hát cho người |
Năm hai mươi tuổi, tôi và một số bạn bè đồng trang lứa khoác lên người màu áo xanh thanh niên xung phong, giã từ thành phố lên đường. Đơn vị chúng tôi đóng quân dọc theo một con suối rất đẹp, bao bọc chung quanh là chập chùng đồi núi.
Công việc hằng ngày là phát rừng, dọn đồi, trồng cây... Những ngày đầu vì chưa quen, chúng tôi mệt mỏi rã rời tưởng không kham nổi. Sau rồi quen dần với công việc, coi bộ mấy đứa chúng tôi còn có vẻ khỏe ra, dù bữa ăn thường chỉ là cơm độn mì với cá khô.
Cuộc sống ở núi rừng tuy kham khổ nhưng tâm hồn chúng tôi vẫn tràn đầy lòng yêu đời của tuổi thanh xuân. Sau bữa cơm chiều, chúng tôi thường tụ tập bên bờ suối. Ai đó đã gom lại mấy gốc cây khô, đốt lên thành một đống lửa. Rồi những thứ ở nhà mang lên được đem ra: trà, cà phê, kẹo, bánh... và dĩ nhiên, không thể thiếu một cây đàn guitar. Tôi chơi đàn nghe cũng được nên lãnh phần đệm. Đêm vui thường được bắt đầu bằng vài trò chơi và những ca khúc tập thể. Càng về đêm, trời càng lạnh. Không khí sôi động lắng xuống và T. bắt đầu cất tiếng hát. Trong nhóm các bạn nữ, tôi thích nhất giọng hát ấm nồng, truyền cảm của T. Đêm nào tôi cũng yêu cầu T. hát cho tôi nghe bài Thu hát cho người của Vũ Đức Sao Biển. Một bài hát tôi đã thích từ những năm còn đi học. “...Hoàng hạc bay bay mãi bỏ trời mơ. Về đồi sim ta nhớ người vô bờ...”. Chúng tôi cứ đàn hát say sưa như thế, đến tận khuya.
Khoảng cuối mùa hè trời đất chuyển sang thu là sim bắt đầu chín rộ trên các ngọn đồi. Vào mùa này, chiều nào được nghỉ chúng tôi cũng rủ nhau lên đồi chơi. Hái sim rồi ăn sim chán, chúng tôi nằm trên cỏ lặng yên nhìn mây trời trôi lơ đãng. Giữa khung cảnh ấy, bất chợt một tiếng hát cất lên, tiếng hát của T. “...Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó. Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư...”. Những câu hát trên đồi sim chiều ấy đã làm tôi lặng đi. Và sự đồng cảm từ một bài hát dẫn đưa đến tình yêu. Từ đó, đồi sim là nơi tôi và em thường hò hẹn...
Rồi cũng đến ngày chúng tôi về lại thành phố. Tôi đi học nghề, trở thành một người thợ. Em theo gia đình đến ở một nơi xa lắc. Những lá thư đầy ắp yêu thương của em cũng vơi dần theo năm tháng. “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt…”. Chỉ còn lại trong tôi tiếng hát của em chiều thu xưa, trên đồi sim chín và nỗi hoài mong...
Trưa vắng!
NGUYỄN THỊ KIM HÂN (Lớp báo chí 2, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM)
![]() |
Mỹ Linh - ca sĩ thể hiện thành công ca khúc Trưa vắng |
“Trưa nay phố xá đầy nắng, riêng em với con đường vắng, biển ngoài kia sóng nói thầm, nói thầm rằng em nhớ thương anh...”. Giai điệu bài hát cất lên làm lòng tôi xốn xang, một cảm xúc khó tả.
Giữa phố biển trưa nay chỉ có mình “em” cùng với biển, mây, gió. Mình em chờ anh, đợi anh giữa cơn nắng buổi trưa dù “Vẫn biết mây trời bay về một nơi xa, vẫn biết anh giờ đây ở một nơi xa, vẫn thương thật nhiều, vẫn yêu thật nhiều”. Nhưng lòng em không buồn, không giận, không trách vì “trưa nay phố biển đẹp như mơ”.
Cảm ơn nhạc sĩ Huy Tuấn, nhạc sĩ Dương Thụ, đã đưa ta đến một phong cảnh thật đẹp, trưa nắng nhưng không vắng, trưa vắng nhưng không nắng, vì đã có những bước chân vô hình cùng “em” dạo bước, cùng “em” chiêm nghiệm buổi trưa huyền ảo. Biển vẫn thì thầm, thì thầm lời yêu thương của từng cơn sóng nối nhau gởi vào bờ. Gió đưa mây bay đi để rồi gió phải nhờ hàng phi lao gọi mây trở lại nơi đầy ắp kỷ niệm, mây cũng như anh cứ lang thang để gió phải đợi, anh cứ phiêu du chốn nào để “trưa nay phố biển mình em thôi”. Từng câu, từng chữ của bài hát đã đưa tôi trở lại miền quê yêu dấu nơi nhiều kỷ niệm.
Ca từ nghe gần gũi, trải nhưng không sáo rỗng, lời hát tha thiết như ru lòng người, sử dụng hình ảnh quen thuộc gắn bó với mọi người, cảnh vật tĩnh nhưng không tĩnh, cách hòa âm làm cho con chữ nhảy múa lúc chậm, lúc trầm, lúc bổng, ngân nga, da diết, thể hiện được “phần hồn lẫn phần xác” của bài hát. Vẫn biết, vẫn biết và vẫn biết, nhưng em vẫn luôn hy vọng, vẫn luôn chờ mong dù “vẫn biết anh chẳng như lời anh đã nói”. Tình yêu cũng giống như buổi trưa nắng lúc ngột ngạt, lúc mệt mỏi. Nhưng buổi trưa trong bài hát này đã có điểm tựa là biển pha thêm những nét chấm phá lên bức tranh là hàng phi lao, gió, mây, làm xoa dịu và lắng đi tất cả nên “gió không ngừng thổi, áng mây bồi hồi vẫn không ngừng trôi” và “để trưa nay phố biển đẹp như mơ”.
Chất giọng truyền cảm, ấm áp của cô ca sĩ đất Hà thành – Mỹ Linh đã thổi vào bài hát một luồng gió mới, êm dịu mà ở đó mọi người đồng cảm với nhau. Bây giờ ta mới hiểu vì sao là “trưa vắng” mà không phải là “trưa nắng”. Không sai nếu cho rằng “âm nhạc là nghệ thuật thời gian”, bài hát vẫn còn vang đọng mãi trong lòng người yêu nhạc mỗi khi nghe.
Thuyền và biển như anh và em!
Nguyễn Quang Sáu (TP Vũng Tàu)
Em yêu! Chiều nay anh lại nghe bài hát em đã hát cho anh bao lần trước lúc anh đi xa. “Chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông dường nào. Chỉ có biển mới biết, thuyền đi đâu, về đâu”... Âm điệu trầm bổng tha thiết, lời ca đẹp, trẻ trung mà sâu lắng gợi trong anh biết bao nỗi niềm.
Ngày ấy, đã có lần em nói: em là biển, sẽ chờ thuyền anh trở về. Năm tháng trôi và anh đã hiểu, em là biển: sâu thẳm, mênh mông, chắt chiu từng giọt mồ hôi, nước mắt, lọc tình yêu thành vị mặn của muối, lọc nắng gió thành sóng cho thuyền anh ra khơi.
Em là biển, bằng sự bao la, sâu thẳm đến vô cùng, em hiểu những suy tư, khát vọng bừng cháy trong anh, em yêu anh bằng trọn vẹn trái tim và đồng điệu cùng anh bằng cả tâm hồn. Yêu anh mãnh liệt, yêu đến tột cùng, hiến dâng trọn vẹn cho khát vọng của anh, em rộng lượng, chấp nhận hy sinh, lặng lẽ làm mặt biển bình yên cho anh đi đến những chân trời xa.
Vậy mà anh không nhận ra. Vậy mà cũng có lần anh suýt đánh mất em. Đó là khi anh lạc bước, như con thuyền kia sa vào bãi cát:
“Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ”.
Chỉ khi xa nhau rồi, anh thấm thía những điều mình chưa hiểu hết. Anh đã quay quắt với ý nghĩ rằng sẽ mất em. Anh để cho nỗi đau, sự ân hận vò xé tim mình. Em là biển, yêu anh đến quên mình, vậy mà anh nỡ... Em là biển, nếu vắng anh, biển ơi, em sẽ cô đơn, sẽ buồn, sẽ khắc khoải từng giây trườn lên bãi cát những đợt sóng bạc đầu vì thương nhớ? Con thuyền anh cũng sẽ không thể tung hoành như khi trên sóng biển em. Và lòng thuyền rạn vỡ như lòng anh khi thiếu vắng em vậy.
“Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa em
Anh chỉ còn bão tố”.
Anh đã trải nghiệm điều này và càng thấy yêu em biết chừng nào. Tình yêu như vì sao mọc phía chân trời thôi thúc anh vươn tới. Anh chẳng dại gì để mất em đâu.
Chúng mình là của nhau, mãi mãi tựa vào nhau vượt qua dông bão, như thuyền và biển, để bồi hồi nghe tim mình hát khúc tình ca: “Chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông dường nào...”. (nhạc Phan Huỳnh Điểu, lời thơ Xuân Quỳnh).
Hà Nội - Phố nghèo và mùa thu trắng
Việt Hùng (kỹ sư dầu khí - viethungpetechim@yahoo.com)
Có một Hà Nội rất riêng, một Hà Nội huyền ảo lung linh với bao nỗi nhớ da diết mà tôi cảm nhận được trong âm nhạc của Trần Tiến - đó là Hà Nội trong Phố nghèo và Mùa thu trắng. Hà Nội trong âm nhạc của Trần Tiến là một Hà Nội bình dị, sâu lắng, một Hà Nội rất đỗi thân quen với những “phố nghèo xưa, mái ngói nghèo xưa”... nhà ga cũ với “tiếng còi xa buồn”, với những con đường vắng của mùa thu khi “gió heo may về bên lá khô”.
Nghe nhạc của ông, tôi lại nhớ đến âm thanh vang vọng của tiếng còi đêm tàu hỏa chạy tuyến Hà Nội - Gia Lâm, mỗi khi qua cầu vượt trên phố Phùng Hưng tàu lại kéo lên một hồi còi dài. Tiếng còi ấy lan mãi trong không gian của đêm đông giá lạnh, lan đến tận phố chợ Hàng Da, nằm trong chăn ấm trên gác xép tôi vẫn còn nghe thấy. Tiếng còi ấy sao buồn thế, sao lẻ loi thế nhưng sao da diết thế! Tiếng còi ấy như còn vang vọng trong tôi cho đến tận bây giờ... Rồi hình ảnh “chiếc lá bàng rơi trong đêm mưa” lại gợi lên trong tôi ký ức như “những ảo ảnh xưa” của Hà Nội một thời đơn sơ yên bình.
Những ai từng sống ở Hà Nội hẳn sẽ nhớ mãi hình ảnh thơ mộng của Hồ Gươm trong tiết cuối thu vào đông với màn sương trắng bảng lảng, thấp thoáng trong sương là tháp Rùa cổ kính, là những cành bàng khẳng khiu còn sót lại vài chiếc lá đỏ ối hay vài búp chồi chớm nhú trên cây lộc vừng. Những lúc ấy ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng ở quán Nhân trên phố Hàng Hành, sự ấm áp dần lan tỏa và át đi cái giá lạnh trong lòng, ta sẽ cảm nhận được sự thanh bình của đất Hà thành. Vì thế nên khi nhạc sĩ viết “Hồ sương trắng, cà phê đắng. Ấm đôi tay người xa tháng ngày”, tôi không những cảm nhận cái ấm nóng của ly cà phê ngày xưa mà thật sự cảm nhận được cái ấm áp của tình quê hương, tình đất, tình người trong lòng của những người con xa xứ.
Theo dòng nhạc của Trần Tiến, những xúc cảm rung động đầu đời cũng trở về trong tôi: “Ở nơi đó tôi còn nhớ mối tình xưa. Người thiếu nữ đã gặp tôi ngượng ngùng” và tôi cũng ngượng ngùng. Mà đúng hơn, tôi đã run rẩy trước vẻ đẹp hồn nhiên trong sáng đến thánh thiện của em ở lễ Đền Phủ năm ấy. Tôi không đủ can đảm để nói với em một điều gì đó cho dù em và tôi học chung một lớp. Chúng tôi còn quá trẻ để có thể vun đắp cho những rung động đầu đời... để giờ đây tôi chỉ còn biết “nhớ những mùa thu xa vời vợi, những mối tình những bóng hình nghìn trùng khơi”.
Và còn bao nhiêu những nỗi nhớ khác cứ nối nhau dồn dập ùa về mà tôi không thể gọi được tên của chúng. Những nỗi nhớ ấy quá nhạt nhòa, quá xa xôi, còn đó mà như hư ảo vậy! Và hình như chính người nhạc sĩ cũng không thể gọi được tên của những nỗi nhớ khi ông tự hỏi “nhớ thương về đâu thương nhớ ơi?”, chỉ biết rằng khi “tháng năm vội vàng năm tháng trôi” thì Hà Nội trong những nỗi nhớ cũng dần như “những bến bờ... quá xa mờ và quá hững hờ” - hiển hiện đó mà làm sao ta quay về được?
Càng nghe nhạc của Trần Tiến tôi càng thêm nhớ Hà Nội. Giọng ca khắc khoải của Trần Thu Hà càng làm cho nỗi nhớ trong tôi se lại. Bởi vì, Hà Nội đã là máu thịt trong tôi, là một phần của cuộc đời tôi - phần đẹp nhất của cuộc đời tôi. Còn với Trần Tiến, tôi có cảm giác ông dùng âm nhạc để sẻ chia cảm xúc với mọi người, để giãi bày tâm sự của mình hay cũng có thể là để hoài niệm một quá khứ. Nhưng dù cách nào đi nữa cũng xin được cảm ơn ông, cảm ơn người nhạc sĩ tài hoa đã dùng âm nhạc để vẽ nên một Hà Nội rất thực, trầm mặc và tĩnh lặng - một Hà Nội mang đậm nét Trần Tiến.
Một đời người - một rừng cây
Võ Văn Dũng (Đại học Đà Lạt)
“Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nghĩ về rừng cây”... mỗi lần nghe lại bài hát này tôi lại cảm thấy tiếc nuối một điều gì đó, vì có một khoảng thời gian tôi đã rất tự hào khi hát lên bài hát này.
Tốt nghiệp đại học xong, tôi lên làm việc tại Trung tâm Chữa bệnh Phú Văn, Phước Long - Bình Phước với mong muốn làm được việc có ích cho đời. Làm việc tại đây khoảng một tháng mà tôi phải về Sài Gòn vì việc riêng đến ba lần, cuối cùng tôi quyết định xin nghỉ việc, quay về thành phố, để lại bao nỗi trăn trở.
Khác với tôi, Hải Đăng- bạn tôi quyết định gắn sự nghiệp với mảnh đất này, từ bỏ bao nhiêu cơ hội, điều kiện tốt đẹp ở thành phố để lên sống giữa núi rừng cùng bao nhiêu người mắc các tệ nạn xã hội. Với ước mong tạo niềm tin và giúp những học viên cai nghiện vượt qua những cám dỗ, chiến thắng bản thân để trở về hòa nhập với cộng đồng. Công việc thật khó khăn, biết bao người đã lên đây rồi lần lượt ra về, trong đó có cả tôi.
Giữa môi trường hết sức khắc nghiệt như thế, Đăng vẫn vui vẻ tươi cười “hồn nhiên như ngàn ánh lửa chiều hôm, khi gió về”, tôi khâm phục Đăng lắm. Đúng, “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai! Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành, phải không anh, phải không em?”. Câu hỏi cứ xoáy vào lòng tôi, không phải ai cũng chịu hy sinh như thế. Vì vậy, tôi càng quý mến và khâm phục Đăng hơn, khâm phục nghị lực, chịu thương chịu khó và sự hết mình vì cộng đồng của Đăng.
“Cây đã mọc từ thuở nào, trên đồi núi thật cằn khô?”. Bình Đức lúc mới bắt đầu cũng vậy Đăng nhỉ, dân cư thưa thớt chỉ toàn là đồi núi, tình cảm và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Những khó khăn đó đã khiến mọi người từ chối lên mảnh đất cằn khô và môi trường đầy những hiểm nguy. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai!”. Nhờ có những người như Đăng nên cây đã mọc được ở nơi này, tình cảm con người cũng dần ấm lên, bao nhiêu người đã tìm lại được niềm tin trong cuộc sống, điều đó thật ý nghĩa và đáng quý biết bao.
“Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời nhỏ nhoi. Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người, ngày đêm canh giữ đất trời, rạng rỡ như rừng mai nở... chiều xuân!”. Tôi đã thật tự hào về Đăng, đời cần biết bao những con người như thế. Cảm ơn nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã sáng tác một ca khúc hay cho đời.
Nghe Mưa hồng ở Huế
Trần Văn Toàn (ĐH Bách khoa TPHCM)
Tuần qua đi coi kịch ở IDECAF, suốt cả vở kịch giai điệu bài Mưa hồng của Trịnh Công Sơn “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” cứ ám ảnh mãi trong tôi. Tôi nhớ đến lần đầu tiên nghe được bài hát này là một chiều mưa ở Huế.
![]() |
Trần Thu Hà, một trong những ca sĩ thể hiện thành công ca khúc Mưa hồng |
Và chợt nhớ những cơn mưa hồng. Có lẽ trên cuộc đời này, Trịnh Công Sơn là người duy nhất giữ được màu nắng hồng trong mây và giữ được màu mưa hồng trong nắng.
Thật ra, tôi chẳng phải người Huế, tôi chỉ là một du khách từng đặt chân đến Huế và từ đó mê say vẻ đẹp của miền đất này. Yêu nhiều thứ mà tôi chỉ nhớ mãi một thứ, đó là những cơn mưa của Huế. Mưa Huế ẩn chứa một nét đẹp thầm kín huyền hoặc khó tả. Huyền hoặc để cho mỗi người lại khám phá theo cách riêng của mình. Nhưng với tôi, mưa Huế là “mưa hồng”, nó gắn liền với một kỷ niệm không thể nào quên. Đó là một cơn mưa thất thường vào buổi chiều, mưa đan nắng.
Tôi may mắn đang ngồi trong một quán cà phê nên không bị ướt. Rất nhiều người bị mưa, chạy vội vào quán để tránh. Trong đó có một cô gái mà vì những bàn khác đã kín chỗ nên đành ngồi chỗ bàn tôi. Cô xoay xở khá vất vả với mái tóc còn nhỏ giọt nước mưa và chiếc áo khoác thấm ướt. Chúng tôi bắt chuyện với nhau khá hợp ý và tôi biết cô ấy là sinh viên ngành Đông phương học, từ TPHCM ra tìm hiểu văn hóa cố đô. Mưa được khoảng mười phút, chủ quán bắt đầu bật một loạt những bản nhạc về mưa. Tôi không rành lắm những bài hát về mưa, đặc biệt là mưa xứ Huế.
Tôi hỏi cô bạn về những bài hát này, cô ấy trả lời vanh vách có vẻ rất thích thú, tôi cũng chăm chú lắng nghe. Rồi giọng hát của Trần Thu Hà vang lên: “Trời ươm nắng cho mây hồng, mây qua mau, em nghiêng sầu”, mở đầu cho bài Mưa hồng quen thuộc mà tôi rất thích. Tôi chợt nhận ra sự kỳ ảo giống nhau của Mưa hồng và cơn mưa đang đổ. Giống quá, cơn mưa được ươm nắng hồng, giống quá mây âm thầm mang gió lên, giống cả người ngồi đó trông mưa nguồn... Cô bạn hỏi tôi biết bài này không, tôi bảo đây là bài của Trịnh Công Sơn mà tôi rất thích.
Cô ấy cười rồi hỏi tôi có biết bài này Trịnh Công Sơn viết về mưa Huế không, tôi ngạc nhiên. Tới lúc đó, sự nghi hoặc của tôi mới được giải tỏa. Đúng là mưa xứ Huế lãng mạn huyền ảo không đâu bằng hay ít nhất là những nơi tôi biết. Lần này tôi đã được cảm nhận Mưa hồng trong một khung cảnh thực tế hơn, tai được nghe và mắt được chiêm ngưỡng. Tôi cảm thấy mình thật may mắn và mong sao cơn mưa ấy, tiếng hát ấy kéo dài mãi. Rồi câu hát cuối cùng cứ vang lên và ngân mãi như một lời nhắn gởi: “Người ngồi xuống xin mưa đầy.
Trên hai tay cơn đau dài. người nằm xuống nghe tiếng ru, cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”. Xin mưa hồng hãy giúp rửa sạch đi những đau thương phiền muộn của kiếp người và con người ơi hãy sống mở lòng với nhau, hãy sống hết mình vì cuộc đời này ngắn ngủi lắm.
Sau này, mỗi lần nhìn những cơn mưa ở Sài Gòn, tôi lại nhớ tới cơn mưa Huế, nhớ tới khung cảnh ấm cúng trong quán cà phê cùng với cô gái xa lạ. Mỗi lần như vậy, tôi lại tự an ủi rằng phải học cách yêu đời thì đời mới yêu mình. Và tôi đang học...
Xúc động bạn tôi
Hồ Thiên Nga (Phường 1, thị xã Bạc Liêu - tỉnh Bạc Liêu)
Đã có nhiều ca khúc viết về quê hương, về tình yêu, nhưng mảng đề tài về đời sống vật chất cũng như tinh thần của một tầng lớp thanh niên trí thức thì hình như chưa được khai thác nhiều.
Những bài ca viết cho sinh viên còn rất ít. Ca khúc Bạn tôi của Võ Thiện Thanh là một trong những tác phẩm nằm trong số ít ỏi ấy. Người thể hiện ca khúc này đầu tiên và thành công nhất có lẽ là ca sĩ Quang Linh.
Đây là một trong những ca khúc thật sự gây xúc động lòng người nghe. Ca khúc nhắc nhớ lại một thuở mộng mơ, một thời trai trẻ với những ai từng có những năm tháng học tập, rèn luyện dưới mái trường đại học. Những năm tháng thật đẹp nhưng cũng không ít gian khó, thiếu thốn vật chất đủ bề.
Hằng tháng phải đợi “lương nhà” và nếu gia đình chưa kịp gửi thì... “cắm quán”, hoặc xem có cái gì khả dĩ để đem đến tiệm cầm đồ. Ấy là những sinh viên còn có “viện trợ”. Đa số sinh viên vốn xuất thân từ những gia đình nông dân, lao động nghèo thì vừa học lại vừa phải kiếm sống. Số này sống vất vả, chật vật, cái ăn cũng phập phù bữa có bữa không: “Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường”, “Thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm”.
Công việc làm thêm để kiếm sống cũng thật nhọc nhằn, tiền công rẻ mạt, thậm chí chấp nhận cả những công việc mà ai đó coi là thấp hèn, mạt hạng: “Thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị, thằng làm quán cơm...”, không ngại cực nhọc, miễn là kiếm được tiền: “Bạn tôi sáng đạp xe hai mươi cây số”. Nhưng đâu chỉ có nỗi lo cho mình mà hơn hết vẫn là nỗi lo cho người thân (ai bảo sinh viên chỉ biết chơi bời, chỉ biết xài tiền của cha mẹ?).
Họ cũng bị dằn vặt, lo lắng không yên, thấp thỏm tin gia đình, bồn chồn khi quê nhà bị bão, lũ: “Miền Tây nước lớn, đứng ngồi không yên; miền Trung lũ lụt, suốt đêm không ngủ”. Hình ảnh người mẹ lam lũ phải vất vả ky cóp từng đồng để có tiền gửi cho con ăn học: “Bao nỗi lo âu, bóng mẹ gầy hơn trước”...
Ca khúc Bạn tôi đã miêu tả một mặt đời sống rất đặc trưng của sinh viên bằng ca từ mộc mạc, bằng lời kể chân thực, gần gũi và bằng giai điệu thủ thỉ tâm tình đầy cảm động.
Qua đi niềm tuyệt vọng
Nguyễn Mỹ Nữ (163 Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn, Bình Định)
Trong lời tựa cho tập Tự tình khúc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”. Với cảm nhận ấy của Trịnh Công Sơn, tôi chỉ có thể “biết” chứ chưa đủ để “thấu”. Bởi rất nhiều lần, tôi đã phải ngậm ngùi khi nghĩ: “Tôi là ai mà còn khi dấu lệ. Tôi là ai mà còn trần gian thế...”.
Thi thoảng trong cuộc đời mình, tôi đã chạm trán với sự tuyệt vọng hay là gần gần như thế. Đó là khi tôi ôm một nỗi đau không chịu đựng nổi. Một sự mất mát không lấy gì bù đắp. Một đổ vỡ không thể nào hàn gắn... Tôi bỗng mệt mỏi đến mức không còn muốn đương đầu, trở nên mỏng manh, yếu đuối đến vô cùng và buông xuôi – quỵ ngã.
Vào những thời điểm đó tôi hay nghĩ tới một câu hát trong ca khúc Tôi ơi đừng tuyệt vọng của Trịnh Công Sơn. Một câu hát lặp đi lặp lại như thể là một lời nhắn nhủ – khuyên lơn. Cứ nhẹ nhàng xoa dịu, vỗ về tôi từng tí, từng tí một. Cứ nhắc thật khẽ, nói rất nhỏ như là những lời thủ thỉ: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi! Đừng tuyệt vọng...”. Là một lời cầu nguyện, thiết tha mà không bi lụy.
Tôi để cho câu hát ấy đập mải miết nơi trái tim và thật bất ngờ bởi theo mỗi ngày qua đi, là nỗi sầu khổ cùng bao khốn nhục, ê chề... dần dần rơi rụng. Đã có sự nhẹ nhõm cùng với những xanh tươi ùa đến, như muốn thay thế cho sự u xám nặng nề và để cho tôi, bỗng một hôm bàng hoàng nhận ra: một tôi cũ kỹ với những buồn rầu và đớn đau đã chẳng còn. Chỉ có một tôi thật mới mẻ, ngây ngất ngắm nhìn bầu trời, những cỏ cây và nhịp sống tuôn trào mạnh mẽ ngoài kia sao mà lạ lẫm và tôi vui thích ngạc nhiên, tự hỏi lại mình: “Tôi là ai? Là ai? Mà yêu quá đời này...”.
Sáng qua. Tôi đã ngồi với một người bạn nơi cái quán cà phê nhỏ và vắng ở gần biển. Bạn tôi đang có quá nhiều trắc ẩn, đang kiệt sức và dường như... tuyệt vọng. Tôi lơ đãng nhìn ra những con sóng và gặp lại những bất hạnh đã qua của mình cùng lúc bài hát ấy hiển hiện trong tâm trí. Tôi hát cho bạn mình nghe rất nhiều lần và rất nhỏ: “Đừng tuyệt vọng. Em ơi! Đừng tuyệt vọng. Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh...”.
... Rồi thì bạn tôi cũng khóc được. Và dưới kia vẫn thế: sóng xô bờ và biển rất xanh...
Bụi phấn - bài ca xanh mãi với mái trường
LÊ XUÂN (55/5 Cách Mạng Tháng Tám, TP Cần Thơ)
Nhạc sĩ Vũ Hoàng và Lê Văn Lộc đã làm lay động hàng triệu con tim các thầy cô giáo và học sinh bằng ca khúc Bụi phấn. Với giai điệu trong sáng và chỉ 7 câu nhạc, hai tác giả đã tôn vinh nghề dạy học nói chung và bày tỏ lòng biết ơn các thầy cô giáo nói riêng.
Bài hát ra đời vào năm 1982, tới nay đã hơn hai thập niên nhưng vẫn đọng mãi trong ký ức biết bao người. Bài hát đã được nhạc sĩ Viễn Châu (tác giả nổi tiếng với bài vọng cổ Tình anh bán chiếu) soạn thành bài tân cổ giao duyên Bụi phấn nên sức lay động lại càng lan xa, đến với nhiều đối tượng người nghe.
![]() |
Nhóm Mắt Ngọc - một trong những nhóm hát thể hiện ca khúc Bụi phấn |
Giai điệu của bài ca mượt mà, tha thiết, ca từ trong sáng và thành kính. Hai tác giả đã nói hộ tấm lòng của biết bao lớp học trò đối với công lao vất vả của thầy cô giáo đối với họ: Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng. Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy...
Hình ảnh người thầy hiện lên qua bài hát thật cảm động và đẹp, với niềm lao động say mê khi giảng bài. Tóc thầy đã bạc theo năm tháng cùng với sự nghiệp trồng người, và nay lại bạc thêm bởi bụi phấn đang rơi rơi trên mái tóc. Hai nhạc sĩ đã tạo được một tứ thơ, tứ nhạc lạ, có sức liên tưởng lớn, tóc thầy ngày càng bạc để cho mái tóc trò xanh hơn, tri thức trò sâu rộng hơn: Em yêu phút giây này. Thầy em tóc như bạc thêm. Bạc thêm vì bụi phấn. Cho em bài học hay...
Đoạn hai của bài hát là một điệp khúc nhằm khẳng định lòng biết ơn thầy cô thật mặn nồng, tha thiết: Mai sau lớn nên người. Làm sao có thể nào quên. Ngày xưa thầy dạy dỗ. Khi em tuổi còn thơ. Bài hát được viết với những quãng phù hợp với cỡ giọng ở mọi lứa tuổi từ các cháu mẫu giáo đến các em học sinh, sinh viên, và cả người lớn, rất dễ hát, dễ thuộc. Bởi thế sức lan tỏa của bài ca là rất lớn.
Bài hát như một bó hoa đẹp do nhạc sĩ Vũ Hoàng và Lê Văn Lộc dâng lên thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Đó cũng là tấm lòng của muôn triệu học trò và người dân Việt Nam thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với thầy cô giáo. Đây là một bài ca xanh mãi cùng năm tháng, thắm mãi với mái trường.
Lãng mạn, giản đơn Tình ca phố
Minh Đức (Khoa Tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất - TPHCM)
... Một sớm Sài Gòn ra trực, tôi thu mình trong quán cà phê xộc xệch quen thuộc ngồi nhìn một ngày đang lên.
Ngoài đường mưa lớt phớt. Gió dợm mình thổi vài hạt bụi mưa vào mặt, tôi nghe một cảm giác rất lạ: bay bổng, lâng lâng. Bất chợt bài hát Tình ca phố vang lên nghe thật gần.
Cái giai điệu mượt mà và hiền lành của Tình ca phố (sáng tác: Quốc Bảo. Trình bày: Đức Tuấn) làm tôi đang ở Sài Gòn mà cũng chợt thấy nhớ và nôn nao. Sài Gòn là vậy - chưa xa đã nhớ. Chừng như có một cuộc tình vô hình với thành phố này của tất cả những ai đã đặt chân đến. Sài Gòn nắng đó, mưa đó - rất lạ. Có khi mưa chưa kịp ướt đường, nắng đã lên.
Căng đầy nhịp trẻ, đất Sài Gòn gắn liền với những cuộc hẹn hò của bè bạn và những kẻ yêu nhau. Bao lần hò hẹn, thế nhưng mỗi lần gặp vẫn còn nguyên cái cảm giác háo hức ban đầu. Người Sài Gòn luôn tự làm mới những cuộc hẹn hò của mình, bởi vậy mà hẹn mãi như chưa bao giờ. Có lúc hẹn nhau ở một quán cóc, một con phố nhỏ nhưng cũng có khi hẹn nhau ở một con phố lớn, thật lạ – chẳng để làm gì, chỉ để một chút lạc nhau, một chút tìm nhau – để nghe tim nhau náo động.
Người Sài Gòn là vậy – lãng mạn và giản đơn. Những cuộc hẹn hò làm cho Sài Gòn thoáng đó hẹp lại, rồi rộng ra và bất chợt tan vào tình yêu đôi lứa: Hẹn nhau mưa xanh như lá. Hẹn nhau trong nắng mượt mà. Dù nắng hay mưa, những kẻ hẹn hò vẫn dậy lên niềm cảm hứng. Nắng rực rỡ, mượt mà làm lòng ta rộn ràng, háo hức. Nhưng đôi khi mưa ướt một chút mà lại thấy ấm, thấy hay.
Lẫn trong tiếng mưa rơi, bàn tay của những đôi tình nhân chợt ấp vào nhau thật gần, tìm thêm phút nồng ấm hơi quen. Đôi lần mưa nhốt chân những kẻ yêu nhau bên hiên phố để rồi chẳng muốn rời xa, cứ gọi phố dài thêm và mưa rơi mãi. Phố Sài Gòn nuôi dưỡng bao hạnh phúc tình yêu. Có lẽ vì vậy mà nếu đi xa sẽ nhớ lắm. Nhớ Sài Gòn đi về hối hả đường vui đôi chân sớm trưa, nhớ Sài Gòn – phố của em, của anh.
... Tiếng nhạc tựa như bước chân thật khẽ nói thay tất cả tình cảm của người Sài Gòn với con phố thân quen của mình, làm nên một cảm giác thật bình yên và tháng ngày cũng vậy – trôi êm. Cái cảm giác lâng lâng như phủ lên cả quán. Lòng tôi như trải ra một cảm giác lưu luyến, mênh mang.
Ai cũng có quê hương và tuổi thơ
Nguyễn Thị Thanh Tâm (khu phố III, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức - TPHCM)
![]() |
Ca sĩ Mỹ Tâm, người thể hiện thành công ca khúc Quê hương tuổi thơ tôi |
Quê hương và tuổi thơ, chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng có quê hương và tuổi thơ riêng của mình.
Nhạc sĩ Từ Huy cũng vậy, chính vì thế ông đã sáng tác thành công ca khúc Quê hương tuổi thơ tôi. Đọc nhan đề ca khúc, chúng ta cũng đã cảm nhận được sự thiêng liêng huyền diệu, nhắc cho ta nhớ đến một cái gì đó thân quen không bao giờ quên được. Quê hương và tuổi thơ là một. Bởi tuổi thơ của mỗi chúng ta đều ít nhiều ghi dấu những kỷ niệm buồn vui với quê hương mình.
Đi sâu vào nội dung ca khúc, chúng ta mới cảm nhận được cái hay thật sự của nó. Bằng những ca từ mộc mạc, giản dị nhưng da diết và có sức lôi cuốn người nghe đến kỳ lạ: “Tôi yêu quê tôi xanh xanh lũy tre... đường làng quanh co, sông thu êm đềm; thả diều, đá bóng nắng cháy giữa đồng...”. “Tôi xa quê hương bao năm tháng qua... Mùa lụt nước lũ bắt cá giữa đồng”. Những hình ảnh đường làng, sông thu, thả diều, đá bóng, bắt cá... và cả những âm thanh “tiếng tu hú gọi, lời mẹ ru” đã tạo nên một bức tranh khung cảnh huyền hoặc đưa người nghe hướng tới một khung trời tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm vui buồn, tuy rằng những kỷ niệm về quê hương tuổi thơ trong ca khúc không giống trong mỗi trái tim người nghe.
Sau mỗi lần nghe, ca khúc đọng lại trong lòng chúng ta một chút gì đó cứ miên man, day dứt mãi. Những ngày tháng tuổi thơ sẽ không bao giờ trở lại, chúng ta chỉ có thể chôn giấu nó trong trái tim mà thôi nên trong ca khúc, nhạc sĩ không thể không thốt lên rằng: “Kỷ niệm yêu thương cho tôi ngày ấy... cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ, cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày”. Cái hay của ca khúc không chỉ về nội dung mà nó còn rất thành công về nghệ thuật. Cách kết hợp giữa nhạc điệu và ca từ thật tinh tế, những nốt nhạc lúc thanh lúc trầm, lúc lên lúc xuống là những cung bậc của nỗi nhớ và tình cảm mà nhạc sĩ muốn gửi gắm vào ca khúc. Lời ca rất thực tế nó không ví von bay bổng nên người nghe rất dễ cảm nhận.
Ca khúc Quê hương tuổi thơ tôi là một giai điệu đẹp, tràn đầy yêu thương, tiết tấu bài hát khoan thai, nhẹ nhàng, nội dung da diết, sâu lắng rất dễ đi sâu vào lòng người và làm cho người nghe nhớ mãi.
Nhạc sĩ Từ Huy tuy đã qua đời, nhưng những ca khúc của ông sẽ còn vang mãi, vang mãi trong lòng mỗi chúng ta và thế hệ mai sau.
Còn mãi một lời ru
Đào Thị Thanh Thuận (N9 Bàu Cát, Tân Bình)
Dòng đời đã cuốn xa vòng tay mẹ. Con mệt nhoài sau những vất vả lo toan, con chông chênh bên con đường gập ghềnh nắng gió, bước chân dài một mình hun hút đêm thâu. Con ở bên mẹ, cùng một mái nhà, nhưng dòng đời vẫn cuốn con đi.
Xa vòng tay mẹ. Bao nhiêu đắng cay, đắng cay u buồn. Cuộc đời không chỉ còn có những lời ru. Những cuộc mưu sinh chật vật, những phi vụ làm ăn chà đạp lẫn nhau, giọt rượu đắng môi, những mối tình thoáng qua rồi đi mãi...
Những đêm khuya mẹ chờ cơm với một chút càu nhàu kẻ tham công tiếc việc, làm con ngộp thở. Những câu hỏi đi đâu, về đâu, tại sao... làm con bức bối. Những giọt nước mắt lặng thầm trên khuôn mặt vất vả những nếp nhăn của mẹ làm con khó chịu. Và rồi, kể cả cái áo là thẳng nếp, đôi vớ để sẵn bên đôi giày da đắt tiền cũng làm con ngột ngạt. Mẹ chu toàn quá! Cái gì mẹ cũng muốn tốt, mà cuộc đời có tốt đâu, mẹ ơi! Con quyết định ra riêng. Và rồi mỗi đứa một phương, bao giọt yêu thương đã chia hết rồi, lời ru xa rồi, giấc mơ thơ ấu...
Ngày con đi, chỉ thấy mẹ buồn, không khóc. Bao giọt yêu thương đã chia hết rồi. “Con có quyết định của con, sau lưng con là mẹ”. Một người khỏe mạnh, vững vàng như con mà phải dựa vào mẹ ? Lời ru xa rồi, giấc mơ thơ ấu. Con tiếp tục lao vào những cuộc mưu sinh nay châu Âu, mai bờ Đông, bờ Tây nước Mỹ. Có lúc tưởng trượt dài bên bờ vực thẳm, nhưng vẫn chộp được vài nhánh cây gãy để tồn tại. Có lúc con tưởng mình khao khát chạy ào về bên mẹ, vì chỉ có mẹ, mẹ đã nâng con dậy, khi con ngã trên đường đời, nhưng sự kiêu hãnh của một thanh niên (hay sự hèn nhát của chính con?!) đã làm con chùn bước. Con không quay về, không thể quay về. Mặc dù chiều nay, vô tình nhìn thấy mẹ đi chợ với giỏ thức ăn đầy ắp, hàng xóm cười: “Một mình bà, mua gì nhiều thế?”, “À, lỡ con nó về...”. Con đã biết, con sai rồi mẹ ơi! Bóng dáng mẹ đã phôi pha theo tháng ngày.
Cũng vô tình, con biết được bài hát Lời ru cho con của nhạc sĩ Xuân Phương. Mẹ đừng cười, của bạn con gửi tặng đấy. Vẫn mong cho con, ấm êm một đời. Hạnh phúc khi con cười, yên lòng khi thấy con vui. Mẹ đã nâng con dậy, khi con ngã trên đường đời. Mà, bàn tay mẹ có khỏe nữa đâu...
Dù cho nắng có pha màu buồn, cho dù mắt nhắm tay buông, dành cho con hết mọi nguồn yêu thương.
Phải không mẹ?
Thời hoa đỏ diệu kỳ
Nguyễn Đông Triều (A47, khu Huy Hoàng, đường Nguyễn Oanh, Gò vấp - TPHCM)
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao, bước lặng trên con đường vắng năm nao. Chỉ có tiếng ve sôi ồn ào... (Thời hoa đỏ - nhạc Nguyễn Đình Bảng, thơ: Thanh Tùng).
Tiếng nhạc đưa ta về một thời quá khứ đã xa, ngày ấy anh và em nắm tay nhau đi dưới con đường ngập đầy hoa đỏ. Con đường trong ký ức có anh và em, có màu hoa đỏ khát khao, có tiếng ve vang vọng... Nhưng giờ đây chỉ còn một mình anh trên con đường lặng ngắt, vẫn cảnh vật cũ nhưng thời gian đã làm chúng ta khác xưa vì đơn giản anh không có em bên cạnh.
Anh mải mê về một màu mây xa, cánh buồm bay về một thời đã qua. Em thầm hát một câu thơ cũ, về một thời thiếu nữ say mê...
Thời trai trẻ ấy, thời tuổi trẻ của anh, của em, tuổi trẻ của chúng ta sao mà đẹp lạ kỳ. Chính từ những ngày tháng xa xưa ấy, tình yêu anh và em thật giản dị mà mãnh liệt. Tình yêu bắt đầu từ màu hoa đỏ chói chang, từ con đường vắng nơi anh và em đã đi qua.
Giờ đây, lặng nhìn những vòm mây xa, khẽ hát lên những câu hát ngày cũ, anh và em, chúng ta cùng nhau nuối tiếc cho một thời trai trẻ đã qua rồi. Thời gian có thể xóa nhòa mọi thứ nhưng với anh hình ảnh màu hoa đỏ luôn cháy rực khi nghĩ về em. Thời gian rồi cũng trôi đi, vết thương trên da thịt rồi cũng lành, nhưng vết thương lòng vẫn nhói theo năm tháng. Để cho:
Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi
Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi...
Mưa cho anh gợi nhớ một tháng năm bên em, có em bên đời, mưa thấm ướt hồn em, mưa khiến những ký ức ngày xưa trở về, làm rung lên bao cung bậc tình cảm hôm nao - ngỡ đã vùi sâu bỗng trở về cồn cào da diết trong mỗi mùa hoa đỏ- Mùa của tình yêu, mùa của những kỷ niệm.
Và dẫu biết rằng:
Trong câu thơ của em anh không có mặt, câu thơ hát về một thời yêu đương...
Nhưng: Anh đâu buồn, mà chỉ tiếc em không đi hết những ngày đắm say...
Dẫu cũng là kỷ niệm, kỷ niệm nào rồi cũng qua. Thì em ơi, hãy cứ hát, hát lên những yêu thương từ sâu thẳm lòng mình, sâu thẳm như ánh mắt ta trao nhau ngày ấy. Tình yêu là bất diệt, là mầm sống cho những khát khao cháy bỏng thời trẻ đã qua, là quá khứ để nuôi dưỡng hiện tại, tương lai, và nó cũng là hành trang mà tất cả những gì anh và em sẽ mãi mang theo suốt cuộc đời này. Anh sẽ không trách em đâu, có thể trong câu thơ của em không có anh, nhưng chắc chắn có con đường ngập đầy hoa đỏ... Thôi thì đó cũng chỉ là kỷ niệm của một thời đã qua.
Em ơi hãy hát nữa đi, hãy hát lên thật chân thành...
Sau bài hát rồi em lặng im, cái lặng im rực màu hoa đỏ,
sau bài hát rồi em cũng thế, em của màu hoa đỏ ngày xưa.
Sau bài hát rồi anh cũng thế, anh của thời trai trẻ ngày xưa.
Màu hoa đỏ vẫn cháy mãi trong lòng anh khi anh nghe lại bài hát này. Bài hát như hồi sinh anh một lần nữa... chúng ta trở về lại ngày xưa... em và anh nắm tay nhau đi trên con đường dưới màu hoa đỏ như lửa cháy...
Bình luận (0)